Tháng 4 về, từng đốm nắng len lỏi khắp vòm lá xanh, báo hiệu một mùa hè sắp đến. Vậy là 12 mùa thương nhớ đã qua, tạm biệt tuổi học trò, tôi đứng bên hiên phòng trọ ngẩn ngơ... Cầm cuốn lưu bút trên tay, nhìn những dòng chữ của lũ bạn, nước mắt hoen mi. Này là chữ tròn tròn của Mai “mít” giống thân hình của chủ nhân. Kia là kiểu chữ của Kiên ngố không lẫn vào đâu được. Chữ viết của Kiên nghiêng nghiêng, mặc dù giấy vở có dòng kẻ hẳn hoi nhưng Kiên cứ quen “lên dốc, xuống đèo”. Còn Minh, khi nhìn chữ viết, cô giáo phán ngay một câu rằng: “Mai này, em nhớ thi vào ngành bác sĩ” làm cả lớp cười vang.

Tôi nhớ ngày đầu vào lớp 1. Nhà tôi nghèo lắm, nghèo đến nỗi bố mẹ chỉ mua đúng cho tôi một bộ đồ quần áo dài mặc đi học, còn lại là mặc đồ thừa của anh chị để lại. Lúc đó , tôi vô tư, mè nheo đòi quần áo mới mà đâu biết được trong lòng bố mẹ đang xót thương, đau nhói. Mỗi năm 2 vụ lúa, thời tiết miền Trung chẳng thuận lợi, khi được, khi mất. Bữa ăn còn khi no, đói, huống hồ sắm sanh quần áo mới cho con cái.

Tôi rất ham học. Tôi thích được đến lớp nghe cô Chinh giảng bài. Cô hát rất hay và yêu thương học trò, chúng tôi gọi cô là mẹ và xưng con. Cô thường mặc quần âu đen, chiếc áo màu tím hoa cà. Mái tóc của cô dài chấm gót. Tôi “thần tượng” cô đến nỗi khi một ai đó hỏi về ước mơ, tôi chỉ muốn làm giáo viên giống như cô. Năm học lớp 2, cô Chinh chuyển trường, tôi không chịu đi học. Bố mẹ dỗ dành mãi tôi mới chịu đi. Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm này, tôi ngượng chín cả mặt, cứ đổ lỗi cho... tuổi thơ.

 

Tôi nhớ lần do chểnh mảng mà làm mất sổ ghi đầu bài. Tôi lo lắng đến mất ăn,  mất ngủ. Phần vì sợ cô mắng, điểm thi đua của cả cô lẫn trò bị sụt giảm. Trên đường đi học về, đứa bạn thân hỏi han, tôi gục mặt vào vai nó khóc ngon lành. Sáng hôm sau thấy cuốn sổ ghi đầu bài nằm ngay ngắn trên bàn giáo viên lại vui cười toe toét rồi những ngày đi làm đồng chung cho các bạn trong lớp. Lớp tôi khá đoàn kết, việc gì cũng san sẻ, giúp đỡ nhau. Cả lũ như bầy chim sẻ, cũng xắn cao quần lội ruộng giăng kín cả một thửa, cầm mạ và cấy. Chẳng biết chất lượng như thế nào nhưng chủ nhà rất vui vì đã hoàn thành vượt kế hoạch. Làm xong lại được chủ nhà đãi hoa quả, khoai, sắn. Niềm vui học trò cứ thế âm ỉ mãi trong ký ức...

 

Nhớ đến đội cỗ vũ đá bóng của lớp năm học cấp III. Lớp tôi là lớp chuyên văn. Con trai vừa đủ một đội bóng. Cả lũ con gái mang theo xoong, nồi, xô, chậu, chai levi làm rùm beng khắp sân bóng rồi chợt nghĩ giá như nhà trường  có giải dành cho đội bóng có đội cổ vũ hùng hậu nhất chắc lớp tôi đã về nhất.

 

Mùa hè năm lớp 12 cùng lũ bạn gồng mình chống chọi với những cơn mất ngủ để học bài. Nhìn ai cũng thấy thương. Đôi mắt thâm quầng, người gầy đi trông thấy. Vậy mà cánh cửa đại học đâu có mở hết cho các bạn. Có đứa ngậm ngùi ở nhà tính đến chuyện chồng, con, có đứa vào Nam làm công nhân, có đứa quyết tâm đăng ký học “lớp 13” chờ đợi thử sức năm sau...

 

Thời gian đưa tôi vào học đại học, cuộc sống sinh viên nơi phố thị ồn ào. Năm tháng cứ mải miết trôi đi nhưng những kỷ niệm về một thời mộng mơ, tinh khôi áo trắng còn hiện hữu mãi trong ký ức. Tôi nhìn ra phía khoảng không, từng đốm nắng  đang hong khô cho những ký ức ướt mềm của trái tim đang thổn thức.

 

 

 

 

                                               Tản văn của Cao Văn Quyền

                                               (Lớp 55 LT-KT, ĐH Thủy Lợi)

 

 

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục