Tết Nhảy của gia đình ông Dương Chí An, xóm Rãnh, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) diễn ra trong không khí vui tươi, nhộn nhịp.

Tết Nhảy của gia đình ông Dương Chí An, xóm Rãnh, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) diễn ra trong không khí vui tươi, nhộn nhịp.

(HBĐT) - Tết Nhảy là một nghi thức đặc biệt, được xem là quan trọng bậc nhất trong tục thờ cúng tổ tiên của người Dao xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Tết Nhảy được tổ chức với mong muốn cầu may mắn, sức khỏe, bình an cho gia đình, dòng họ.

 

Theo quy định, Tết Nhảy được tổ chức tại nhà trưởng họ nơi thờ tự tổ tiên của gia tộc, tuy nhiên nếu gia đình trưởng họ không thể tổ chức thì cả họ sẽ họp bàn và chọn gia đình có uy tín nhất họ để lo công việc này. Khi gia chủ đủ 35 tuổi sẽ được phép làm lễ Tết Nhảy nhưng thông thường họ đều chọn thời điểm khi gia đình đã có đủ tiềm lực về kinh tế, con cái đã dựng vợ, gả chồng, cháu nội cháu ngoại đuề huề mới tổ chức lễ Tết Nhảy vì khi đó mới đông vui, ý nghĩa.

 

Để chuẩn bị cho Tết Nhảy thật chu đáo, vẹn toàn, gia đình ông Dương Chí An (xóm Rãnh, xã Toàn Sơn, Đà Bắc) đã rất cẩn thận, kỹ lưỡng từ việc quét dọn và trang trí bàn thờ, các loại lễ cụ, tranh thờ, lương thực, thực phẩm cần thiết. Bàn thờ thường được trang trí bằng vải đỏ. Một trong những lễ cụ không thể thiếu là tượng gỗ, lá cờ, dao, rìu hay một số công cụ lao động mà tổ tiên họ đã từng dùng. Tất cả công cụ này đều được làm bằng gỗ và trang trí hoa văn tượng trưng. Bên cạnh đó, gia đình tổ chức phải chuẩn bị về lương thực, thực phẩm và các yếu phẩm cần thiết để làm vật dâng cúng và thết đãi những người tham dự.

 

Thầy mo Triệu Duyên Tiến (xóm Rãnh, xã Toàn Sơn) cho biết: Mục đích của nghi lễ này là để tẩy oan, cầu may, cầu phúc, cầu mưa thuận, gió hòa. Người Dao quan niệm rằng, con người phải trải qua nhiều trắc trở, rủi ro trong cuộc sống. Vì vậy, hàng năm cần phải khấn trời đất, thần linh, tổ tiên để được cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh và ban cho những điều may mắn, hạnh phúc. Trước đây, khi dòng họ nào tổ chức Tết Nhảy phải tổ chức 3 năm liên tục, bây giờ, Tết Nhảy được tổ chức rút gọn trong 1 năm, gia tộc làm lễ liên tiếp trong 3 ngày, 3 đêm. Nghi thức của Tết Nhảy rất khắt khe, yêu cầu chính xác về thời gian và thủ tục, phải là ngày lành tháng tốt, phù hợp với tuổi của gia chủ và do thầy mo chọn. Sau đó, gia chủ sẽ thông báo đến từng nhà trong họ để cùng tham dự.

 

Vào ngày giờ đã định, thầy mo bắt đầu lập đàn cúng. Sau phép tẩy uế, thầy mo thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng (cờ), bày biện các lễ vật thờ cúng, làm lễ khấn xin được làm Tết Nhảy và kính mời các thần linh, gia tiên về tham dự. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời như đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Sau đó, 2 thầy mo sẽ đọc bài cúng tế tỉnh cầu các cụ với nội dung là thông báo về ý nghĩa của lễ Tết Nhảy năm nay. Phần chính lễ sẽ có các điệu múa cầu an may mắn, múa rùa, múa mừng xuân, múa ra quân với nhịp điệu vui tươi, nhộn nhịp. Mỗi điệu múa sẽ được lặp đi, lặp lại 2 - 3 lần. Sau các nghi lễ trên, mọi người bắt đầu làm cỗ cúng tạ ơn các thần linh, thổ địa, mong các thần phù hộ cho gia đình, dòng họ thôn, bản sang năm mới được mạnh khỏe, bình an, mùa màng tốt tươi. Cuối cùng, các thầy mo làm điệu múa cờ tiễn đưa hương hồn tổ tiên về với quê cha đất tổ. Trong 3 ngày diễn ra nghi lễ, gia đình gia chủ luôn rộn rã tiếng nhạc cụ, tiếng hát của người thực hiện và tiếng nói của người tham dự; tiệc rượu được tổ chức đan xen.

 

Thầy mo Triệu Duyên Tiến cho biết thêm: Mỗi điệu nhảy đều tuân thủ chặt chẽ theo truyền thống, các động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo và tinh tế, được biểu diễn lặp đi, lặp lại nhiều lần cùng với diễn xướng hát những bài hát cổ xưa với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc Dao, quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ, gả chồng, sinh con trong từng gia đình. Tết Nhảy không chỉ thuần túy là một phong tục mà còn hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo. Từ trang phục nghi lễ, các điệu nhảy, lời ca truyền thống, các bài cúng chữ Dao... mỗi lần tổ chức là một lần người Dao trao truyền cho con cháu giữ gìn hồn thiêng của dân tộc mình.

 

 

 

 

                                                                      Hồng Nhung

 

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục