(HBĐT) - Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, chỉ mấy tháng sau khi giành được độc lập, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, chính kiến đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới bằng phương thức bầu cử dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu Quốc hội tỉnh qua các thời kỳ.

Mốc son lịch sử chói lọi khẳng định quyền làm chủ của Nhân dân

Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập, mà còn có cơ quan Nhà nước có đầy đủ cơ sở, tư cách pháp lý đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí mãnh liệt và niềm tin tuyệt đối của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước, đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa IX chia sẻ bên lề hội nghị gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức: Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội ngày 6/1/1946 cho thấy sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống... Việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử cho thấy sự đoàn kết, nhất trí một lòng, biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính vì vậy, đáp lại lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc tổng tuyển cử đã diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Hòa chung khí thế hào hùng đó, tại tỉnh ta, cuộc tổng tuyển cử cũng được Nhân dân các dân tộc hưởng ứng, đón nhận. Viết về sự kiện trọng đại này, hồi ký của đồng chí Phan Văn Phán, lão thành cách mạng, hoạt động tại vùng Yên Thủy ghi: "Lần đầu tiên Nhân dân ta theo chủ trương của Mặt trận Việt Minh tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội khóa I trong ngày 6/1/1946, tại đình Yên Trị. Nhân dân đã đi bộ 20 km đến bỏ phiếu đạt kết quả đảm bảo theo đúng quy định". Không chỉ ở miền xuôi, bà con đồng bào dân tộc Thái ở vùng cao Mai Châu cũng tích cực tham gia cuộc bầu cử. Hồi ký của đồng chí Hoàng Ba, cán bộ lão thành cách mạng hoạt động ở vùng Mai Châu ghi: "Ngày 6/1/1946, tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội và sau đó bầu HĐND tỉnh. Lần đầu tiên cán bộ được cử đi làm bầu cử rất bỡ ngỡ, song Nhân dân Mai Châu đã tham gia rất đầy đủ. Nhân dân đã lựa chọn những người đủ đức, đủ tài giúp dân, giúp nước. Kỳ bầu cử năm 1946, đồng chí Quách Công Chẩm trúng cử ĐBQH và anh Đinh Công Sắc trúng cử đại biểu HĐND tỉnh...". Đồng chí Quách Công Chẩm cũng là đại biểu trẻ nhất của Quốc hội khóa I, năm 1946.

Trải qua 75 năm, trong 14 khoá Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh có 55 đại biểu, với 74 lượt đại biểu qua các khóa, mỗi khóa Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh có 5 - 6 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thành phần đại biểu có đại diện các tầng lớp Nhân dân như nông dân, công nhân, thanh niên, trí thức, lực lượng vũ trang, cán bộ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh. Vinh dự cho tỉnh và cho Đoàn ĐBQH tỉnh là có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội là ĐBQH tỉnh như các đồng chí: Vũ Oanh, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Phúc Thanh, Lê Thanh Đạo… Trong 14 khóa Quốc hội, có 29 đại biểu dân tộc Mường, 21 đại biểu dân tộc Kinh, 4 đại biểu dân tộc Thái, 1 đại biểu dân tộc Gia Rai; có 15 đại biểu từ các cơ quan T.Ư, 41 đại biểu thuộc các tầng lớp, giai cấp ở địa phương.

Xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri các dân tộc trong tỉnh

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Cùng với những đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, phát huy truyền thống, kết quả đạt được của Đoàn ĐBQH tỉnh qua các thời kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã tích cực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần quan trọng vào thành công chung của Quốc hội Việt Nam nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân, đồng thời, đóng góp quan trọng vào những thành tựu của tỉnh trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo niềm tin cho Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.

Điểm lại những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ qua, đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Trong 5 năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH tỉnh và cá nhân ĐBQH đã phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm, tham gia tích cực vào các lĩnh vực hoạt động công tác theo chức năng, trọng trách được giao, cùng với ĐBQH cả nước hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực: lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã đoàn kết, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao trước Nhân dân, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung tổ chức các hoạt động đảm bảo phát huy tối đa quyền, trách nhiệm của ĐBQH, Đoàn ĐBQH trên các lĩnh vực cả về bề rộng và chiều sâu.

Từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn đã tham gia đóng góp, thảo luận vào 146 dự thảo luật, 112 dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng; tổ chức 54 cuộc giám sát, khảo sát; tổ chức 94 cuộc tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, nhóm cử tri… Qua đó, xây dựng các kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Chia sẻ, chúc mừng những nỗ lực của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng chí Hoàng Văn Hon, nguyên UV BCH T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa X tâm sự: Đã từng tham gia diễn đàn của Quốc hội, hiểu được những khó khăn, vất vả cũng như trách nhiệm của người đại biểu dân cử, qua theo dõi trên truyền hình, báo chí, tôi thấy, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, các ĐBQH tỉnh đã đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhiều vấn đề nóng, vấn đề bức xúc của người dân đã được truyền tải tới Quốc hội, Chính phủ, tạo diễn đàn sôi nổi để bàn thảo đưa ra giải pháp, quyết sách những vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống người dân.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, cùng với cả nước, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây thực sự là ngày hội của cả dân tộc. Với ý chí và quyết tâm, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ đi bỏ phiếu bầu ra những đại biểu đủ đức, đủ tài để phục vụ đất nước, phụng sự Nhân dân, trở thành cầu nối phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, những kiến nghị của địa phương đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.


Đinh Hòa


Các tin khác


Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chủ tịch nước

Sáng 23/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước. Chủ tịch nước đề nghị cán bộ, nhân viên Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục làm tốt công việc theo nhiệm vụ, vị trí được phân công; đồng thời mong muốn nhận được những ý kiến tham mưu, đề xuất để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước

Sáng 23/5/2024, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ tư tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào các đồ án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 22/5, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tháng 5, cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng về phát triển KT-XH.

Quốc hội bầu Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sáng 22/5, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước

Sáng 22/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đường bộ, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Sáng 21/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn, QH thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch QH, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục