(HBĐT) - Mẹ trở thành người thiên cổ đã 45 năm rồi. Mẹ không biết chữ dù mẹ là con ông đồ. Không biết chữ nhưng mẹ biết đường ăn, lối ở. Suốt những năm các con đi học ở trọ trên huyện, trên tỉnh, mẹ vẫn chăm lo cho các con chu đáo. Thứ bảy, chủ nhật các con về rồi lên trường mẹ gói đùm cho bát gạo, gói cá nướng, chai tương. Mẹ cởi bao thắt lưng đưa cho con mấy đồng bạc lẻ không quên dặn dò:


- Học hành chỉn chu con nhé.

Thấy các anh trong làng, trong xóm học lớp trên, vào cuối năm mẹ dạm trước "Anh học xong cho em nó mượn lại sách nhé”.

Thế là các con của mẹ có những cuốn sách giáo khoa, có cuốn mất bìa nhưng các trang, các bài trong sách còn đủ cả. Mẹ thủ thỉ: "Có chí thì nên”.

Me đi xa đã 45 năm, con mẹ bây giờ đã trưởng thành. Có anh là cán bộ, công chức Nhà nước, có anh là bộ đội, thương binh, con gái mẹ là cô giáo trường làng. Nhớ mẹ, tuổi đã già nhưng mẹ quen ăn trầu. Đi đâu về biếu mẹ mấy quả cau, mấy lá trầu, mẹ mừng và quý hơn các con cho quà, cho bánh. Con mẹ, anh cả đi làm, anh hai đang học năm thứ ba đại học xây dựng. Chiến tranh, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh hai xếp bút nghiên lên đường. Ngày nhập ngũ, sân nhà mẹ đông bà con đến nắm tay chúc mừng. Trong lòng mẹ xao động nhưng nét mặt mẹ vẫn bình tĩnh, mẹ cầm vai con lắc lắc: "Cố gắng cho bằng anh, bằng em con nhé”.

Nhìn nét mặt mẹ mà nhớ câu nói của nhà văn quân đội "Muốn biết cuộc chiến thành hay bại hãy nhìn nét mặt mẹ lúc tiễn con lên đường”. Sự lên đường của các con, các anh biết là gian nan nhưng trong lòng mẹ, nét mặt mẹ vẫn ánh lên niềm tin và rạng ngời ngày thắng lợi. Các con lớn lên có lúc hỏi mẹ, trong khó khăn sao mẹ nuôi được bầy con ăn học lớn khôn. Mẹ cười, lời mẹ ôn tồn: "Phải đồng lội đồng, phải ao lội ao, phải sao lội vậy”. Lời mẹ nói như là một thứ cam chịu nhưng kỳ thực là một nghị lực lớn lao. Hồi chiến tranh, bao cấp khó khăn, mọi người như mẹ còn có lựa chọn nào khác.

Tuổi già có lúc mẹ đến chơi với con cháu. Cháu thương và quý bà, bữa ăn cứ gắp thức ăn vào bát cho bà nài ép bà ăn. Nhưng bà nhỏ nhẹ "để vậy bà còn ăn cơm”. Mẹ nói khẽ nhưng rành rọt "cơm tẻ mẹ ruột”, nghe mẹ nói các cháu mẹ thì cười nhưng con của mẹ thì thấm thía đến nao lòng.

Mẹ thường nhắc các con từ lời nói đến cử chỉ "giấy rách phải giữ lấy lề hay tốt danh hơn lành áo”, chớ có tham lam, kèn cựa, vun vén, ích kỷ "đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Nhớ một hôm có một người đến ngoài cổng chìa cái nón mê xin tiền, xin gạo. Con dâu mẹ đi quay vào, mẹ phật ý nhắc khéo cũng rất nhẹ nhàng - "chớ nên thị phú khinh bần, cơ trời ắt hẳn nợ nần chi đây”.

Con dâu mẹ quay ra đưa tiền cho ăn xin rồi thưa lại với mẹ.

- Con quay vào lấy tiền chứ phải con không cho đâu ạ!

- Thế à, thế thì mẹ ngẫm thế nào thì mẹ nói thế.

Gương mặt mẹ ánh lên một nụ cười. Đúng là nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Tản văn của Văn Song

Các tin khác


Hạnh phúc ngọt ngào

Hải béo đứng sừng sững trước cửa nhà khiến Hội bất ngờ. Hội ú ớ như chỉ muốn kêu lên: "Tôi còn 2 cái báo cáo nữa và lát còn đi đón con…”. Thế nhưng trước nụ cười đầy ắp như phù sa của Hải, Hội không thể thốt ra được như thế.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục