"Cả bốn biển hoan hô Hà Nội/ Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”… Những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu vang lên trong tháng 12 này, gợi đến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Bao điều chợt ùa về như mới ngày hôm qua…

Tháng 12/1972… những người thuộc thế hệ 5X, 6X của thế kỷ XX chắc không thể quên. Mùa đông năm đó lạnh giá, sương muối, rét mướt. Thời quần áo mùa đông không đủ ấm, thế mà nửa đêm, trong tiếng kẻng báo động, tiếng máy bay rú gào, tiếng cao xạ nổ đỏ trời, những đứa trẻ tầm 7-10 tuổi thời đó vẫn phải tung chăn, bật dậy khoác vội áo bông để lao ra hầm tăng-xê ngoài vườn. Hồi đó, đám trẻ đâu biết câu chuyện mà bây giờ lịch sử gọi tên "trận Điện Biên Phủ trên không”, mà chỉ biết rằng, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, là bom nổ, là đạn phòng không giăng những vệt đỏ ngang dọc bầu trời.

Sáng hôm sau, trước 6 giờ, (vì máy bay Mỹ đi ném bom thường xuất hiện tầm ban trưa), những đứa trẻ được giao nhiệm vụ đứa ôm chiếu, đứa mang bình nước vối và địu thêm gùi cơm nắm, muối vừng để theo ông bà lũ lượt vào trong núi tránh bom. Đứa lớn cõng, dắt đứa bé. Hang núi tránh bom, đã được cha mẹ chuẩn bị sẵn những chiếc giường tre dã chiến. Người già, trẻ nhỏ vào hang tránh máy bay trong sáng sớm, để trở về nhà vào tầm 18 giờ. Những anh chị lớp 7, lớp 8 thạo hơn với việc bện mũ rơm, quen với cụm từ "túi cứu thương: bông băng, thuốc đỏ”, biết tham gia đào hào giao thông hình chữ chi. Những đứa con gái được bố mẹ dặn quấn chỉ màu che kín những chiếc cặp tóc kim loại màu trắng (tránh phản quang, đề phòng máy bay phát hiện). Nón trắng của các bà, các mẹ cũng được bọc thêm những tấm vải màu. Ngày đầu tiên Hà Nội bị đánh bom, nhiều bạn gái khóc lên khóc xuống vì cha mẹ sáng đi chợ xa ở phía đồng bằng mà chưa kịp về…

Vẫn nhớ một đêm, cả xóm làng chợt tỉnh vì tiếng bom rơi, đạn phòng không nổ không dứt, nhìn về Hà Nội đỏ rực, "rồng lửa” bay sáng trời mà ai cũng thấy nóng ruột. Đám trẻ được bà dắt chạy máy bay đêm, thương bà vì bị sa hố nước dưới chân núi mấy lần và thấy đã tai vì tiếng chửi đổng máy bay Mỹ từ giọng nói chát chúa của bà. Tuổi thơ gắn với bom đạn, chạy máy bay, sơ tán và cả những người bạn mới lên núi sơ tán tránh đạn bom. Đi sơ tán mà vẫn mang theo sách vở, vẫn nghĩ tới ngày được trở lại trường. Đêm về, cả nhà ngồi bên chiếc ra-đi-ô rọt rẹt, nghe báo tin chiến thắng B52; tỉnh nào bắn rơi máy bay… Hải Phòng, Thái Nguyên cùng Hà Nội bắn máy bay như thế nào.

Rồi có ngày, tất cả những ai có mặt ở hang tránh bom đều lao ra cửa hang để nhìn lên trời: hàng trăm, hàng nghìn những sợi dây bạc giăng trắng trời (sau này được biết là các dải nhiễu nhằm gây nhiễu đối với ra-đa bắt mục tiêu B52). Về sau, khi hết bom rơi, đạn nổ, đám trẻ ngày đó, đi chăn trâu, chăn bò trên đồi vẫn bắt gặp những túm dài nhiễu giăng, vương trên ngọn cây, bụi cỏ…

Tuổi thơ với Hà Nội 12 ngày đêm không dừng lại 12 ngày đêm bom rơi, đạn nổ đó. Suốt sau này, mỗi khi nhắc đến những ký ức hào hùng đó, còn luôn song hành là những câu chuyện, là bộ phim, cuốn sách được cùng xem, cùng đọc với bạn bè cùng trang lứa. Bao lần nhắc đến Khâm Thiên, Bạch Mai, ngõ chợ An Dương… đọc đi đọc lại cuốn sách "Cô gái Hà Nội” nói về nghị lực của bao con người vượt lên đau thương, mất mát do bom đạn, xây dựng cuộc sống mới. Cảm thương, cảm phục cô bé Ngọc Hà trong bộ phim nổi tiếng "Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh, để rồi mỗi lần nghe câu hát "Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” (lời thơ Phan Vũ - nhạc Phú Quang” để thấy cái thần thái, dung dung tự tại của người Hà Nội trong chiến tranh. Rồi tinh thần quyết thắng và chiến công của các anh hùng phi công Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều bắn rơi B52… thúc giục bao người lên đường chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm rồi… Ký ức về 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không” vẫn sáng lên trong lòng mỗi người. Để sáng nay, đi trên đường Hà Nội nghe câu hát "Bài ca Hà Nội”, "Hà Nội niềm tin và hy vọng”… vẫn thấy xốn xang, tự hào. Những ngày bầu trời miền Bắc, bầu trời Hà Nội rực lửa đó chính là lúc tinh thần quyết chiến, quyết thắng lại chạy dạt dào trong tim mỗi người.


Bùi Huy


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục