(HBĐT) - Quê tôi, miền quê yên ả, cả làng, cả xóm uống nước chè xanh. Chè xanh trở thành thức uống hàng ngày của người dân quê tôi. Nhớ hồi còn nhỏ, mẹ đi chợ mua một bó chè. ở nhà, bố lo cọ rửa chiếc ấm đất, mấy cái bát thật sạch, mẹ đi chợ mang chè về, ông đem ra ngồi đầu hè nhặt sạch, bẻ ngắn từng cành rửa kỹ rồi sắp vào ấm. Quê tôi nấu chè xanh là cả cành, cả lá, theo các cụ sành uống chè có như vậy, nước chè mới đậm, mới đủ độ chát thơm, uống vào đầu lưỡi đã cảm thấy hơi chát nhưng ngấm dần, chép miệng thấy hơi ngọt.

 

Nấu chè xanh cũng lắm cầu kỳ, phải là nước mưa đựng trong chum, trong vò bằng sành hoặc thứ nước giếng, thứ giếng chùa, giếng đình trong vắt, không mang tạp chất, mùi vị đã được thử nghiệm. Lúc đun lên bếp lửa, muốn dùng củi gì cũng được nhưng kiêng tránh cái anh củi xoan vì lửa củi xoan làm cho nước chè bớt xanh, kém chát, kinh nghiệm thực tiễn mà chẳng hề có sự phân tích khoa học. Nước sôi, cho nhỏ lửa, múc nước chè xanh là bằng chiếc gáo dừa nho nhỏ bằng chiếc bát ăn cơm, màu đen gan gà cứ thế mở vung, hơi bốc lên một mùi chè xanh quen thuộc, hấp dẫn. Chè xanh múc ra bát, màu nước xanh mật vịt đặc tưởng như cắm tăm không đổ, bày lên phản, lên chõng tre, trải chiếc chiếu lên sân, lên sàn rồi đứng đầu sân ới nhau có nồi nước mới mời các bác, các chú sang uống:

Quê tôi mời nhau bát nước chè

Thương nhau từ đầu xóm, cuối thôn.

 

Đúng như câu hát trong bài “Quê tôi” của nhạc sĩ Tân Huyền. Dưới ánh trăng, đêm hè, thú vui uống chè xanh thành một nét văn hóa ẩm thực dân dã của quê tôi. Trong lúc uống chè chỉ có chuyện cấy, cày làm ăn, giống cây, giống con, ruộng trên no nước, ruộng dưới ngấu bùn. Cánh đồng lúa xanh đang thì con gái, ngoài bãi ngô đã trổ cờ, phun râu. Những người chân quê có thói quen chỉ bàn việc thiết thực, còn việc to tát trên tỉnh, dưới huyện đã có người chức trách. Chuyện xung quanh bát nước chè xanh rôm rả ân tình, đậm đà tình làng, nghĩa xóm với quan hệ tắt lửa, tối đèn có nhau.

 

Đi xa dù ở đâu vẫn nhớ bát nước chè xanh quê hương và không khí làm ăn cày sâu, cuốc bẫm của các lão nông tri điền. Lòng dạ dân quê cứ nghĩ đâu, nói vậy, nói thẳng như ruột ngựa, chẳng vòng vo, lắt léo mà ghét nhất là cái tính lươn lẹo, đâm bị thóc, chọc bị gạo. Đoàn kết thôn quê là đoàn kết chất phác, chân tình. Nhớ cái thời chống Mỹ bên nồi nước chè xanh, bố Nhanh hồ hởi nói: Mình cứ ăn củ sắn, uống nước chè xanh, nghe đài Hà Nội là yên tâm, là chuẩn nhất rồi”.

 

Ngày nay, các ông, các bà ở phố phường về hưu, tuổi già cũng thích uống nước chè xanh. Tôi có ông bạn dù đi đâu mà thiếu bát nước chè xanh là miệng thấy nhàn nhạt, giọng lờm lợm, khó chịu. ông bạn nói khổ nỗi “đã quen mất nết đi rồi”. Uống nước chè xanh có mấy cái lợi, trước hết là rẻ tiền, thứ hai là sạch, sau nữa nước chè xanh vừa giải nhiệt, vừa ít ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nhiều cụ ông, cụ bà uống nước chè xanh khoẻ ra, ăn tốt, ngủ tốt.

 

Ngày nay, thị trường ẩm thực phát triển, người ta quảng cáo tiếp thị “chè xanh không độ” nhưng người nghiện chè xanh nghe loại đồ uống ấy thì cứ dửng dưng vì chẳng hợp với khẩu vị mình, khẩu vị người nhà quê. Chè xanh phải uống bát mới đã, mới đậm đà. Dưới ánh trăng bên hiên nhà, gió nhè nhẹ thổi, nhất là về mùa hè nóng nực, cứ quần đùi, may ô hay vô tư đánh trần uống bát nước chè xanh là thấy khoái, thấy lâng lâng một miền quê đang xây dựng nông thôn an lành mà rất đỗi nhân văn.   

  

                                                                        Văn Song (T.T.V)

 

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục