Không chỉ bà F.Martine đến từ nước Pháp mà nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới đã hào hứng, thích thú khi được hòa mình cùng đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu trong điệu nhảy sạp truyền thống; được nghe âm thanh rộn rã trong điệu keng loóng đặc sắc...




Với việc đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch, mỗi năm, huyện Mai Châu đón hàng chục nghìn lượt du khách quốc tế. (Ảnh: Vợ chồng bà F.Martine, du khách đến từ nước Pháp trải nghiệm nét văn hóa dân tộc đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Mai Châu).

Đưa văn hóa trở thành "sản phẩm” du lịch

Bà F.Martine chia sẻ: "Tôi rất hào hứng khi được trải nghiệm điệu nhảy sạp sôi động. Mọi người nắm tay nhau cùng nhảy và ai cũng thân thiện". Cũng như bà F.Martine, nhiều du khách quốc tế khi đến với Mai Châu đã ngạc nhiên với khả năng sáng tạo đặc biệt của đồng bào dân tộc nơi đây. Chỉ từ những cây tre, cây gậy và một gốc gỗ to, người ta có thể múa nhiều điệu khác nhau, tạo nên những âm thanh sôi động, thu hút người xem.

Đồng chí Lò Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Phòn chia sẻ: Trước đây, múa sạp, đánh keng loóng chỉ được biểu diễn trong các ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, khi địa phương phát triển mạnh du lịch cộng đồng, nhiều du khách muốn trải nghiệm, tìm hiểu về nét văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, các xóm trong xã đã thành lập đội văn nghệ, tổ chức múa sạp, đánh keng loóng để du khách được trải nghiệm, tham gia. Qua đó góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hoá của đồng bào Thái Trắng nơi đây.

Với những lợi thế sẵn có, xã Nà Phòn đã nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào Thái. Hiện xã vẫn giữ được những nét kiến trúc, văn hóa nguyên sơ, mộc mạc của người Thái như ẩm thực, trang phục, nhà sàn nép mình bên sườn núi; những nét sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái. Theo đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, với lợi thế đa dạng về thành phần dân tộc, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, những năm qua, huyện Mai Châu đã khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển KT-XH địa phương. Trong định hướng đó, huyện đã và đang xây dựng các điểm, tuyến du lịch xoay quanh tam giác Nà Phòn kết nối với bản Lác (Chiềng Châu), bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu). Để thực hiện mục tiêu đó, những năm qua, công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng đã được Mai Châu gìn giữ, khai thác hiệu quả, từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca, dân vũ... Đặc biệt là giữ gìn trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, duy trì các khung cửi và giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Thông qua đó giúp du khách có trải nghiệm về bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời biến văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Biến di tích khảo cổ trở thành "điểm đến”

Cùng với đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch độc đáo, thời gian qua, huyện Mai Châu đã từng bước biến các di tích khảo cổ có giá trị thành "điểm đến” của du khách trên hành trình khám phá vùng đất này.

Đồng chí Ngần Văn Tuấn, Trưởng phòng VH-TT huyện Mai Châu cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được Bộ VH-TT&DL công nhận gồm: hang Khoài (Xăm Khòe), hang Mỏ Luông, hang Chiều (thị trấn Mai Châu), hang Láng, hang Piềng Kẻm (Chiềng Châu). Trong đó, hang Khoài và hang Láng là 2 trong 10 di tích khảo cổ tiêu biểu về nền "Văn hoá Hoà Bình” được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Để phát huy những giá trị đặc biệt của những di sản khảo cổ, huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó gắn phát triển du lịch với các di tích khảo cổ.

Điển hình như tại di tích mái đá Phứng Quyền (Mai Hịch) được xem là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng, có giá trị rất cao trên địa bàn huyện Mai Châu đã được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước công bố những kết quả khảo sát quan trọng. Di chỉ này đã được các nhà nghiên cứu, khảo cổ học điều tra phát hiện và thăm dò từ năm 1976. Quá trình điều tra, khai quật đã thu thập được 22 công cụ đá, 13 mảnh đá cuội và 88 tiêu bản xương động vật đã được nghiên cứu, công bố có niên đại cách đây hàng nghìn năm. Đặc biệt, tháng 7/2021 các nhà khoa học, khảo cổ tiếp tục mở hố thăm dò, trong quá trình thăm dò phát hiện 2 di tích mộ táng, ngoài ra khai quật được di cốt động vật, hiện vật đá... Tháng 3/2023, đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học phối hợp các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Sở VH-TT&DL, Phòng VH-TT huyện Mai Châu tiếp tục thực hiện công tác thăm dò, nghiên cứu mở rộng thêm các phần đã khai quật trước đó. Quá trình thực hiện khai quật, các nhà khoa học đã thu được 17 mẫu than ứng với các lớp địa tầng khác nhau. Kết quả trên được các chuyên gia đánh giá đây là di chỉ còn nguyên vẹn nhất về các tầng văn hoá được phát hiện từ trước đến nay ở Việt Nam; là điểm khảo cổ đặc biệt có giá trị để tiếp tục nghiên cứu và phát huy phục vụ du khách đến tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử của địa phương.

"Những kết quả, phát hiện trên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và đông đảo công chúng, đóng góp thêm dữ liệu lịch sử, làm sáng rõ quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội của nền Văn hóa Hòa Bình. Những kết quả này đã tạo cơ hội để Mai Châu xây dựng thêm sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu. Trong đó, huyện sẽ bố trí, huy động các nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, quảng bá du lịch gắn với di sản văn hóa để khai thác, phát huy giá trị di tích khảo cổ gắn với phát triển du lịch”, đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục