Bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) thu hút du khách bởi cảnh sắc tươi đẹp, lưu giữ nét văn hoá truyền thống

Bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) thu hút du khách bởi cảnh sắc tươi đẹp, lưu giữ nét văn hoá truyền thống

(HBĐT) - Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh ta. Du lịch cộng đồng phát triển dựa trên sự tò mò, mong muốn của khách du lịch để khám phá cảnh sắc thiên nhiên, tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau. Nhiều du khách nói, đến Hoà Bình nên đến vào mùa xuân khi dọc các sườn núi hoa mận, hoa đào khoe sắc thắm. Đến các bản làng để khám phá nền văn hoá độc đáo giàu bản sắc của các dân tộc nơi đây.

 

Dấu ấn văn hóa dân tộc Mường

 

Tỉnh Hoà Bình có trên 60% dân số là dân tộc Mường. Để tìm hiểu văn hoá truyền thống của người Mường, du khách có thể đến bất cứ vùng quê nào của tỉnh. Nhưng nói đến du lịch cộng đồng, nhiều du khách nghĩ ngay tới bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong). Bản nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12 km với trên 100 nóc nhà sàn của người Mường còn giữ nguyên bản từ hình dáng nhà cửa đến nếp sinh hoạt, ăn ở. Đón chúng tôi ngay từ đầu bản, Trưởng xóm Đinh Văn Dần niềm nở giới thiệu: Vào dịp cuối năm thường ít du khách, nhưng khoảng qua Tết Dương lịch thì lượng khách đến đây đông hơn, nhất là du khách nước ngoài. Du khách thường đến thăm bản theo tuor để thưởng ngoạn không khí trong lành, ngắm con suối  róc rách chảy qua, chim hót líu lo xua tan những mệt mỏi, bộn bề của cuộc sống đời thường. Đưa chúng tôi vào một ngôi nhà sàn trong xóm, ông Dần giới thiệu: Đây là ngôi nhà gần như còn giữ được nguyên bản với các vật dụng của người Mường như khung dệt, dụng cụ lao động sản xuất từ cổ xưa như cối giã gạo, cung, nỏ dùng để săn bắn, cuốc làm nương rẫy... Bà Nguyễn Thị My, chủ nhà chia sẻ: Đến bản, khách có thể ghé thăm bất cứ nhà sàn nào mà mình thích. Nếu có nhu cầu, du khách sẽ được đội văn nghệ của bản biểu diễn những điệu múa đặc sắc như: xéc bùa, múa quạt, hát mời trầu trong tiếng trống, chiêng, sáo ôi và thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc. Ngoài bản Mường Giang Mỗ, gần đây, du khách hay nhắc đến điểm du lịch cộng đồng xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Xóm Ải có diện tích gần 1, 5 km2 với trên 80 nóc nhà sàn nằm ven các sườn đồi nhỏ trong thung lũng Mường Bi rộng lớn. Là một làng Mường tiêu biểu đã được Bộ VH-TT&DL công nhận, xóm còn lưu giữ được di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của người Mường kết hợp với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, không khí trong lành. Xóm Ải đang là điểm du lịch mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với xóm Ải, du khách sẽ thực sự cảm thấy ấm áp như ở nhà khi được thăm quan và ở tại các nhà sàn cổ truyền thống trong bản, được đón tiếp bởi người dân địa phương chất phác, nhiệt tình, thân thiện, mến khách. Cùng với người dân, du khách sẽ được tham gia các công việc thường ngày như làm ruộng, trồng rau, trồng rừng, đánh bắt cá, chăn nuôi, học cách làm rượu cần và nấu các món ăn dân tộc đặc trưng: xôi ngũ sắc, cỗ lá, rau rừng đồ. Làm các sản phẩm hàng thủ công truyền thống, đồ lưu niệm từ các nguyên liệu sẵn có mây, tre, luồng, dệt thổ cẩm truyền thống...

 

Lên Mai Châu khám phá văn hoá Thái, Mông

 

Mặc dù bạn có thể đến Mai Châu vào bất kỳ thời điểm nào trong năm bởi mỗi mùa ở Mai Châu lại có một sắc thái riêng nhưng đẹp nhất là vào mùa xuân. Mùa này, du khách có thể ngắm thiên nhiên hùng vĩ, cảnh sắc kỳ thú, màu xanh mượt mà, màu mỡ, phì nhiêu với vẻ đẹp nên thơ miền sơn cước. Đứng ở điểm cao từ đỉnh Cột Cờ nhìn xuống, thung lũng Mai Châu như một bức tranh đa sắc với con đường trải dài uốn lượn, màu xanh của những cánh đồng, xa xa là dáng núi nhấp nhô. Đến Mai Châu, muốn khám phá bản sắc văn hoá dân tộc Thái, bạn có thể ghé thăm các bản: Lác, Văn, Poom Coọng... Hầu hết du khách đã từng đến Mai Châu đều khẳng định, nơi đây cho họ nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa dân tộc đặc sắc. Dọc còn đường thảm bê tông sạch sẽ, các ngôi nhà sàn rộng rãi được sắp xếp quy củ. Trang phục của người Thái đa dạng và độc đáo với khăn piêu, váy, áo được trang trí bằng các họa tiết chim muông, cây cỏ, mặt trời, đường may tôn được hình dáng, vẻ đẹp của người phụ nữ. Vào mùa xuân, người Thái cũng có các lễ hội đặc sắc như lễ hội Xên bản xên mường, lễ cơm mới, hội ném còn, múa quạt và đặc biệt là điệu xòe Thái. Buổi tối ở lại Mai Châu, du khách sẽ được gia chủ mời thưởng thức các đặc sản địa phương như cơm lam nếp cẩm, gà gói lá dong, cá suối hấp... và tham dự đêm văn nghệ tự biên, tự diễn của những chàng trai, cô gái nơi đây. Thưởng thức chum rượu cần với ánh lửa trại bập bùng, tay trong tay cùng chung điệu xoè níu chân du khách.

 

 

Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu thu hút khách du lịch với văn hóa Thái đặc sắc.

 

Đặc biệt, lên Mai Châu vào thời điểm hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, du khách có thể cùng người Mông đón Tết trong tiết trời giá rét nhưng ấm đượm tình người. Đến Hang Kia, Pà Cò vào dịp Tết cổ truyền, du khách có thể hoà mình vào không khí rộn ràng của người dân nơi đây. Người Mông đón Tết vào ngày 30/11 âm lịch (trước Tết cổ truyền của người Kinh 1 tháng). Công việc chuẩn bị đón Tết của người Mông cũng giống người Kinh, họ chuẩn bị cho Tết vào trước ngày 30/11 âm lịch, sửa sang, thay mới ban thờ và làm bánh dày. Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm đó họ gặp may mắn, nên đón tiếp rất chu đáo, mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi khách ra về người Mông còn mừng tuổi bằng những chiếc bánh dày tự tay họ làm ra. Tết của đồng bào Mông thường kéo dài trong nhiều ngày với những sinh hoạt cộng đồng rất đặc trưng như lễ hội Gầu Tào, lễ hội cơm mới với các trò chơi dân gian tù lu, đẩy gậy, bắn cung... Tham dự Tết Mông, du khách ấn tượng bởi những bộ trang phục của phụ nữ, trẻ em rực rỡ sắc màu, điểm tô thêm sắc thắm hoa đào, sương giăng trắng sườn đồi tạo nên nét xuân chỉ có ở nơi đây...

 

 

                                                                            Hương Lan

 

 

 

Các tin khác


Xã Quang Tiến sôi nổi xây dựng đời sống văn hóa

Cuối năm 2023, tuyến đường nối giữa 2 cụm dân cư thuộc xóm Đoàn Kết 1, xã Quang Tiến (TP Hoà Bình) được mở mới và cứng hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu, giao thương của nhân dân.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2024

Chiều 16/5, tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2024. Đây là chương trình nghệ thuật do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024).

Tuyên truyền, giới thiệu những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho học sinh

Ngày 15/5, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổ chức tuyên truyền, giới thiệu giá trị nội dung di tích lịch sử cách mạng Địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho 100 học sinh Trường TH&THCS Bãi Lạng (Lương Sơn).

Ra mắt sách “Từ Việt Bắc về Hà Nộii” trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”

Tiểu thuyết "Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập "Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Huyện Lạc Thủy quan tâm bảo vệ di sản văn hóa

Huyện Lạc Thuỷ có nhiều lợi thế xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch văn hoá, sinh thái, thắng cảnh, lễ hội… Văn hóa tâm linh là thế mạnh của du lịch huyện. Từ khi Luật Di sản văn hóa (DSVH) được ban hành, huyện luôn chấp hành tốt, nghiêm cấm các hành vi xâm hại tới DSVH, làm sai lệch DSVH; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại DSVH; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục