(HBĐT) - Đầu năm nay, cùng với việc lên lịch vãn cảnh, thăm quan mấy ngôi chùa cổ có tiếng trong vùng, vợ chồng chị N.M còn tính việc mừng thượng thọ cho mẹ. Chị vốn nhanh nhảu nên đã nhắn một loạt tin trong nhóm zalo gia đình để xin ý kiến các cô chú, các thím về quy mô, tính chất của lễ mừng thọ. Đưa ý kiến ra như thế thôi nhưng chị lại quyết sớm, chốt nhanh như điện trước khi mọi người có ý kiến. Đại để chị cho rằng: Năm nay dịch Covid-19 tạm lắng, nên việc mừng thọ cho bà tuổi 80 có điều kiện để nâng cấp về lễ. Số người được mời có thể mở rộng hơn. Ngoài con, cháu, chắt của bà còn bạn bè thân thiết của chồng, của vợ cùng bạn của các cô, các chú, bạn cùng đơn vị, công ty. Rồi các bác bên nội, bên ngoại của mẹ. Chưa kể các đối tác làm ăn, hàng xóm lân bang…

Chị sang sảng với mọi người: Sơ sơ cũng phải mấy chục mâm, mà thực đơn em phải tiếp tục bổ sung, cân đối cho đầy đặn, phong phú. Có phải năm nào cũng mừng thọ đâu, 5 năm mới có 1 lần. Anh đã định đặt ở nhà hàng, khách sạn nào chưa vậy? Làm gì thì làm đừng búi xùi quá, thiên hạ họ coi thường cho. Hôm tổ chức em phải "truyền hình trực tiếp” cho bạn "phây” của em lác mắt. Anh chồng vốn là người trầm tính, chỉ bâng quơ: "Làm gì cũng phải hỏi ý kiến mẹ đã chứ, sao em vội vàng thế. Mẹ không đồng ý thì sao?”. Chị lườm chồng một cái rõ dài rồi vung vẩy ra khỏi phòng…

Đúng như dự đoán của anh, khi nghe chị trình bày "kịch bản” lễ mừng thọ, cùng một danh sách khách mời đến mấy trang giấy, kèm thực đơn với các món của miền rừng, miền biển, bà cười cười rồi nhẹ nhàng: Các con, nhất là mẹ thằng cò lo cho lễ 80 tuổi của mẹ như thế là quý rồi. Mẹ cám ơn nhiều lắm… Không cần quá câu nệ việc tổ chức to hay nhỏ, miễn là các con biết nghĩ, biết lo cho mẹ là mừng lắm rồi. Mẹ vui nhất là thấy các con cháu sống vui khỏe, bình an và học hành tấn tới. Mọi người luôn quan tâm và yêu thương nhau. Chứ mấy chục mâm tú ụ mà lòng buồn tủi thì để làm gì các con nhỉ…

Sau này, nghe mẹ và các bạn của mẹ trò chuyện với nhau, vợ chồng anh càng hiểu hơn rằng: cần phải biết lắng nghe những tâm tình của cha mẹ, nhất là khi họ đã cao tuổi. Đấy, như chuyện nhà này, nhà nọ tổ chức linh đình, ồn ào mà sau đó vợ chồng con cái "tiếng bấc, tiếng chì” câu chuyện đóng góp, câu chuyện tiền mừng. Rõ rầu ruột. Rồi chuyện gia đình nọ ở xã kia có đến mấy đứa con, hôm xã tổ chức mừng thọ chung, vì bận công việc gì đó lại để con trai đang học lớp 6 đi cùng ông. Ông cháu đèo nhau thế nào mà loạng quạng ngã, xước cả chân tay. Đến lúc đó các con mới hối hận nhìn lại chính mình, may không thành chuyện to hơn… Qua câu chuyện đó, chốt lại vẫn là tình cảm mới là quan trọng, chứ bày biện rình rang mà thiếu sự chu toàn, tình cảm với cha mẹ là điều không nên…

Ngày diễn ra lễ mừng thọ cho mẹ của gia đình chị N.M dù không tấp nập khách vào ra nhưng vui vẻ, ấm cúng. Mẹ con, bà cháu rạng ngời chụp những bộ ảnh đẹp, xuân sắc bên những cành đào, nhành mai. Tiếng hát chúc mừng của nhóm các cháu trai, cháu gái học mẫu giáo, tiểu học bỗng nhiên trở thành "tiết mục đinh” của lễ mừng thọ gia đình. Hôm đấy, ai cũng thấy ánh mắt của bà mẹ là rạng ngời nhất. Niềm vui tuổi già…


Bùi Huy


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục