Truyện ngắn của Hoàng Bình Trọng

(HBĐT)-- Ba lại định múc canh mang sang cho bà Mừng à? Con không cho đâu! Không cho!

Thằng cu Cam nhoài người giành lại bát canh cua nổi gạch vàng ươm trên tay anh Nhã. Sợ đổ, anh phải đặt xuống bàn.

- Con sao thế? – Anh Nhã kinh ngạc hỏi - Canh còn nhiều. Ba giã cả một giỏ bự, ăn sao hết?

- Không hết cũng ứ cho. Ai bảo bà ấy mắng con là "đồ chuột nhắt”. Mà con chui qua vườn bà để bắt... chứ có...

- Ờ, thế cũng tại con một phần. Lẽ ra con phải theo lối cổng chính đi vào đàng hoàng, chứ a lại chui như chuột nhắt vậy – anh Nhã cười hề hề, đặt một bàn tay lên mái tóc vàng như râu ngô của cậu con trai. Tuy vậy, ba cũng phải thưa lại với bà Mừng để từ rày bà không gọi con như thế nữa. Còn bây giờ, chúng tay phải bưng canh sang biếu bà. Bà đang ốm, ăn cơm với rau luộc nuốt làm sao nổi.


Anh Nhã chưa kịp đụng tay vào bát canh, thằng cu Cam đã vồ ngay lấy đổ vào nồi, rồi nhìn ba bằng ánh mắt vừa van xin, vừa thách thức.

"Thằng bé trước đây ngoan ngoãn thế, mà mới qua một trận ốm được ba mẹ quá nuông chiều, đâm ra hư thân mất nết”. Anh Nhã tự nhủ, rồi xới cơm để Cam ăn trước. Trong lúc nó ăn, anh lẻn qua quán mua một gói mì tôm mang biếu bà Mừng.

Ăn cơm chiều xong, như thường lệ, anh Nhã cùng cu Cam đi dạo chơi. Hôm đó, sau một hồi đuổi bắt lũ chuồn bầu, chuồn ớt thoắt đậu, thoắt bay trên ngọn các cây điền thanh ven đê, hai cha con kéo nhau xuống sông chơi trò ném lia thia. Chơi chán, họ tìm đến cây bàng ba tán ven bờ ngồi nghỉ.

- Con có nhận ra ai đây không? Anh Nhã lấy một tấm ảnh đã bạc màu có hình hai chú bộ đội bá vai nhau, trỏ vào người bên phải – sao, con không nhận ra ba à?

- Ba đó ư? Thằng cu Cam liếc ngang, liếc dọc – sao khác bây giờ thế nhỉ?

- Chuyện! Đã hăm lăm năm rồi còn gì? Hồi đó, ba mới 18 tuổi.

- Thế người đứng bên trái là ai?

- Bác Toản, Nguyễn Quốc Toản cùng nhập ngũ một đợt với ba hồi năm 1967. Và từ đấy cho đến năm 1972, hai người cùng luôn ở một trung đội.

- Chắc bác với ba quý nhau lắm nhỉ?

- Tất nhiên – anh Nhã lại xoa đầu con. Ba với bác Toản quý nhau vì nhiều lẽ. Thứ nhất là cùng làng. Ở ngoài mặt trận mà có bạn đồng hương cùng làng hiếm lắm nhé. Thứ hai, bác với ba có cảnh ngộ giống nhau. Cả hai đề là con một, đều mồ côi cha từ bé và đều có mẹ tần tảo ở vậy nuôi con cho đến ngày khôn lớn. Thứ ba, ba với bác ấy rất hợp tính nhau. Suốt ngần ấy năm trời chẳng hề to tiếng với nhau lần nào.

- Ờ, vậy mà giữa con với thằng Thọ, thằng Cường thì cách vài ba hôm lại đấm nhau một trận.

- Chúng mày thì nói làm gì! Anh Nhã trề môi. Đã là bạn bè thì phải như ba với bác ấy, một ngày mà không nhìn thấy nhau thì không yên... Chao ôi. Những ngày ấy mà không được bác Toản chăm sóc thì bệnh kiết lỵ với sốt rét ác tính đã giết chết ba từ đời tám hoánh nào rồi. Đó là chưa kể đến đận ba bị thương hồi tháng 2/1968.

- Cái đận ấy thế nào ba? Cu Cam bất chợt ôm ngang lưng anh Nhã.

- Cứ bình tĩnh để ba kể cho mà nghe. Đận ấy, ba với bác Toản nhận nhiệm vụ đi trinh sát một đồn giặc ở miền tây Quảng Trị, không may ba vấp phải mìn định hướng.

- Rồi ba bị thương nặng?

- Đúng thế! Như vậy là còn may, lẽ ra bỏ mạng nữa ấy chứ. Con có biết sau tiếng nổ là chuyện gì xảy ra không? Xì... Mày thì biết cái quái gì... Thì các cỡ súng nhỏ, súng to của tụi lính trong đồn cứ nhằm vào chỗ đó mà vãi đạn. Tình hình nguy nan, bác ấy bò đến chỗ ba nằm chết ngất, đem ba ra khỏi "túi đạn”, rồi cõng ba lên lưng rẽ lối, vạch đường đi suốt đêm mới về đến đơn vị.

Anh Nhã dừng lại, bật lửa châm thuốc lá. Với ánh mắt của một người đang ru lòng trong ký ức xa xăm, anh lại kết tiếp cho con nghe nhiều kỷ niệm êm đềm giữa mình với bác Toản thời ở chiến trường.

- Có một đận, con ạ. Châm điếu thuốc thứ hai và sau khi rít một hơi thật sâu, nhả khói lên trời thành những vòng xoắn ốc, anh tiếp: Ba nhớ rất rõ là hôm đó hai người ngồi dựa lưng vào một gốc sung bên bờ sông Ta-lê, chẳng hiểu do gì xui khiến mà bác Toản với ba đã thề với nhau đến ngày hòa bình, nếu hai đứa cùng sống hoặc cùng chết thì chẳng nói làm gì, nhược bằng một mất một còn thì đứa trở về phải đối xử với mẹ đứa kia như chính mẹ đẻ của mình.

- Bây giờ, bác Toản ở đâu, ba?

- Hy sinh rồi – anh Nhã nuốt khan và cảm nhận hết mấy chữ "hy sinh rồi” ấy đè nặng lên lồng ngực của thằng cu Cam - Ờ, sao mắt con đỏ hoe thế kia?

- Không sao đâu ba ạ - cu Cam xỉ mũi liên tục, hỏi: Bác ấy hy sinh lâu chưa?

- Trên 20 năm rồi. Bác ấy hy sinh trong đợt mở đột phá khẩu cho bộ đội ào vào đồn giặc. Cố lấy giọng tự nhiên, anh Nhã tiếp – tiếc rằng, quả bộc phá ấy đã không bạt tung toàn bộ cái hàng rào phía trong cùng. Bác Toản đành nằm lên đống dây thép gai bùng nhùng kia để làm cầu cho bộ đội xông lên. Và... bác ấy đã... hy sinh...

Giọng anh Nhã tắc nghẹn lại. Anh bật dậy như có lò xo, chạy như ma đuổi ra bờ sông. Thằng cu Cam cũng lon ton chạy theo. Linh tính báo cho nó biết, trong câu chuyện vừa kể của ba, còn ẩn giấu một điều rất hệ trọng, khiến nó thấy nhẹ bẫng cả người.

- Ba ơi, ba!

- À, con – nghe gọi, anh Nhã ngoái lại và giang rộng hai tay ôm cu Cam vào lòng - Ờ, sao con có vẻ xúc động thế?

- Không sao đâu, ba ạ. Thế mẹ bác Toản ở đâu, ba?

Anh Nhã nhìn con đăm đăm:

- Mẹ bác ấy ở gần nhà ta đó thôi.

- Ở gần nhà ta? Ai vậy? Hay là... là... là?

- Hay là cái gì? Trời! Sao con tôi lại run thế này?

- Hay mẹ bác Toản là bà Mừng, đúng không?

- Đúng đó!

Bất thình lình, thằng cu Cam quẫy ra khỏi vòng tay của ba và nhìn ba như nhìn một người xa lạ:

- Vậy sao lâu nay ba không nói cho con biết?

- Tại vì... vì cu Cam còn bé quá đó thôi. À này, thế cu Cam cần biết chuyện đó để làm gì?

- Sao kia?

- Nếu biết vậy thì bữa ăn nào con cũng múc canh sang biếu bà, chứ sao nữa?

Và cu Cam òa lên khóc.

Anh Nhã rút khăn mùi xoa lau mặt cho con và thấy con mình chợt lớn khôn lên rất nhiều qua những giọt nước mắt đang lăn trên cặp má phúng phính của nó.


H.B.T


Các tin khác


Hạnh phúc ngọt ngào

Hải béo đứng sừng sững trước cửa nhà khiến Hội bất ngờ. Hội ú ớ như chỉ muốn kêu lên: "Tôi còn 2 cái báo cáo nữa và lát còn đi đón con…”. Thế nhưng trước nụ cười đầy ắp như phù sa của Hải, Hội không thể thốt ra được như thế.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục