(HBĐT) - Năm hết, Tết đến - đó là điệp khúc bao đời nay của dân tộc ta, mỗi người dân đều phải lo - nghĩ tới, nhất là người có tuổi, chủ gia đình, chủ cơ quan, doanh nghiệp... Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo ngày nghỉ tết Giáp Ngọ cho cả nước trong phiên họp Chính phủ vừa qua đó sao!

 

Tôi ngồi viết những dòng này giữa quê nhà - một làng Mường ven sông Đà - trong những ngày cuối năm Quý Tỵ. Vào những ngày này, trên nửa thế kỷ về trước, bà con trong Mường, trong xóm đã bắt tay vào chuẩn bị cho tết nhất. Tháng 11 âm lịch lên rừng kiếm củi đuốc sao cho các gầm sàn chất đầy củi, lên rừng sớm hơn có củi tốt hơn, nhìn vào bó củi là biết người con gái có khéo tay, người con trai có sức vóc không. Từng tốp vài ba ngưới í ới gọi nhau nơi rừng sâu, núi thẳm, vớ được cây củi khô như vớ được vàng! Trước tết một tháng phải kiếm lá dong, lá chuối rừng, cây nứa mồng (bánh tẻ) để buổi tối cả nhà quây quần chẻ lạt. Lá dong, lá chuối để ở suối nước, bên vại nước cho tươi để gói bánh, gói giò. Buổi tối, đàn bà con gái lại xay giã, sần sàng gạo tết cho đầy thúng, đầy đai! Đàn ông hì hụi nấu rượu cho đầy vò, đầy vại.

 

Vào những ngày này, trai gái trong xóm, trong Mường rủ nhau đi chợ Phương (chợ Phương Lâm ngày nay), cách xa nửa ngày đi chân để may quần áo mới cho kịp tết, dù sao cũng chắt chiu đồng vào, đồng ra cả năm rồi! Con gái thuê may áo, cặp váy, con nhà nghèo chỉ là vải hoa, nhà giàu mới có cặp váy con rồng có hoa văn bông nghia, trái trám. Con trai may bộ quần áo ta bằng vải phin Nam Định, màu xanh xi lâm, màu gụ hoặc màu nâu tươi là được rồi!

 

Trung tuần tháng 12 âm lịch bắt đầu đi mời ông bà, ông vải về ăn Tết. Ngày ấy, mộ ông bà, ông vải còn nằm khắp đồng trên, bãi dưới, chưa quy hoạch như ngày nay nên con cháu khá vất vả. Hầu hết các xóm đều có đình, miếu thổ công. Trước tết 5 ngày, ông trùm trưởng văn ở đình đánh ba hồi trống là bà con kéo ra đình chứng kiến lễ dựng cây nêu ở làng, sau đó, các gia đình mới được về dựng cây nêu nhà mình. Cây nêu ở làng phải là cây bương, cây tre cao nhất... Mùng 5 Tết, sau khi làng hạ cây nêu, người làng mới được hạ cây nêu nhà mình. Trong dịp Tết, làng không được chặt phá cây cối, gây tiếng động làm huyên náo làng xóm... Những lệ làng ấy, dù không thành văn nhưng được tuân thủ rất nghiêm, nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị lang phạt vạ.

 

Ngày 28 Tết, các gia đình đều thịt lợn, vừa có lòng để bày cỗ ngày hôm sau đón ông vải, vừa có thịt làm nhân bánh chưng. Gia đình gói nhiều bánh chưng thường dùng thịt mỡ làm nhân. Nhân bánh chưng bằng mỡ sẽ bảo quản bánh được lâu hơn! Thịt lợn và bánh chưng thường treo nơi khô ráo, mát mẻ, gia đình nào thịt lợn to để ăn dần trong năm thường ướp thịt bằng muối trong vại sành, lúc dùng luộc qua và bỏ nước muối đi thịt sẽ không còn mặn chát. Trong xã hội phong kiến, kinh tế tự túc, tự cấp, chưa có giao thương lại xa chợ búa..., kế đó là thượng sách!

 

Ngoài bánh chưng (bánh ống) là chủ yếu, bà con còn gói bánh uôi bằng nguyên liệu sẵn có, đó là bột gạo, quả chuối tây chín và vừng, ngày ấy, mật, đậu phải đi chợ xa mới có. Đây là thứ bánh ăn ngay trong mấy ngày tết và quà cho trẻ nhỏ. Việc chế biến thịt lợn trong dịp tết khá vất vả  cho người đàn ông trong nhà. Giã thịt nạc làm giò lụa, thái thịt sỏ làm giò thủ, băm xương làm nem... Tất cả công việc chế biến thịt, luộc bánh phải xong trước đêm 30 tết. Công việc dù vất vả nhưng vẫn vui như tết bởi nhà nhà cùng đồng khởi làm tết! Biết là no dồn, đói góp nhưng cả năm có một ngày tết, không lo được cho con cháu bằng người trong xóm, trong Mường thì vừa mang tiếng, vừa thương con cháu! Là con cháu dù mệt mỏi đến đâu, sớm mùng một cũng phải thức dậy thật sớm để ra giếng làng lấy nước tiên, người lấy được nước tiên sẽ sáng dạ học giỏi.

 

Ngày đầu năm mới phải chuẩn bị ba cỗ, đôi bánh chưng, cơi trầu, cau để đi tết bố mẹ vợ, đi tết cô, dì, chú, bác nội tộc chỉ đôi bánh chưng và cơi trầu.

 

Sau tết sẽ là hội làng. Chiêng xéc bùa, ném còn và thi vật là những hoạt động văn hóa chủ yếu trong dịp đầu xuân. Vật thắng một keo sẽ được thưởng một đôi bánh chưng, loại bánh to gói riêng làm giải vật. Ngày ấy, xóm tôi có đô Trọng, đô Giáp là những đô vật thường giật giải ở hội đình làng hoặc hội vật đình Thánh xóm kế bên. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng pháo nổ càng làm cho không khí hội làng thêm náo nhiệt. Ngày ấy chưa có các phương tiện nghe, nhìn như bây giờ nên lễ hội là nơi cuốn hút đông đảo già trẻ, gái trai làng trên, xóm dưới.

 

Tôi thuộc lớp hậu sinh, ra đời đồng thời với chế độ mới do Đảng ta lãnh đạo. Lớn lên khi nhận thức được thì những tập tục của chế độ cũ đã mai một, song cũng được mắt thấy hoặc tai nghe một phần. Những nét đẹp về văn hóa trong dịp tết ngày ấy là kết tinh từ hàng ngàn năm trước. Hướng về tổ tiên, họ mạc, cha mẹ, gia đình là đạo lý muôn đời, không riêng gì ở nước ta. Công việc lo - nghĩ tết, sắm tết, chúc tết, vui xuân... sẽ kéo các thành viên trong gia đình, trong họ, trong xóm, trong Mường lại với nhau, cố kết tình làng, nghĩa xóm, tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc, dù có thiếu thốn về vật chất nhưng người người vẫn vui như tết!

 

 

 

                                                                     Đ.Đ.L (T.T.V)

 

 

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục