Lăng Khải Định thoạt nhìn như một toà lâu đài.

Lăng Khải Định thoạt nhìn như một toà lâu đài.

(HBĐT) - Nhìn từ xa giống như một tòa lâu đài ở Châu Âu; một công trình kiến trúc bằng bê tông độc đáo; một nghệ thuật phù điêu bằng sành, sứ, thủy tinh hết sức tinh xảo, hấp dẫn... Đó chính là điểm nhấn của Lăng Khải Định mà sách vở vẫn nói đây là một tác phẩm mỹ thuật tổng hòa của nhiều dòng văn hóa, một điểm giao thoa giữa mỹ thuật cổ- kim, đông- tây.

 

Đến với xứ Huế mộng mơ, miền sông Hương, núi Ngự, có lẽ không ai có thể bỏ qua hành trình tới thăm quan, chiêm ngưỡng hệ thống lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn, trong đó Lăng Khải Định nằm trên núi Châu Chử, thuộc huyện Hương Thủy, cách kinh thành Huế 10 km là điểm đến hấp dẫn du khách. Lăng Khải Định còn gọi là ứng Lăng. So với 6 khu lăng khác của các vua triều Nguyễn, đây là lăng sau cùng, mặt bằng xây dựng nhỏ hẹp nhất nhưng lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, công sức và tiền của (lăng xây dựng kéo dài 11 năm từ 1920 - 1931).

 

Đưa khách bước trên 127 bậc dẫn lên lăng, bằng chất giọng ngọt ngào, mềm mại của con gái xứ Huế, hướng dẫn viên Đinh Thị Cẩm Vân đã giúp chúng tôi hiểu được cái lạ và độc ở đây. Theo đó, sự khác biệt lớn nhất của Lăng Khải Định với các lăng tẩm khác ở Huế chính là những công trình mang dấu ấn của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau, đặc biệt là kiến trúc phương Tây đã chen lấn vào dòng nghệ thuật kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Có lẽ chính vì vậy mà Lăng Khải Định có cái lạ, có phần ngông nghênh, phô trương và độc đáo so với các công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Trong lăng hiện có 2 pho tượng bằng đồng tạc hình nhà vua: một pho tượng ngồi trên ngai vàng và một pho tượng đứng. Sự có mặt của tượng vua trong lăng cũng là sự khác biệt so với các lăng khác.

 

Nhìn từ xa, Lăng Khải Định giống như một tòa lâu đài ở châu âu, có hình khối chữ nhật với 127 bậc tam cấp và Cung Thiên Định là trọng tâm. Các vật liệu truyền thống gỗ, đá, gạch, vôi chỉ chiếm một lượng nhỏ mà chủ yếu là những vật liệu phải nhập từ nước ngoài, như: sắt, thép, xi măng, ngói ác - đoa mua từ Pháp; sành, sứ, vỏ chai, thủy tinh phải mua từ Trung Quốc, Nhật Bản. Theo đánh giá của những nhà chuyên môn thì Lăng Khải Định thực sự là biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành, sứ và thủy tinh. Lăng được xem là một trong những công trình lăng tẩm tốn kém nhất thời đó. Tuy nhiên, sự tốn kém và công phu đã hình thành một công trình kiến trúc đặc sắc mà bất cứ ai đến thăm cũng phải trầm trồ thán phục. Dựa trên các yếu tố phong thủy như: tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ đã tạo cho Lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ. Song giá trị nghệ thuật cao nhất của lăng chính là phần trang trí nội thất cung Thiên Định - công trình kiến trúc chính của lăng.

 

Cuốn sách “Lăng tẩm Huế - một kỳ quan” có viết: Về mặt hội họa, ở các mặt tường và trần của tả, hữu trực phòng, các nghệ nhân xưa đã dùng màu xanh sẫm vẽ lên xi măng để giả cẩm thạch trông giống như thật. Những bức họa long vân trên trần 3 phòng giữa của cung được các họa sỹ Việt Nam hiện đại công nhận là những bức họa hoành tráng có giá trị mỹ thuật cao nhất của nền hội họa nước nhà.

 

Về nghệ thuật ghép mảnh lên tường, những bàn tay vàng của các nghệ nhân đã dùng hàng vạn mẩu sành, sứ, thủy tinh đủ màu để đắp nổi thành hàng nghìn hình ảnh cung đình và dân gian sinh động, như: các bộ tranh tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ khay trà, mâm ngũ quả, ngọn đèn dầu hỏa, những chiếc đồng hồ... Mọi hình ảnh tuy được kết cấu bằng vật liệu cứng nhưng nhờ sự tạo hình khéo léo nên trông rất thanh nhã, mềm mại, long lanh.

 

Theo lời thuyết minh của hướng dẫn viên Đinh Thị Cẩm Vân, bằng những đường cong uốn lượn của chiếc bưu tán che trên ngự tọa đã tạo cho người xem ảo giác nhẹ nhàng, có thể lay động trước một cơn gió thoảng. Trên các bức tường được trang trí chủ đạo hình cây cối, hoa lá, các thú vật như đang chạy nhảy trên sườn đồi, đồng cỏ, những đôi chim đang bay lượn... tạo cho du khách một không gian sống động, sắc màu chứ không có cảm giác lạnh lẽo, sợ hãi của khu lăng mộ.

 

Ngoài những chữ phúc, ở đây còn trang trí hàng trăm chữ thọ  và vạn thọ được cách điệu bằng các hình tròn, vuông, chữ nhật, hình cái lư, đèn lồng. Theo quan niệm của vua Nguyễn, lăng tẩm không chỉ là chỗ chôn cất người chết mà còn là nơi họ sống muôn thuở ở thế giới bên kia. Sau lưng ngai vàng vua Khải Định ngồi có mô hình mặt trời đang lặn, biểu thị nhà vua băng hà.

 

Với tượng đồng, bia đá, cung Thiên Định giống như một viện bảo tàng với ngoại cảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Lăng Khải Định là một tác phẩm mỹ thuật tinh xảo, đồ sộ. Nó phản ánh khá rõ nét phong cách sống thích chưng diện của vua Khải Định lúc sinh thời. Chính vì vẻ đẹp đó mà hệ thống lăng tẩm Huế nói chung và Lăng Khải Định nói riêng có sức hút mạnh mẽ với du khách. Theo các hướng dẫn viên du lịch, nơi đây ngày nào cũng có khách đến thăm, đặc biệt vào dịp lễ, tết lượng khách lên tới hàng nghìn người  mỗi ngày.

 

 

 

                                                                                     Bình Giang

 

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục