Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN – Bộ GTVT) vừa kiến nghị tăng một số tần suất đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, đường bay đi/đến Phú Quốc, Cam Ranh từ 29/12/2021 - 18/1/2022 để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Dương lịch 2022. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân dịp tết Nguyên đán sẽ không tăng đột biến như hàng năm.


Hạn chế thừa tải

Theo dự báo của CHKVN, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa có dấu hiệu giảm, nên vận chuyển hàng không trong giai đoạn đầu tháng 1/2022 thấp, chỉ duy trì ở mức như giai đoạn 3 tuần đầu tháng 12/2021.

Các đường bay khác khai thác với tần suất như giai đoạn từ 29/12/2021 - 18/1/2022 (tần suất 9 chuyến/ngày). Tổng cung ứng dự kiến cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán là 14.000 chuyến bay với khoảng 2,7 triệu ghế cung ứng.

Trước đó, các hãng hàng không đã xây dựng phương án vận chuyển giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với mức độ tương đương với dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (khoảng 20.000 chuyến bay, với hơn 3,6 triệu ghế cung ứng. Song, để tránh việc thừa tải cung ứng, cũng như lãng phí nguồn lực của các hãng hàng không, CHKVN yêu cầu các hãng hàng không cung ứng trong giai đoạn này ở mức 70 - 75% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trên cơ sở số liệu bán và đặt chỗ thực tế của từng đường bay, CHKVN sẽ phối hợp với các hãng hàng không rà soát nhu cầu tăng tải báo cáo Bộ GTVT trước ngày 10/1/2022 theo nguyên tắc là đường bay nào có hệ số sử dụng ghế (HSSDG) trên 70% hoặc có lượng đặt chỗ cao (trên 50%) sẽ tăng thêm tải cung ứng.


Nhu cầu bay dịp Tết Nguyên đán ‘nghe ngóng’ diễn biến dịch.

Qua tìm hiểu thực tế, nhu cầu đi lại hàng không trong bối cảnh dịch hiện nay chỉ với những người thực sự có nhu cầu về công việc, các nhu cầu không cấp thiết khác như du lịch, thăm thân được người dân hạn chế tối đa do e ngại dịch bệnh. Bên cạnh đó, tại khu vực phía Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 7 – 9/2021 khi dịch bùng phát khiến số lượng lớn người lao động trở về các địa phương và chưa quay trở lại.

Dịp Tết Dương lịch người dân được nghỉ 3 ngày (1-3/1/2022), Tết Nguyên đán 2022 nghỉ 9 ngày, dự kiến nhu cầu du lịch ngắn ngày đến Đà Nẵng, Nha Trang, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Quốc (các địa phương có hệ số an toàn cao) sẽ tăng so với hiện nay, nên việc tăng tần suất khai thác các đường bay đi/đến các điểm du lịch này để đón đầu nhu cầu đi lại là cần thiết.

Vé máy bay Tết còn nhiều

Theo đại diện các hãng hàng không nội địa, giá vé máy bay dịp Tết năm nay không cao như mọi năm. Nếu đặt vé Vietnam Airlines bay ra Hà Nội vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Âm lịch (ngày 29/1, tức 27 tháng Chạp) và bay vào TP Hồ Chí Minh vào ngày cuối cùng (ngày 6/2, tức ngày mùng 6 Tết), giá vé khứ hồi của Vietnam Airlines ở mức xấp xỉ 7,2 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí).

Nếu chọn bay Vietjet hạng economy (không được đổi tên hành khách, chỉ có 7 kg hành lý xách tay, hành lý ký gửi khách phải mua thêm, nếu thay đổi chuyến bay, ngày bay, hành trình bay khách phải trả tiền phí thay đổi cũng như chênh lệch tiền vé nếu có), khách hàng sẽ chỉ phải trả khoảng 4,4 triệu đồng/vé khứ hồi. Còn bay Bamboo Airways, hành khách sẽ phải trả khoảng 5,4 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi hạng economy.

Dù đã cận Tết Nguyên đán, nhưng người dân vẫn có thể đặt vé máy bay đến các điểm nóng du lịch với mức giá rẻ bất ngờ. Cụ thể, nếu đặt vé máy bay từ Hà Nội đi Đà Nẵng, hành khách chỉ phải trả trên dưới 2 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines và khoảng trên dưới 1,2 triệu đồng nếu bay Vietjet (hạng economy). Giá vé máy bay đi Phú Quốc có đắt hơn khi dao động ở mức trên dưới 4,4 triệu đồng nếu bay Vietjet và khoảng 5 - 6 triệu đồng nếu chọn bay Vietnam Airlines.

Ngoài ra, các hãng hàng không nội địa đã xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm và bố trí các chuyến bay khai thác đêm, sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

CHKVN cũng vừa ban hành Chỉ thị triển khai Kế hoạch công tác phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.

Theo Chỉ thị này, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) công bố số điện thoại đường dây nóng và thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan; xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo phục vụ an toàn các chuyến bay; phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT các địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền để phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc tại các cảng hàng không trọng điểm.

Đối với các hãng hãng không nội địa, CHKVN yêu cầu xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm và bố trí các chuyến bay khai thác đêm, nhằm giảm đến mức thấp nhất việc chậm chuyến, hủy chuyến bay.


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Hình thành sản phẩm du lịch nội đô Hà Nội trong tình hình mới

Dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp song với việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần của UBND thành phố Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô đang từng bước khởi động trở lại.

Đón khách quốc tế: Tín hiệu phục hồi đáng khích lệ

Đánh giá về việc thí điểm đón khách quốc tế trong hơn nửa tháng qua, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Ba địa phương lựa chọn thí điểm đón khách quốc tế trong 2 tuần qua đã đón gần 1.000 lượt khách, bước đầu khẳng định những tín hiệu đáng khích lệ.

Thực hiện chính sách đồng bộ phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch tổ chức Diễn đàn du lịch toàn quốc "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” theo hình thức trực tuyến tại 26 điểm cầu trên toàn quốc. Diễn đàn nhằm để doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đưa ra những giải pháp để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch bền vững trong điều kiện "bình thường mới”.

Xã Bao La - điểm dừng chân lý tưởng của du khách

(HBĐT) - Với trên 80% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, xã Bao La (Mai Châu) có khí hậu mát mẻ, địa hình bao quanh bởi núi đồi, ruộng bậc thang, thác nước và những dòng suối uốn lượn chảy quanh năm… Đó là những tiềm năng, lợi thế sẵn có để địa phương khai thác phát triển du lịch, trong đó, điểm nhấn là xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Ðẩy mạnh quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế

Những ngày qua, hàng loạt chuyến bay chở khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo chương trình đón khách thí điểm đã làm ấm lại thị trường du lịch quốc tế sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh. Cùng với sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện bảo đảm đón khách an toàn, việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch, nhất là ở những thị trường trọng điểm được xác định là nhiệm vụ then chốt để thu hút du khách, tạo đà phát triển du lịch quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục