(HBĐT) - Hàng năm, mỗi dịp đầu xuân, du khách muôn phương lại nô nức trẩy hội đền Bờ trên khu vực hồ Hòa Bình. Để đến đền Bờ có hai cách, đi từ cảng Bích Hạ thuộc xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) hoặc cảng Thung Nai thuộc xã Thung Nai (Cao Phong). Tuyến đường Bình Thanh - Thung Nai hoàn thành, đưa vào sử dụng thuận lợi cho các đoàn khách di chuyển. Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19, bên cạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy, an toàn thực phẩm, công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến du lịch này được quan tâm.


Đền Chúa Thác Bờ tại xã Thung Nai (Cao Phong) tọa lạc giữa sông núi mênh mang là điểm đến hấp dẫn du khách. 

Theo ông Phạm Văn Biền, Trưởng Ban quản lý cảng Thung Nai, để đảm bảo an toàn và tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách, Ban quản lý cảng đã triển khai đồng thời nhiều biện pháp. Phát loa thông báo, hướng dẫn thực hiện các quy định chung; tổ chức phân luồng, khai báo y tế, bố trí nước sát khuẩn ngay từ cổng; thu giá vé khách và xe ô tô qua cổng đúng quy định được duyệt. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng lượng khách qua cảng những ngày đầu năm tăng hơn so với năm 2021, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành du lịch khi thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. 

Qua cảng Thung Nai, du khách lên các tàu du lịch, thưởng ngoạn vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của vùng hồ Hòa Bình, nơi nức tiếng tuyệt đẹp như vịnh Hạ Long trên núi. Các lực lượng chức năng như công an, cảng vụ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Chiếc tàu du lịch Anh Dũng đưa chúng tôi từ từ rời bến, rẽ sóng lướt qua các đảo nhỏ nhấp nhô giữa những cánh rừng xanh mát nối tiếp. Mùa xuân, nước hồ trong xanh màu ngọc bích. Sương mù giăng nhẹ bảng lảng như chốn huyền thoại, bồng lai. Giữa khung cảnh sông núi hùng vĩ, lại được hít thở không khí trong lành, cảm nhận sự thư thái, nhẹ nhõm, quên hết mệt mỏi của cuộc sống đời thường. 

Lướt sóng giữa mênh mang núi sông chừng 15 phút, chiếc tàu cập bến đền Chúa Thác Bờ thuộc xã Thung Nai và di chuyển khoảng cách không xa là ngôi đền thuộc xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Thành tâm nơi cửa đền, ai cũng mong một năm mới an lành, mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc. Điểm du lịch văn hóa tâm linh này đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Di tích gắn với sự kiện vua Lê Lợi đi dẹp loạn vào mùa xuân năm 1431, được Nhân dân trong vùng ủng hộ, giúp đỡ. Năm nay, nhà đền đã triển khai các biện pháp để phòng dịch Covid-19, phòng cháy chữa cháy, tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng văn minh. 

Du xuân trên hồ Hòa Bình, ngoài được thưởng ngoạn cảnh đẹp sông nước, chiêm bái đền Chúa Thác Bờ, du khách còn được khám phá các hang động, nổi bật là động Thác Bờ - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; được tìm hiểu và thưởng thức các sản vật núi sông như cá, tôm nướng thơm phức, măng rừng... Đền Bờ, hồ Hòa Bình đúng là nơi du khách đáng đến. Nếu ai một lần đến hẳn sẽ hẹn ngày trở lại. Anh Nguyễn Văn Thường, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ: "Tôi thấy chuyến đi rất ý nghĩa và hài lòng. Khung cảnh thiên nhiên đẹp, nên thơ, có điểm nhấn là đền Chúa Thác Bờ. Đây là lần đầu tiên tôi đến du lịch hồ Hòa Bình và chắc chắn còn đến nhiều lần nữa”.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số du khách không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách; nhét tiền lẻ vào cửa đền; lối lên xuống đền tại xã Vầy Nưa (Đà Bắc) còn chật hẹp, khó đi, khói nướng cá mù mịt lối đi; nhiều người trên thuyền không mặc áo phao. Tuyến du dịch sẽ đẹp hơn, an toàn, văn minh hơn nếu những vấn đề trên được khắc phục, mọi người tự giác chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, thắp hương, đốt vàng mã đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. 

                                                                          
 Cẩm Lệ


Các tin khác


Phấn đấu đến năm 2025, khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đạt được các tiêu chí khu du lịch quốc gia

(HBĐT) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận số 800-KL/TU, ngày 28/9/2022 về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 về phát triển khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia (NQ14).

Gọi vùng hồ thức giấc

(HBĐT) - Là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc 5 huyện, thành phố; khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Sở hữu phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thơ mộng, không gian thiên nhiên hoang sơ, cùng với đó là nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc là tài nguyên, tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch.  Hồ Hòa Bình được tỉnh xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.

Khám phá, trải nghiệm các chương trình du lịch trên hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hiện nay có một số chương trình du lịch tiêu biểu trên khu du lịch (KDL) hồ Hoà Bình đã được xây dựng. Đây cũng là những gợi ý để du khách trong nước, quốc tế tham khảo, lựa chọn chuyến đi với thời gian phù hợp, điểm đến khám phá, trải nghiệm như mong muốn.

Khám phá vẻ đẹp động Thác Bờ

(HBĐT) - Không chỉ là điểm du lịch tâm linh thu hút khách trong mùa lễ hội, di tích danh thắng quốc gia động Thác Bờ còn là điểm thăm quan chính của tuyến du lịch lòng hồ sông Đà.

Sẵn sàng cho mùa lễ hội khu vực hồ Hoà Bình năm 2022

(HBĐT) - Trong suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng khách du lịch hồ Hoà Bình giảm mạnh, kéo theo doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh vận tải trong khu vực ảnh hưởng nặng nề.

Những điểm đến hấp dẫn trên khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Trải dài hơn 200 km từ Hoà Bình đến Sơn La, với diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, dung tích 9,45 tỷ m3, khu du lịch (KDL) hồ Hoà Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình được tạo nên bởi thế núi, thế sông, hàng trăm đảo lớn nhỏ cùng hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ màu sắc. Đây chính là điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch. Hành trình trải nghiệm các điểm đến trên KDL sẽ mang đến những cảm xúc khó quên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục