Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp
tổng giám đốc WTO.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tổng giám đốc WTO.

Ngày 7-6 tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn kinh tế thế giới về Ðông Á 2010 lần thứ 19 đã kết thúc tốt đẹp.

Diễn đàn WEF thành công vì số đại biểu tham dự vượt so với dự kiến ban đầu cũng như đã thu hút một số lượng lớn các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới nhằm cùng chia sẻ những ý tưởng kinh doanh, kinh nghiệm với các nước châu Á trong đó có Việt Nam và cách thức ứng phó vượt qua các cuộc khủng hoảng.


Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều dấu hiệu phục hồi, WEF Ðông Á 2010 có 20 phiên họp gồm 5 phiên toàn thể, 10 phiên thảo luận và các phiên kết hợp song song xoay quanh chủ đề "Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu". Toàn bộ các cuộc thảo luận đều được trao đổi, với cách đặt vấn đề xuyên suốt và toàn diện về việc châu Á sẽ dẫn đầu thế nào; vai trò ngày càng quan trọng của châu Á trong nền quản trị toàn cầu; mối liên kết giữa các nước châu Á; Mô hình tăng trưởng châu Á sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998; vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu và lĩnh vực nông nghiệp; Về kích cầu trong nước; những vấn đề tài chính ngân hàng và kinh nghiệm của các nước châu Á trong việc triển khai hiệu quả các gói kích cầu mà đảm bảo không để xảy ra tình trạng bong bóng nổ; vai trò của lớp trẻ trong thời kỳ hiện nay; làm thế nào xử lý sự đa dạng và khác biệt về giá trị các hệ thống, chính trị, tôn giáo, xã hội; sự hợp tác song phương đa phương trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài...


WEF Ðông Á cũng dành thời gian bàn về "Vai trò lãnh đạo và tăng trưởng trong khu vực Mê Kông với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các nước Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Lào, trao đổi về tiềm năng hợp tác, sự phối hợp đa phương và song phương. Mối liên kết giữa khu vực Mê Kông với các nước ngoài khu vực.


Trong các cuộc thảo luận, những kinh nghiệm, biện pháp, xử lý nhằm ngăn ngừa hạn chế các rủi ro về tài chính ngân hàng cũng như những giải pháp nhanh chóng hội nhập vào ngành tài chính ngân hàng thế giới. Việc giáo dục đạo đức cho lớp trẻ, các biện pháp chống biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, vấn đề lương thực... đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Việt Nam trả lời rõ ràng đồng thời cũng nêu một số vấn đề mà Việt Nam đang phải học hỏi nhằm học hỏi kinh nghiệm từ các nước, các tập đoàn quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.


Việc tổ chức WEF Ðông Á lần thứ 19 tại Việt Nam là sự lựa chọn có ý nghĩa. Sự kiện này cho thấy uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đã và đang trở thành cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển nhằm hướng tới sự thịnh vượng chung trong cộng đồng Ðông Á. Nhiều học giả, chính khách rất quan tâm và đặt câu hỏi: Vì sao trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu vừa qua Việt Nam là một trong số không nhiều nước có mức tăng trưởng kinh tế 5,32% năm 2009 và dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5% năm 2010? Việt Nam có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng về chỉ số thúc đẩy thương mại khi từ vị trí thứ 89 năm 2009 lên vị trí 71 trong năm 2010. Vì vậy đây là cơ hội để các đại biểu không chỉ dự hội nghị này mà còn tìm hiểu về Việt Nam như một minh họa cho các vấn đề được bàn thảo tại hội nghị của Diễn đàn kinh tế thế giới về Ðông Á.


Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về Ðông Á tại TP Hồ Chí Minh, ngày 7-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pa-xcan La-mi, nhân dịp ông  tham dự Diễn đàn này.


Cảm ơn sự hỗ trợ của ông Pa-xcan La-mi trong quá trình đàm phán gia nhập và tham gia WTO của Việt Nam, Thủ tướng mong muốn ông tiếp tục dành sự quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong việc tham gia ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn vào các Hiệp định của WTO cũng như tiếp tục hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, trong ba năm qua, việc thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO đã đánh dấu quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào hệ thống thương mại quốc tế và các đóng góp tích cực của Việt Nam với tư cách thành viên. Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam cùng các nước ASEAN mong muốn sớm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha với kết quả cân bằng, thiết thực và tính đến lợi ích của các nước đang và kém phát triển. Kết thúc sớm Vòng đàm phán Ðô-ha là bước tiến quan trọng để xây dựng và phát triển thương mại tự do và công bằng hơn.


Bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Pa-xcan La-mi đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau ba năm gia nhập WTO, nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng mạnh, duy trì xuất khẩu ở mức khá cao. Ðặc biệt là năm 2009, Việt Nam đã ứng phó với khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tốt hơn nhiều nước khác trong khu vực và vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Ðây là minh chứng cho thấy Việt Nam đang tích cực xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế mở. Tổng Giám đốc WTO khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm tạo bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, tiếp tục hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam vào làm việc tại WTO.


Ðồng tình quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết thúc sớm Vòng đàm phán Ðô-ha, Tổng Giám đốc WTO Pa-xcan La-mi nhấn mạnh, Vòng đàm phán Ðô-ha thành công sẽ có tác dụng kép, vừa đóng vai trò như gói kích thích kinh tế thế giới, vừa thúc đẩy tiến trình cải tổ cơ cấu tài chính toàn cầu. Ông  mong muốn Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN tham dự Hội nghị G-20 sắp tới tại Ca-na-đa sẽ có tiếng nói quan trọng, góp phần thúc đẩy Vòng đàm phán Ðô-ha kết thúc đúng hạn.


Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn công nghiệp, tài chính quốc tế lớn gồm Tập đoàn Dubai Holding Deutsche Post DHL, Manpower...


Thủ tướng nhấn mạnh, việc Việt Nam đang trên đường trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, một trong những trung tâm của chuỗi sản xuất thương mại toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam khuyến khích việc các tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu, đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.


Lãnh đạo các tập đoàn đều bày tỏ ấn tượng về sự phát triển, tiềm năng của Việt Nam, coi đây là một thị trường trọng tâm và khẳng định mong muốn, kế hoạch đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Ðồng thời, mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, cải cách thủ tục để quá trình đầu tư được thuận lợi.


Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Ðông Á 2010, chiều 7-6, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp ông Kwak Seung-Jun, Chủ tịch Hội đồng Tầm nhìn tương lai Hàn Quốc, nhân dịp ông  tham dự Diễn đàn này. Ðây là cơ quan trực thuộc Tổng thống, trong đó có Bộ trưởng Kế hoạch Tài chính và Trợ lý Tổng thống về kế hoạch quốc gia. Nhiệm vụ chủ yếu là cố vấn trong việc dự báo triển vọng, xây dựng quy hoạch tổng thể, chính sách về phát triển trong tương lai trên các lĩnh vực phát triển.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng và tốt đẹp của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, tin tưởng với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Ðối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhấn mạnh sự kiện năm 2010, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Hàn Quốc là đồng Chủ tịch G-20, Phó Thủ tướng cho rằng, thành công trong hợp tác giữa hai nước sẽ góp phần quan trọng tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế. Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với Hàn Quốc vì sự thành công của Hội nghị cấp cao G-20 tổ chức tại Hàn Quốc cuối năm nay. Phó Thủ tướng  đánh giá cao mô hình và kết quả hoạt động của Hội đồng tầm nhìn tương lai Hàn Quốc, coi đây là một  kinh nghiệm đáng chú ý đối với Việt Nam, nhất là đối với những vấn đề liên bộ, liên ngành như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cân bằng năng lượng...


Chủ tịch Kwak Seung-Jun bày tỏ ấn tượng với công tác tổ chức và thành công của Việt Nam đối với Diễn đàn WEF về Ðông Á 2010, tin tưởng với vai trò đồng Chủ tịch G-20, Hàn Quốc sẽ có những thúc đẩy đáng kể để tăng cường mối quan hệ với khối ASEAN, trong đó quan hệ với Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Kwak Seung-Jun cho biết, Hàn Quốc sắp tuyên bố Tầm nhìn xa 2020-2040 và mong muốn tăng cường đối thoại và hợp tác các cấp với Việt Nam, thúc đẩy những sáng kiến Tăng trưởng xanh, thành lập Quỹ biến đổi khí hậu, mong muốn Việt Nam ủng hộ Hàn Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP) vào năm 2012.


Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn tài chính, công nghệ thông tin, logistic, dịch vụ quốc tế lớn gồm Tập đoàn Cisco, Trutstee Suisse, Agility và Ngân hàng Standard Chartered.


Phó Thủ tướng mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp mở rộng tìm hiểu, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực hạ tầng, công nghệ cao, logistic, dịch vụ tài chính.


Lãnh đạo các tập đoàn đều bày tỏ ấn tượng về công tác tổ chức và những nội dung rất hữu ích của Diễn đàn WEF về Ðông Á 2010 của Việt Nam, khẳng định mối quan tâm lâu dài đối với sự phát triển, tiềm năng của Việt Nam, coi đây là một thị trường trọng tâm và trình bày một số kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Ðồng thời, các tập đoàn cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những hỗ trợ, cải cách thủ tục để quá trình đầu tư được thuận lợi.


Ngay sau khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Ðông Á 2010 (WEF Ðông Á 2010) kết thúc thành công tốt đẹp, Thứ trưởng Ngoại giao Ðoàn Xuân Hưng, thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc gặp trao đổi với báo chí trong nước về WEF Ðông Á 2010.


Thứ trưởng Ðoàn Xuân Hưng nhấn mạnh sự khác biệt của WEF Ðông Á 2010 so với các sự kiện quốc tế lớn mà Việt Nam đã tổ chức như các hội nghị cấp cao ASEM, APEC, ASEAN... bởi WEF Ðông Á 2010 là sự kiện do WEF tổ chức với hình thức của một diễn đàn trao đổi, chia sẻ các ý tưởng, cũng như thảo luận các đánh giá về nhiều vấn đề quan tâm của khu vực, châu lục và thế giới. Qua Diễn đàn, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, cá nhân sẽ tự rút ra cho mình những bài học thực tiễn, những kinh nghiệm quý.


Ðánh giá kết quả của hội nghị, Thứ trưởng Ðoàn Xuân Hưng cho biết: WEF Ðông Á 2010 đã thành công tốt đẹp, được Chủ tịch WEF Klaus Schwab và Giám đốc khu vực châu Á của WEF Sushant Rao đánh giá là một trong những lần tổ chức thành công nhất trong 19 năm qua. Thành công của WEF Ðông Á 2010 được ghi nhận qua ở các góc độ: thứ nhất, đó là sự quan tâm của quốc tế với sự tham dự của gần 500 đại biểu, trong đó có các lãnh đạo chính phủ cấp cao trong khu vực, các học giả và doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Thứ hai, chủ đề của hội nghị phù hợp với tình hình thực tế khi bàn về sự phục hồi sau khủng hoảng, về vai trò dẫn dắt của các nền kinh tế Ðông Á trong phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, về vai trò ngày càng quan trọng của châu Á trong phát triển và quản trị kinh tế toàn cầu. Ðặc biệt, WEF Ðông Á 2010 đã bàn đến tiểu vùng Mê Kông với sự có mặt của lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực, điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh hợp tác Mê Kông đang có những thay đổi và chuyển biến mạnh gần đây.


Về sự tham gia của nước chủ nhà, Thứ trưởng Ðoàn Xuân Hưng cho biết: Việt Nam đã có đóng góp tích cực trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra hội nghị. Việt Nam được chọn là nơi diễn ra WEF Ðông Á 2010 là sự đánh giá cao của WEF đối với những thành tựu phát triển kinh tế, quá trình hội nhập kinh tế trong những năm qua của Việt Nam, cũng như do vai trò và vị thế ngày càng được tăng cường của Việt Nam, có những đóng góp quan trọng tích cực, trách nhiệm cho các hoạt động quốc tế, cho các diễn đàn của WEF trong thời gian qua. Qua WEF Ðông Á 2010 là dịp để xem xét lại chiến lược phát triển của đất nước, của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Cũng nhân sự kiện WEF Ðông Á 2010 đã diễn ra các cuộc gặp gỡ song phương giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực ASEAN, qua các cuộc trao đổi góp phần tăng cường hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong thời gian tới.
                                                                             Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục