Các cụ ở Đồi Thung họp mặt.

Các cụ ở Đồi Thung họp mặt.

(HBĐT) - Ô lạ quá, trời bỗng sáng ra thật, không cần soi đèn cũng đi được. “Kia là trung tâm huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Vầng sáng rực xa xa kia là vùng Mỹ Đức, Hà Đông, Hà Nội đấy”.

Đường vòng từ Hà Nội đến Đồi Thung khoảng 150km, nhưng đường chim bay rất gần. Do ở trên cao gần nên vầng sáng rực kia phần rọi chéo lên, phần mây trời hắt xuống.

Người người Đồi Thung ở chỗ rìa núi này không bị rừng, đồi che khuất, được hưởng ánh hồi quang đô hội mờ mờ, thay đèn đuốc đêm không trăng sao.

“Các anh lên Đồi Thung à? Đường khó đi lắm”, mấy người địa phương khuyên. Phó Chủ tịch xã Quý Hòa Bùi Văn Dác phụ trách văn xã ái ngại: “Dịp này cán bộ xã bận cả, không có người đi cùng, đường chẳng ra đường dốc lắm. Đồi Thung cao hơn mực nước biển gần ngàn mét đấy”.

Quý Hòa là xã vùng sâu vùng xa, nghèo nhất huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Các thôn của xã đều thuộc diện chính sách 135. Thôn Thêu, thôn Củ của Quý Hòa cũng rất nghèo, nhưng Đồi Thung đã nghèo còn ở cao nhất, xa nhất xã. Đến Đồi Thung là hết đường đi, chỉ còn lên trời thôi.

Từ cổng ủy ban xã đi vài trăm mét nữa hết đường nhựa, rồi qua cái ngầm là bắt đầu dốc ngược. Đường toàn đá lớn đá nhỏ ngổn ngang. Chiếc xe máy gài số một vẫn phải gầm gừ rú ga lách từng kẽ đá tảng, nhiều lúc chồm vượt qua dãy đá hộc cản ngang. Cứ đoạn dốc ngược này tiếp đoạn dốc ngược khác như không dứt. Những ai lên đến đây mới hiểu rõ tình cảnh dân Đồi Thung.

Ông Bạch Công Nghiu, trưởng thôn Đồi Thung, chỉ tay ra phía xa, đằng ấy thuộc huyện Kim Bôi, có xã Thường Tiến cách đây chừng một giờ đi bộ đường rừng, ở thấp hơn Đồi Thung gần hai trăm mét độ cao.

Khi thành lập xã, Thường Tiến có chỉ khoảng 700 nhân khẩu, vừa rồi tăng lên thành 1.101 người. Nhưng là một xã, họ được đầu tư làm đường nhựa đến tận nơi, có trạm xá khang trang hiện đại, điện lưới về từng nhà.

Còn Đồi Thung toàn người dân tộc Mường, 842 nhân khẩu, 160 hộ, trong đó, gần một phần ba là hộ nghèo.

Đi lại khó khăn, không điện, không chợ, không trạm xá, thành thử gần ngàn con người Đồi Thung như ở trên ốc đảo, chẳng được hưởng mấy tí ưu đãi theo chính sách vùng 135, sống theo phương thức tự cung, tự cấp là chính.

Đồi Thung đông dân phải chia hai, Đồi Thung 1 và Đồi Thung 2 cho tiện sinh hoạt. Giãi bày đến đây, ông Nghiu ao ước: “Chúng tôi chỉ mong có đường đi lên và điện lưới quốc gia”. Một người cao tuổi nghe vậy nói mát: “Mình có đường dẫn voi vào vườn mía đấy”.

Chuyện thế này, những năm 60 thế kỷ trước, Đồi Thung chỉ có đường mòn đi bộ xuống xã. Tỉnh Hà Sơn Bình hồi đó đổi gỗ rừng cho một đơn vị khai thác lâm nghiệp lấy đường ô tô đi lên. Họ phá rừng tan hoang, làm đường qua quýt, cốt cho xe tải chuyên dụng chở gỗ, cũng chỉ mở đường đến bãi gỗ bên kia sườn núi đá, thành ra người Đồi Thung vẫn phải đi bộ.

Cách đây gần hai chục năm, tỉnh Hòa Bình cho máy móc xẻ hạ sườn núi, từ đó ô tô và xe máy lên được đây. Nhưng người ta không làm lại mặt đường, không hạ bớt độ dốc nên đường xấu, chẳng có chiếc ô tô nhỏ nào dám liều đến với Đồi Thung.

Thảo nào, thôn cách trung tâm xã chỉ bảy kilômét, chúng tôi đi liên tục không dám nghỉ, thậm chí không nhìn ngoái lại vì sợ nản lòng, mà cũng mất hơn tiếng đồng hồ.

Trưởng thôn cười: “Đi thế là giỏi rồi, không hỏng xe là may đấy. Người quen đường chạy xe hết 45 phút”. Hiện, toàn thôn có khoảng 100 xe máy, chiếc nào cũng bị tai nạn, ngã đổ ngang dốc, bị hỏng rệu phải đại tu.

Tháng trước, ông Nghiu chở anh con trai thứ tư xuống xã, đến quãng dốc đá lớn, xe đổ đè ngang bốn chân hai bố con. Họ không cựa được đành nằm im, mãi sau có người chăn trâu gặp mới thoát.

Không có trạm xá, bệnh nặng thêm khổ vì đường đi xóc quá, chưa kể nhà ai có người chửa sắp đến ngày đẻ luôn lo lắng thót tim. Thường người ta đưa bà bầu xuống trạm xá xã nằm trước cho an toàn.

Chẳng lẽ Đồi Thung là ốc đảo bị lãng quên trên đỉnh núi này sao? Tôi hỏi ông Bùi Văn Dẩn - Trưởng thôn Đồi Thung 2: “Đồi Thung mình có dự án, công trình nào của Nhà nước cho hoặc được tài trợ đang triển khai, sắp khởi công?”.

Tôi nhắc lại lần nữa, ông vẫn nghĩ. Nghĩ mãi một hồi, ông sực nhớ: “Có đấy! Tỉnh nói cho Đồi Thung dự án nhà máy thủy điện mini công suất 300 kw/h”, ông Dẩn nói mà nét mặt chẳng chút gì vui.

Cách nay hai năm, tỉnh mở hội thảo về dự án tại ủy ban xã, có đủ lãnh đạo sở kế hoạch đầu tư và các sở ban ngành liên quan, cán bộ lãnh đạo huyện cùng ban ngành huyện. Cán bộ thôn Đồi Thung cũng được dự. Xe con đỗ chật sân ủy ban xã.

Dân Đồi Thung mừng khi hội thảo kết luận tán thành triển khai thực hiện dự án. Hai năm trôi qua chậm chạp trong sự ngóng chờ, mà dân Đồi Thung chưa thấy ai có trách nhiệm về dự án lên đây, hoặc nghe nhắc đến dự án thủy điện cho Đồi Thung.

Mà người Đồi Thung không giận dỗi đâu, chỉ quên là đã lâu lâu, mình từng được hứa cho điện thủy lợi thôi.

Tối, chúng tôi càng thấm thía cảnh không có điện. Mấy em nhỏ cúi gằm bên chiếc bàn học bài, trong ánh đèn dầu tù mù. Đêm không trăng sao, không có ti vi, thấp thoáng xa xa ánh đèn dầu leo lét khiến cảm giác núi rừng thêm quạnh hiu.

Tám rưỡi tối, ai nấy ở yên trong nhà thì ông Nghiu rủ tôi đi dạo. Chúng tôi đi, mỗi người một đèn pin trên con đường gập ghềnh. Ông luôn nhắc tôi trời tối đen đấy, cẩn thận kẻo lọt chân xuống hố.

Đến cuối thôn Đồi Thung 2, ông bảo tôi: “Đến đây anh tắt đèn được rồi, đi bộ rõ đường đấy”. Ô lạ quá, trời bỗng sáng ra thật, mọi vật xung quanh rõ nét, không cần soi đèn cũng đi được.

Trưởng thôn chỉ tay, phía trái là xã Thường Tiến, trước mặt là xã Kim Tiến cũng của huyện Kim Bôi: “Kia là trung tâm huyện Kim Bôi. Vầng sáng rực phía xa xa kia là vùng Mỹ Đức, Hà Đông đấy”.

Ngồi bên ông, trên phiến đá gần mép vực, nhìn dòng suối Vắng tuôn ào ào. Dưới kia, chỗ cách tôi ngồi vài trăm mét, người ta dự tính xây nhà máy thủy điện mini công suất 300kw/h. Lòng tôi nghĩ mông lung, không biết sẽ nên viết gì về nơi này, về con người ở đây.

 

                                                                     HBĐT tổng hợp

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục