Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là điểm bắt đầu một hành trình dài tìm đến và lựa chọn con đường cách mạng của Lenin, bổ sung, hoàn thiện nó phù hợp với điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. 

Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước -0

 

Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là điểm bắt đầu một hành trình dài tìm đến và lựa chọn con đường cách mạng của Lenin, bổ sung, hoàn thiện nó phù hợp với điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. 
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chính thức bắt đầu một hành trình mới để đi tìm một con đường cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khi đó đang bế tắc. Xuất phát từ lòng yêu nước, từ khát vọng cứu nước cháy bỏng, qua hành trình gần 10 năm trải nghiệm, nghiên cứu, tiếp thu lý luận, Nguyễn Tất Thành (khi đó đã nổi danh với tên Nguyễn Ái Quốc) đã tìm thấy lý luận cách mạng của Lenin, rồi trở thành một chiến sĩ cộng sản khi bỏ phiếu thành lập Đảng Cộng sản Pháp ngày 30-12-1920. 

Trong khoảng 10 năm tiếp theo, Hồ Chí Minh vừa hoạt động thực tiễn sôi nổi vừa hoàn thiện lý luận của mình về cách mạng giải phóng dân tộc. Người đã có những đóng góp sáng tạo, bổ sung và phát triển lý luận Marx-Lenin trên lĩnh vực đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa - một lĩnh vực ngày càng trở nên nóng bỏng hơn khi chủ nghĩa tư bản thế giới đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc và cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trở thành vấn đề lớn của thời đại. Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo lớn khi phát hiện ra vị trí, tầm quan trọng của sức mạnh dân tộc.

Hồ Chí Minh xác định lực lượng cách mạng là toàn dân dân tộc - trong đó nòng cốt là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính đặt quyền lợi của dân tộc lên cao nhất. Sự hoàn thiện này được minh chứng trong thực tế bằng việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mùa xuân năm 1930, do Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị thành lập và Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng cũng do Người soạn thảo.

Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (tháng 5-1941) đã trở lại với chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam trong Cương lĩnh đầu tiên, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại độc lập dân tộc lên trên hết. Đây được coi là là nhân tố quyết định thắng lợi trong cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1941 - 1945, tiến lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Cần phải nhìn lại điểm xuất phát là những cơ sở dẫn đến suy nghĩ và quyết định lựa chọn của Hồ Chí Minh 110 năm trước - ngày 5-6-1911, khi Người chính thức dấn thân đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc và những bước của Người trong quá trình tìm thấy và khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc, để trả lời cho những thành công đó.
Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước -0
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp tại Đông Dương bắt đầu từ năm 1897, dưới thời Toàn quyền Paul Doumer. Cùng với sự xâm nhập của tư bản phương Tây, kinh tế hàng hóa đã phá vỡ tính cô lập của nền kinh tế tự cung tự cấp truyền thống ở các thuộc địa, dẫn đến sự thay đổi nhiều mặt của xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Đó là sự thay đổi về tính chất xã hội. Trong đó các yếu tố tư bản chủ nghĩa dưới dạng thực dân đan xen với những quan hệ sản xuất phong kiến mà chính quyền thực dân ở đây vẫn muốn duy trì. Một thiết chế cai trị, quản lý kiểu thuộc địa được chính quyền thực dân áp đặt trùm lên những thiết chế cai trị cổ truyền kiểu phong kiến.
Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước -0
Trong những năm đầu thế kỷ XX, những người cấp tiến tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản ở Việt Nam là một tầng lớp khá đặc biệt - các sĩ phu tư sản hóa. Những sĩ phu tư sản hóa mang tư tưởng trung quân, nặng lòng yêu nước nhưng họ thực sự khủng hoảng về tinh thần trước sự sụp đổ của triều đình và sự bất lực của ý thức hệ và cả phương pháp luận phong kiến trước nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Trong cơn khủng hoảng đó, những ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng từ bên ngoài trong bối cảnh thế giới đang có những biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc đã tác động mạnh đến những sĩ phu Nho học đang muốn vươn dần khỏi sự cách bức với thế giới. Sự cách bức này vốn đã được duy trì từ thời cuối của nền thống trị phong kiến Việt Nam. 
Sau sự kiện Chính biến Mậu Tuất (năm 1898) ở Trung Hoa, khi nước Nhật trở nên hùng mạnh nhờ cuộc Minh Trị duy tân đã đánh bại nước Nga sa hoàng trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật (năm 1904-1905), các sĩ phu Việt Nam hướng cái nhìn của họ về phương Đông, chủ yếu là Trung Hoa và Nhật Bản. Họ thay đổi nhận thức chủ yếu từ làn sóng tư tưởng cải lương Trung Hoa - qua Tân thư, Tân văn của những sĩ phu Trung Hoa đã tỉnh ngộ và đang hướng đến tư tưởng dân chủ tư sản châu Âu. Bên cạnh đó, ý tưởng cầu ngoại viện, cầu học khá sôi nổi với đỉnh cao là phong trào Đông Du đưa thanh niên học sinh Việt Nam sang Nhật những năm 1905-1909. Phong trào này do Phan Bội Châu và các sĩ phu cùng chí hướng với ông (tiêu biểu như Nguyễn Thượng Hiền, Tăng Bạt Hổ, Vương Thúc Oánh...) khởi xướng và lãnh đạo, đánh dấu bước phát triển ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng mới đến xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Tới lúc đó, chưa bao giờ ảnh hưởng của thế giới bên ngoài đến Việt Nam mạnh như vậy. Những sĩ phu tư sản hóa cấp tiến đã lãnh đạo những phong trào đấu tranh yêu nuớc theo tư tưởng dân chủ tư sản đầu tiên ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX: Phong trào Đông Du (năm 1905-1909), phong trào Duy Tân ở các tỉnh miền trung (năm 1907-1908), phong trào Đông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc kỳ và Trung kỳ (năm 1907)...
Bộ phận trí thức "Tây học” nhưng mang nặng tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc ngày càng đông đảo. Từ những trường lớp và giáo trình được đào tạo, rộng hơn là cả sự quan sát trải nghiệm xã hội phương Tây, họ đã mang về những tri thức khoa học tiên tiến của thời đại. Họ cũng là những người đi tiên phong trong cuộc tiếp xúc văn hóa Đông-Tây ở Việt Nam. Các trí thức được Pháp đào tạo cùng các sĩ phu tiên tiến dần dần lĩnh hội và mang về cho dân tộc những tư tưởng mới lạ từ kho tàng tri thức nhân loại, từ xứ sở của chính những kẻ đang thống trị dân tộc mình. Không ít người trong số họ đã sử dụng những vũ khí tri thức đó trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc và trở thành những nhà yêu nước, những nhà cách mạng. Đó là những điều nằm ngoài toan tính của của những kẻ cai trị thực dân khi phát triển một nền giáo dục theo kiểu phương Tây ở Đông Dương.
Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước -0
Hồ Chí Minh sinh ra và trải qua tuổi niên thiếu trên quê hương Nghệ An. Dải đất miền trung dài, hẹp này phải chịu đựng khí hậu khắc nghiệt với những đợt gió nóng, những trận mưa bão lớn và thường xuyên chịu cảnh hạn hán rồi lại ngập úng, lũ lụt. Sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, người dân xứ Nghệ đã tự rèn cho mình một truyền thống quý báu - đó là tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, là tinh thần đoàn kết chiến đấu kiên cường trong chống xâm lược và kiên trì bền bỉ chống thiên tai.
Mang một tâm hồn nhạy cảm, Hồ Chí Minh được kế thừa và hấp thụ những tinh hoa của truyền thống dân tộc và quê hương ngay từ tuổi thiếu niên, ở ngay nơi mình sinh sống. Trong những năm tháng khi Người lớn lên trên mảnh đất quê hương, tinh thần của khởi nghĩa Hương Khê vẫn còn đọng lại với thời gian. Ý chí đấu tranh quật cường và tinh thần hy sinh anh dũng của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa thục cùng các phong trào yêu nước kháng Pháp như ngọn lửa âm ỉ vẫn cháy trong lòng những người con yêu nước Việt Nam. 
Trong bài Nghệ Tĩnh đỏ, Nguyễn Ái Quốc đã viết về truyền thống cách mạng của vùng quê hương mình như sau: "Nhân dân Nghệ-Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ-Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ-Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình.” [2, tr. 79]. 

Sự hun đúc của truyền thống đất nước, quê hương, gia đình lại được phát huy bởi những tố chất cá nhân, riêng của Hồ Chí Minh - đó là ý chí kiên cường và nghị lực phi thường trước những khó khăn thử thách, đã hình thành tính cách và bản lĩnh của một người thanh niên đầy hoài bão.

Nguyễn Tất Thành đã học ở Huế qua các lớp dự bị (năm 1906) lớp sơ đẳng (năm 1907) ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, học lớp trung đẳng ở trường Quốc học (năm 1908) [3, tr. 27-30]. Khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành học tập ở Huế cũng là lúc đất nước diễn ra nhiều biến động chính trị: Phan Bội Châu với Duy Tân hội và phong trào Đông Du do ông phát động lan rộng trong giới sĩ phu và thanh niên; Phong trào Duy Tân, chống thuế bùng phát ở Trung kỳ từ năm 1906 kéo dài tới năm 1908; Năm 1907, trường Đông kinh nghĩa thục, đầu tiên mở tại Hà Nội rồi ở một số tỉnh miền bắc, truyền bá nhiều tư tưởng mới, cổ động cho phong trào cải cách, dân chủ... 
Ở Huế, Nguyễn Tất Thành tiếp thu những kiến thức của văn hóa phương Tây, những tư tưởng cải cách và chiêm nghiệm về con đường cứu nước của các bậc cha anh. Tuy vốn tiếng Pháp còn ít ỏi song Nguyễn Tất Thành bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp. Kết quả của những tiếp xúc văn hóa đó là một ý tưởng lớn đã hình thành và dần được bồi đắp: Đi tìm một con đường để học hỏi, để thu hóa những điều tiến bộ mong có thể giúp ích cho nhân dân, cho đất nước. Quyết tâm cháy bỏng "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” đã nung nấu trong tình cảm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành để dẫn đến sự kiện ngày 5-6-1911 - chính thức bắt đầu hành trình của Người đi tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, [3, tr. 112]. Khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân là nguồn sức mạnh nâng bước chân, sưởi ấm tinh thần Nguyễn Tất Thành trên những chặng đường bôn ba. 
Những năm 1911-1917, Nguyễn Tất Thành (với tên là Văn Ba) đã thật sự sống cuộc sống của một người lao động. Phải làm việc vất vả nhưng anh vẫn tranh thủ tự học. Tác giả Trần Dân Tiên (Hồ Chí Minh) sau này kể lại: Ở trên tàu Latouche - Tréville mỗi ngày anh Ba phải làm từ 4 giờ sáng, "công việc kéo dài suốt ngày”, "suốt ngày, anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than”, buổi tối có hai người lính giải ngũ, về Pháp, tốt bụng, "dạy cho anh đọc và viết" [4, tr. 12-14]. Khi làm vườn cho ông chủ tàu ở Sainte Adresse, thì "anh học tiếng Pháp với cô sen” [4, tr. 18]

Đi qua các nước thuộc địa, chứng kiến nhiều cảnh áp bức, nhiều nỗi khổ cực mà nhân dân các dân tộc khác cũng đang phải chịu đựng như nhân dân Việt Nam, Người đi đến một nhận thức: Ở đâu cũng có người bị bóc lột và kẻ đi bóc lột; độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân không thể trông chờ ở sự ban phát ơn huệ của những kẻ đi bóc lột mà phải đấu tranh để giành lấy. 

Qua những năm tháng đó, Nguyễn Tất Thành cũng đã tích lũy cho mình một vốn sống thực tiễn phong phú. Người cũng thu nhận được nhiều tri thức bổ ích từ những nền văn hóa của các dân tộc. Tất cả những điều đó đã hun đúc rèn luyện nên bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp sau này. 
Khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp, khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bước vào giai đoạn kết thúc [*], sau khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công. Mặc dù chưa hiểu biết hết ý nghĩa to lớn của cuộc mạng này, nhưng Người nhận thấy đây là một biến cố lớn, có một sức lôi cuốn kỳ diệu. Từ "nhận thức cảm tính”, với sự nhạy bén về chính trị bên cạnh những trải nghiệm thực tiễn trong phong trào công nhân Pháp, Người tham gia cuộc đấu tranh ủng hộ nhân dân nước Nga Xô viết.

[*] Hiện nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp: Cuối năm 1916, đầu năm 1917; tháng 6 hoặc tháng 7-1917; cuối tháng 11 đầu tháng 12-1917. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thời điểm này là cuối năm 1917. Gần đây Thụy Khuê trên RFI lại cho rằng Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp trong khoảng thời gian tháng 5 hoặc tháng 6-1919. Luận điểm này đã bị tác giả Ngô Trần Đức phản bác trên Đặc san Hồ Chí Minh học số 1 (1- 2011). Chúng tôi theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2006.

Khoảng cuối năm 1918 hoặc đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đoàn thanh niên xã hội và sau đó là Đảng Xã hội Pháp. Trong mùa hè năm 1919, người ta thấy anh xuất hiện trong các cuộc họp của Đảng Xã hội, của Tổng công hội, Hội Nhân quyền.... Với nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong số ít những chiến sĩ cách mạng giàu kinh nghiệm thực tiễn nhất của phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa những năm đầu thế kỷ XX.
Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước -0
Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” sau khi đăng (báo L’Humanité (Nhân đạo) trong hai số liên tiếp ngày 16 và ngày 17-6-1920) ít hôm và đã có được lời giải đáp cho câu hỏi của mình. Điều V.I. Lenin nhấn mạnh trong Luận cương là phải xác lập mối quan hệ và tình đoàn kết đấu tranh trên thực tế giữa phong trào vô sản tại các nước tư bản với phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, các nước chậm phát triển trong bối cảnh chính trị toàn cầu với những biến cố lớn trên quy mô toàn thế giới khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc và gây ra cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918, gây ra bao đau thương cho nhân dân những nước châu Âu và cả nhân dân các nước thuộc địa. 

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được đọc một tài liệu đề cập trực tiếp và mạnh mẽ đến những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Luận cương của V.I. Lenin đã gây cho Người một cảm xúc mạnh mẽ. Người đã tìm thấy sự ủng hộ, chỗ dựa và nguồn sức mạnh để vươn tới cái đích của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Đảng Xã hội Pháp đứng về Quốc tế III của Lenin, bởi vì "Chúng tôi thấy rằng việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế III có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa”.

Trong nửa cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã "xông vào các cuộc tranh luận” với sự giúp đỡ của các đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp khi đó như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier, Mongmusso… Ngày 30-12-1920, tại Đại hội Tours, Người bỏ phiếu tán thành và trở thành một trong những người sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp. 
Kết quả của hoạt động thực tiễn và việc tiếp nhận lý luận ban đầu càng làm sáng tỏ hơn con đường cứu dân tộc mà Người đang đi tìm và đã dẫn tới một quyết định quan trọng tiếp sau quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước. Đó là quyết định đưa phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng của Lenin. 
Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước -0
Nghiên cứu, tiếp thu những nguyên lý cơ bản của học thuyết Marx-Lenin về cách mạng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo và bổ sung những luận điểm mới để học thuyết này phù hợp với thực tiễn phong trào cách mạng thuộc địa và thực tiễn lịch sử Việt Nam. Người cho rằng cần phải bổ sung vào chủ nghĩa Marx-Lenin những vấn đề của các dân tộc phương Đông mà trong thế kỷ XIX do những điều kiện lịch sử, Marx và Engels chưa thể có được hoặc chưa phát triển một cách đầy đủ - đó là phong trào yêu nước, phong trào chống chủ nghĩa thực dân xâm lược ở các nước phương Đông và Việt Nam nói riêng. 
Người đã phát hiện ra nội dung lớn mà các tác phẩm lý luận thời đó ít đề cập: Đó là sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính và tinh thần yêu nước tiềm tàng trong mỗi cá nhân được bồi đắp lâu dài từ truyền thống. Yếu tố dân tộc và yêu nước chẳng những có thể ảnh hưởng đến phong trào của giai cấp công nhân, nông dân mà nó còn có khả năng thay đổi lập trường của các giai cấp khác như tiểu tư sản, tư sản dân tộc và một bộ phận trong giai cấp địa chủ. Sức mạnh này thể hiện sinh động ở Việt Nam trong các phong trào chống Pháp xâm lược, thu hút mọi lực lượng xã hội, mọi tầng lớp, giai cấp. 

Trong quá trình xây dựng lực lượng cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang, Nguyễn Ái Quốc cho rằng điều cốt yếu là phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc. "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” và nếu phát động, phát huy được nguồn "động lực lớn” đó thì công cuộc giải phóng đất nước mới giành được thắng lợi. 

Từ tháng 5-1921, trong bài báo Đông Dương (Tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5-1921) khi bàn đến Châu Á đau khổ, Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Người châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại” [1, tr. 47]. Thậm chí, bằng cách tự đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, những người dân ở các nước thuộc địa còn có thể đóng vai trò quan trọng giúp đỡ cho cuộc cách mạng ở những nước tư bản. Kết thúc bài viết trên, Nguyễn Ái Quốc đưa ra một nhận xét rất mới: "Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.” [1, tr. 48]
Sự luận giải, phân tích của Hồ Chí Minh cho thấy cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là do những nhân tố bên trong quyết định chứ không thể là sự áp đặt từ bên ngoài hoặc từ nước tư bản "chính quốc”. Những ý trong đoạn trích trên cũng đã thể hiện rõ nét tư tưởng mới, độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh: Cách mạng ở thuộc địa có thể thành công trước cách mạng ở "chính quốc”. Sự luận giải đó dựa trên cơ sở chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng đầy sáng tạo. 
Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước -0
Luận điểm này đã được thực tiễn lịch sử thế kỷ XX chứng minh. Ách thống trị thực dân đã bị thủ tiêu trên phạm vi toàn thế giới. Hàng loạt những dân tộc "nhược tiểu” trước kia đã giành được độc lập dân tộc (tuy với những hình thức và mức độ khác nhau) và đã trở thành các quốc gia dân tộc độc lập, có vị trí ở Liên hợp quốc và có vị thế nhất định trên trường quốc tế. 
Cũng trong khoảng thời gian đó, ở các nước tư bản phương Tây, chủ nghĩa tư bản phát triển ở mức độ cao và với tốc độ cao sau cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng (mức độ nặng, nhẹ khác nhau) nhưng đã có những điều chỉnh để tồn tại và tìm ra những cơ hội phát triển. Cho đến nay, đã sang thế kỷ XXI, vẫn chưa có cuộc "cách mạng vô sản” nào nổ ra ở các nước tư bản phát triển - những nước "chính quốc” ngày xưa. 
Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn của Việt Nam để phân tích mâu thuẫn xã hội Việt Nam. Sinh ra ở một nước thuộc địa, Người nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, khoa học sự phân hóa giai cấp và những mâu thuẫn trong xã hội thuộc địa. Trong một số tác phẩm viết từ những năm 20 thế kỷ XX như Đông Dương, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Cách mệnh, Hồ Chí Minh đã phân tích thấu đáo những nét riêng về mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp ở Việt Nam, đối chiếu với các nước khác, nhất là với một số nước phương Tây. Từ việc nhận định và phân tích đúng lực lượng của cách mạng, Người đã tập hợp, đoàn kết và phát huy được cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân cùng đấu tranh nhằm mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc và hướng đến xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. 
Tư tưởng yêu nước và khát vọng cứu nước, sau này mang thêm những yếu tố mới, đã đi theo Hồ Chí Minh, khởi đầu từ sự kiện lịch sử ở bến Nhà Rồng ngày 5-6-1911, và đã gặp gỡ chủ nghĩa Marx-Lenin. Các nhà nghiên cứu đều chú ý rằng: Hồ Chí Minh đã không sa đà vào những cuộc tranh luận về ý thức hệ hay triết học tư tưởng, mà Người đã dành toàn bộ tâm trí để giải quyết vấn đề cụ thể (cấp bách) là giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Và Hồ Chí Minh đã thành công.
Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước -0
Bác Hồ về nước (28-1-1941) - ảnh chụp tranh. 
Dù có những quan điểm và những cách đánh giá riêng, song các nhà nghiên cứu phương Tây đều tương đối thống nhất một nhận định khi thừa nhận rằng Hồ Chí Minh đã xứng đáng là "con người làm nên lịch sử”, "người kết hợp trong mình hai động lực chính của nước Việt Nam hiện đại: Ước mơ độc lập dân tộc và khát vọng tìm kiếm bình đẳng kinh tế-xã hội” - như tác giả W. Duiker trích lời nhà triết học Mỹ Sydney Hook’s [5, tr. 390].
Thậm chí, những điều này đã làm cho tên tuổi và uy tín của Hồ Chí Minh vượt qua biên giới Việt Nam để trở thành một biểu tượng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh đòi phẩm giá và tự do./. 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

1. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 1.
2. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 3. 
3. Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (2006) - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 1.
4. Trần Dân Tiên (1972) - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Nxb Văn học, Hà Nội. 
5. W. Duiker (2000) - Ho Chi Minh - a life - Hyperion, New York, Bản dịch của Phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao.


Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Môn nấu da trâu khô - Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam

(HBĐT) - Khi đến các bản làng vùng đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, bạn sẽ thấy món ăn "Môn nấu da trâu khô” không hiếm gặp, thậm chí khá phổ biến trong bữa ăn thường ngày. Nguyên liệu chính của món ăn gồm: da trâu khô, lá khoai môn, hạt he (mắc khén), củ gừng, lá kịa rừng, quả đu đủ non và được nêm bằng các loại gia vị: nước mắm, mì chính, bột nêm và một chút mỡ lợn (hoặc dầu ăn) tạo độ bùi ngậy.

Mây trắng vẫn bay trên bầu trời Đồng Lộc

(HBĐT - "Đất đá bị cày đi xới lại, mặt đất bị biến dạng bởi chi chít hố bom, nhưng mạch máu giao thông vẫn được nối dài, ý chí con người vẫn rực sáng giữa "tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc” - Với chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh gốc, hướng dẫn viên Đào Anh Tuân khiến người nghe vô cùng xúc động khi kể những câu chuyện đã trở thành huyền thoại, những con người trở thành bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc…

Khu kinh tế Dung Quất có quy mô 45,3 nghìn ha

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục