Tàu chở khách thăm quan các điểm du lịch vùng hồ Hòa Bình.

Tàu chở khách thăm quan các điểm du lịch vùng hồ Hòa Bình.

(HBĐT) - Sau rằm tháng giêng, ai có dịp trở lại vùng sông nước này sẽ có cảm giác thật yên ả, thanh bình. Một vùng quê mà “tiếng gà gáy ba tỉnh cùng nghe”. Không nắng, không gió, chỉ lất phất mấy hạt mưa bụi không đủ ướt áo.

 

Bên này là Kỳ Sơn (Hòa Bình), bên kia là Thanh Sơn (Phú Thọ) và dưới kia là Ba Vì  (Hà Nội) - đều là vùng hạ du sông Đà. Dòng sông Đà như dải thắt lưng xanh, thi thoảng có tiếng máy nổ tạch tạch của tàu chở cát xuôi ngược của những thuyền máy qua sông, vang inh ỏi là tiếng còi xe vọng vào vách núi của tuyến Pheo - Chẹ - Sơn Tây hoặc tuyến Hòa Bình - Phú Thọ. Với sông Đà, có lẽ đoạn sông này còn nhiều đò ngang nhất? Chưa đầy một buổi bộ hành hay một giờ xe máy mà có đến non chục bến đò ngang. Có những bến đò vẫn mang tên của người từng gắn bó lâu dài với nó (như bến đò bà Bầu chẳng hạn), mặc dù người đó đã giải nghệ từ lâu rồi. Bến đò Mộc gắn với sự tích ba anh em Nguyễn Tuấn (Đức Thánh Tản) từ bên kia Thanh Thủy - Phú Thọ sang núi Ba Vì - Hà Nội kiếm củi nuôi nhau. Một buổi chiều  về muộn, vì lỡ đò họ làm lán ngủ qua đêm và gặp Thủy Tinh (con vua Thủy Tề) nên kết nghĩa anh em, từ đó có đền Hạ như ngày nay. Trước đây, đò ngang chỉ bơi bằng mái chèo, rất vất vả, sau giải phóng miền Nam năm 1975, đò mới được lắp máy nổ. Một lần đi trên một chuyến đò nghe người lái đò vui tính quảng cáo: “Du lịch sông Đà bằng thuyền, miền Nam gọi là ghe, trên thuyền gắn máy, miền Nam gọi là máy cole”. Thật là khôi hài! Thường mỗi chiếc đò ngang có hai người, một người đứng máy cầm lái, một người giúp khách xuống đò và neo đò vào bến. Người lái đò cho biết: Nước sông dù đầy, vơi đều không đáng ngại, sợ nhất là gặp cơn lốc bão. Sau khi khách lên bờ, họ neo đò lại và tiếp tục ngóng sang đôi bờ. Đông vui nhất vẫn là những ngày chợ phiên bên ấy hoặc bên này sông.    Có những lần bóng đêm đã trùm xuống mặt sông, trời lại mưa nặng hạt, đò đã neo vào bến kết thúc một ngày đưa đón khách, bỗng vang lên từ bên kia sông tiếng gọi đò: Đò ơi! Đò ơi! Người lái đò có thể vờ như không nghe thấy bởi giờ này, vợ con đang chờ cơm tối trong ngôi nhà ấm cúng. Đúng là “ngày đàng chẳng bằng gang nước”. Thế là thầy, trò người lái đò lại xuống bến… Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Hỏi” của nhà thơ Hữu Thỉnh có câu: “Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào? - Chúng tôi làm đầy nhau… Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?...”. Ngày thơ nguyên tiêu lần thứ X vừa qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có ba nhà thơ nước ngoài đọc và dịch bài thơ này ra tiếng Anh và tiếng Việt. Nước sông bao đời nay vốn trong xanh như vẻ đẹp truyền thống của thơ ca, luôn “làm đầy nhau” và từ đó nâng cao những chuyến đò và con người. Ngày nay, con người - với sự tiến bộ của khoa học - đã đối xử với sông tử tế hơn trước, họ kè dọc đôi bờ sông, bắc cầu cao lên mặt sông hoặc làm đường hầm chui dưới đáy sông cho tàu thuyền thả sức qua lại trên sông. Ngày lại ngày, năm lại năm, hết đời này sang đời khác, những chuyến đò ngang cứ qua lại trên sông nối đôi bờ cách trở...

 

                                                               Đinh Đăng Lượng

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục