Du lịch cộng đồng đã không còn là điều xa lạ đối với bà con vùng cao xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc. Du lịch không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có, mà còn giúp người dân phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.


Từ khi xóm có các hộ làm du lịch, vườn quýt của ông Bùi Văn Thách, xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) tiêu thụ thuận lợi hơn.

Người đầu tiên làm homestay ở xóm Chiến là gia đình chị Hà Thị Thậm với tên gọi Homestay Hải Thạn. Nhà chị ở đầu xóm, trên sườn đồi nhìn xuống cánh đồng và những khu rừng. Căn nhà sàn nằm ngay cạnh cây vải cổ. Theo nhiều người già trong xóm kể lại, cây vải đã có vài trăm năm, với lợi thế đó nên khi khách đến thường chọn nhà chị làm điểm lưu trú và đi tham quan xóm.

Chị Thậm cho biết: Năm 2019, được tổ chức AOP (tổ chức phi chính phủ của Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương) hỗ trợ kinh phí triển khai dự án "Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng”, gia đình tôi đăng ký làm. Nguồn quỹ hỗ trợ mỗi gia đình 50 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng cho vay để đầu tư cơ sở vật chất, 20 triệu đồng là công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, khai thác… Sau 2 năm, khi mô hình đi vào hoạt động và có nguồn thu thì hoàn lại 30 triệu đồng để quỹ hỗ trợ cho gia đình khác. Nguồn vốn ban đầu đã hỗ trợ 3 hộ dân triển khai mô hình lưu trú cho khách du lịch.

Với lợi thế không khí trong lành, gần thác Thung, động Nam Sơn, còn giữ được nhiều bản sắc dân tộc Mường nên xóm Chiến đã thu hút được nhiều du khách. Chị Thậm cho biết thêm: Những ngày đầu mới làm nhiều người không biết nên ít khách. Giờ khách đều hơn, nhất là dịp cuối tuần hoặc ngày lễ đều kín phòng. Ngoài trồng ngô và 1.000m2 ruộng thì nguồn thu nhập từ du lịch đã góp phần cải thiện đời sống gia đình với doanh thu hơn 4 triệu đồng/tháng. 

Cùng làm homestay những ngày đầu ở xóm Chiến còn có gia đình anh Hà Văn Bi. Anh dùng toàn bộ số tiền tích cóp, vay thêm 150 triệu đồng để cải tạo ngôi nhà sàn đang ở làm nơi đủ điều kiện đón khách. Anh Bi cho hay: Nhà sàn của chúng tôi đã cũ, nhiều chỗ bị dột. Tôi gia cố lại ngôi nhà, xây thêm khu vệ sinh, sơn lại cửa. Tổ chức AOP hỗ trợ chúng tôi rèm, đệm và đào tạo cách làm dịch vụ, nấu ăn phục vụ khách. Thời gian đầu chưa có khách anh Bi cũng rất lo lắng. May mắn vài tháng sau, một vị khách phương Tây trên hành trình đi phượt ghé vào xóm Chiến, ngủ lại homestay Thu Bi một đêm, từ đó nhiều du khách biết và đến với xóm Chiến.

Xóm Chiến có diện tích 487ha, gồm 74 hộ với 347 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi... Đặc sản của xóm làm nên nét nổi bật cho Vân Sơn là những mảnh vườn quýt cổ, mật ong trong vườn cam, quýt. Nhờ bề dày văn hóa truyền thống và những tiềm năng về địa lý, không khí trong lành nên trong những năm qua, xóm Chiến nằm trong điểm du lịch homestay ở Hòa Bình.

Từ khi có chương trình phát triển du lịch cộng đồng, người dân đã thay đổi nếp nghĩ và làm du lịch bằng chính các nền tảng văn hóa, cơ sở vật chất sẵn có của gia đình. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, nhất là gắn du lịch với các chương trình, dự án tạo sinh kế nông nghiệp cho người dân. Những hộ không có điều kiện làm homestay thì mở các dịch vụ cho thuê xe đạp, chở khách đi tham quan, biểu diễn văn nghệ… Với những hộ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của du khách. Đây là cũng là kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Theo chị Hà Thị Thậm, khách nghỉ lại thưởng thức các sản phẩm địa phương như lợn, gà, quýt thấy ngon đã đặt hàng mang về nên bà con bán cũng thuận lợi hơn.

Ông Bùi Văn Thách, hộ dân xóm Chiến cho biết: Gia đình tôi có 600 cây quýt đang cho thu hoạch. Năm 2023 thu được 3 tấn, giá bán trung bình 20 - 30 nghìn đồng/kg. Ngoài bán cho tư thương, tôi thường mang đến các hộ có khách du lịch để bán. Khách thấy ngon nên tiêu thụ dễ dàng. Gia đình tôi đã trồng thêm hơn 1.000 cây nữa. 

Phát triển du lịch cộng đồng thực sự là bước đi mới, tạo việc làm cho bà con và là định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, hướng đến phát triển du lịch trong nông nghiệp bền vững.


Việt Lâm


Các tin khác


Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có bước phát triển bứt phá, tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn của vùng, việc đẩy mạnh liên kết để hình thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mang tính đặc thù là hướng đi cần được quan tâm hàng đầu.

Du lịch Nha Trang hòa quyện với đời sống văn hóa​

Thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nằm bên vịnh biển cùng tên và được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đã từ lâu, Nha Trang trở thành một điểm đến đầy cuốn hút cho hàng triệu du khách gần xa, trong nước và quốc tế.

Nét đẹp Việt 2024: Quảng bá du lịch quốc gia trên Tiktok

Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông cho du lịch Việt Nam, vừa qua tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội 2024 - VITM Hanoi 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Truyền hình Quốc hội Việt Nam và TikTok Việt Nam để xây dựng, thực hiện các chương trình giới thiệu về du lịch Việt Nam.

Huyện Cao Phong đa dạng các sản phẩm du lịch vùng lòng hồ

Bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện Cao Phong là Thung Nai, Bình Thanh có nhiều tiềm năng về địa lý, tự nhiên và môi trường phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Nơi đây còn có điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, nhất là vào dịp đầu năm.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến hấp dẫn

Cách Hà Nội khoảng 150km Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vừa là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vừa là cầu nối du lịch thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc, được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch "Qua miền Tây Bắc” trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6.

Đẩy nhanh tiến độ khu du lịch Robinson - cần hỗ trợ từ cơ quan chức năng

Thời gian qua, dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson được cho là chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thay đổi về quy mô dự án. Để dự án sớm đưa vào hoạt động rất cần sự vào cuộc hỗ trợ từ các cấp chính quyền cũng như sự tích cực hơn nữa của chủ đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục