Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Thuộc địa bàn xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy nhưng những năm gần đây, Trường PTDTBT TH&THCS Lạc Sỹ được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, hiện đại. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường mới được đầu tư xây dựng 2 thư viện ngoài trời, 2 phòng tin học và trang bị máy chiếu cho các phòng học. Hệ thống sách, truyện đa dạng, máy tính có kết nối internet cho các phòng thư viện với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học của nhà trường, giúp học sinh vùng đồng bào DTTS được tiếp cận, mở rộng cánh cửa tri thức.
Được đầu tư, thụ hưởng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại là điều kiện "cần” quan trọng để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Từ những thuận lợi về cơ sở vật chất, các nhà trường thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp học THCS và THPT theo quy định đối với các trường PTDTNT, đảm bảo tuyển sinh đúng đối tượng, đúng quy mô đơn vị, công bằng, dân chủ, có chất lượng thông qua hình thức thi, xét tuyển (thi tuyển đối với lớp 10 THPT, xét tuyển đối với lớp 6 THCS) và xét duyệt học sinh bán trú đối với trường PTDTBT.
Các nhà trường thực hiện khảo sát chất lượng đầu năm để phân loại học sinh, xây dựng kế hoạch phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, khá, học sinh có năng khiếu, phụ đạo học sinh học lực yếu. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh về chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, về bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh.
Chú trọng dạy kỹ năng sống và phương pháp học cho học sinh. Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh với nội dung thiết thực, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh DTTS...
Ngoài ra, theo kế hoạch năm học của ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động chung cho nhiều đối tượng học sinh tham gia, góp phần rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí gắn với giáo dục đạo đức, nền nếp, ý thức cho các em. Nổi bật như: Giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng, Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT; giải cầu lông, bóng bàn; hội thi Giai điệu tuổi hồng; lễ tri ân và trưởng thành, lễ ra trường cho học sinh cuối cấp... Các trường PTDTNT, PTDTBT đảm bảo quy định công tác học sinh nội trú, bán trú, như xây dựng nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của học sinh dân tộc nội trú, bán trú; tổ chức, hướng dẫn, tạo cho học sinh nền nếp, ý thức, phương pháp tự học.
Nhờ vậy, kết quả đánh giá, xếp loại về học lực, hạnh kiểm, năng lực phẩm chất đối với học sinh các trường vùng DTTS ngày một nâng cao. Tỷ lệ học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96% (học sinh người DTTS đạt 94%); thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 97% (thanh thiếu niên người DTTS đạt 95%).
Dương Liễu