Ngày 1-12, tại Hà Nội, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ tháng 10-2010; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 11-2010; báo cáo công tác cải cách hành chính tháng 11-2010; tóm tắt đề án tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo vĩ mô; tờ trình Chính phủ về Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020; tóm tắt Báo cáo tổng kết Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Từ đầu năm đến ngày 15-11, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt hơn 455,7 nghìn tỷ đồng, bằng 98,7% dự toán năm. 11 tháng qua, thực hiện vốn đầu tư từ NSNN ước đạt 131,1 nghìn tỷ đồng, đạt 102,2% kế hoạch năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng đạt 9,95 tỷ USD, tăng 9,9 % so cùng kỳ năm 2009; tính chung, tổng vốn đăng ký và cấp mới các dự án 11 tháng qua đạt 13,3 tỷ USD, giảm 40% so cùng kỳ năm trước. Tổng trị giá giải ngân vốn ODA ước đạt 2,346 tỷ USD, bằng 97% kế hoạch giải ngân cả năm, tăng 17% so cùng kỳ năm 2009; tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua các hiệp định ước đạt khoảng 2,722 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 11-2010 ước đạt 6,45 tỷ USD, 11 tháng qua ước đạt gần 64,3 tỷ USD, tăng 24,5% so cùng kỳ năm 2009 và gấp bốn lần so chỉ tiêu Quốc hội thông qua (hơn 6%). Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 11-2010 ước khoảng 7,7 tỷ USD, 11 tháng qua ước tính gần 75 tỷ USD, tăng 19,8% so cùng kỳ năm 2009. Nhập siêu tháng 11 là 1,25 tỷ USD, bằng 19,4% kim ngạch xuất khẩu, nhập siêu 11 tháng qua ước đạt 10,7 tỷ USD, bằng xấp xỉ 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 25-11 tăng 1,18% so cuối tháng 10 và tăng gần 24% so tháng 12-2009, trong đó huy động bằng VND tăng 0,35% so tháng 10 và tăng 28,57% so tháng 12-2009, huy động bằng ngoại tệ tăng 4,68% so tháng 10 và tăng 8,36% so tháng 12-2009.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 1,86% so tháng 10, là mức tăng cao nhất trong chín tháng gần đây cũng như so cùng kỳ năm trước. So tháng 12-2009, CPI tháng 11 tăng 9,58%. Tính bình quân, CPI 11 tháng qua tăng 8,96% so cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân do những tháng gần đây, giá lương thực, giá vàng và một số nguyên vật liệu xây dựng... trên thị trường thế giới tăng mạnh, gây áp lực tăng giá thị trường hàng hóa và ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng. Hơn nữa, tỷ giá USD trên thị trường  tự do tăng cao cũng ảnh hưởng lớn việc tăng giá. Bên cạnh đó, thiên tai lũ lụt tại các tỉnh miền trung thời gian qua cũng làm giá lương thực, thực phẩm tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 ước đạt hơn 71,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2009; 11 tháng qua ước đạt 717,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước và cao hơn so kế hoạch năm (12%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 141 nghìn tỷ đồng, 11 tháng qua đạt gần 1.425,2 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ năm 2009.

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng qua phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp; thực hiện có kết quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-CP và nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Thu ngân sách đạt khá, bảo đảm được các nhu cầu chi; đầu tư phát triển được đẩy mạnh, sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; chính trị, xã hội tiếp tục ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh, tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do tăng cao, tạo áp lực lên giá cả hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước, nhất là những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán. Lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao, ảnh hưởng việc huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị năm nhóm giải pháp triển khai thực hiện thời gian tới, tập trung vào: Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường giá cả; rà soát lại các công cụ, chính sách tiền tệ để có chính sách phù hợp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm dần lãi suất xuống mức hợp lý; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; thực hiện quyết liệt và đồng bộ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương triển khai nhanh việc giao kế hoạch năm 2011 cho các đơn vị, cơ sở theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện kế hoạch và dự toán NSNN có kết quả ngay từ đầu năm... Tại phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề nổi cộm là CPI tăng vượt dự kiến, giá cả hàng hóa tăng cao và vấn đề tỷ giá biến động phức tạp.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua phát triển theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2010 nhiều khả năng đạt 6,7%, thậm chí Ngân hàng Thế giới còn đánh giá con số này có thể đạt 6,8%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá cao, nông nghiệp phát triển ổn định, dịch vụ hàng hóa tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, nhập siêu thấp nhất trong mấy năm qua. Ðời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Thủ tướng lưu ý, từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt tinh thần chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực, bám vào các chủ trương, chính sách đã đề ra từ đầu năm để thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay vấn đề nổi cộm là giá cả các mặt hàng tăng cao, tỷ giá hối đoái biến động, giá vàng tăng mạnh, gây tâm lý lo lắng trong dư luận. Trách nhiệm của Chính phủ phải điều hành, kiểm soát tốt hơn. Do đó nhiệm vụ trọng tâm của tháng 12 này là ổn định vĩ mô, ổn định và kiểm soát giá cả. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn phải vào cuộc quyết liệt, tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn đầu cơ, tích trữ, chống hàng giả, hàng lậu. Trong đó, cần tập trung kiểm tra giá bán ở các hệ thống đại lý phân phối, bán lẻ, tránh tình trạng doanh nghiệp Nhà nước giữ giá bán ổn định nhưng đại lý lợi dụng tăng giá. Vấn đề căn bản là phải tăng cường sản xuất để cung ứng đủ nguồn hàng, nhất là lương thực, thực phẩm vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Mão. 

Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải chủ động, linh hoạt, có những giải pháp phù hợp trong điều hành tỷ giá ngoại tệ, lãi suất trong điều kiện thị trường biến động như hiện nay. Ðiều này đòi hỏi chính sách tiền tệ phải phối hợp nhịp nhàng với việc kiểm soát giá cả. Thủ tướng giao trách nhiệm cho Thống đốc NHNN là người phát ngôn chính thống về các thông tin liên quan chính sách tiền tệ, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất. Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN bố trí thời lượng thích hợp và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để giải thích cho dư luận hiểu rõ về tiền tệ, lãi suất, tỷ giá; giao Bộ trưởng Tài chính là người phát ngôn về giá cả, giải thích cho dư luận rõ nguyên nhân giá biến động tại thị trường trong nước và quốc tế. Các phương tiện thông tin đại chúng cần đưa tin khách quan, đúng định hướng, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương phải tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ ở miền trung, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống cho đồng bào dịp cuối năm, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính tạm ứng ngân sách Trung ương để khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt.

Về công tác xây dựng cơ bản mùa khô này, Thủ tướng nêu rõ, những công trình trọng điểm đang dở dang hoặc sắp hoàn thành phải được bố trí vốn để triển khai. Cần sớm bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong tháng 12 này và tháng 1-2011.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó nâng cao năng lực sản xuất trong nước, coi đây là giải pháp căn cơ đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó phải tăng cường kiểm soát nhập khẩu, nhất là hạn chế nhập khẩu những mặt hàng chưa cần thiết nhập khẩu, góp phần hạn chế nhập siêu, tiết kiệm chi tiêu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các loại lương thực.

Ðồng thời Thủ tướng lưu ý: Tình hình tai nạn giao thông thời gian vừa qua diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương tăng cao. Do đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tập trung kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tai nạn giao thông; tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách thủ tục hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân...

*  Chiều 2-12, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đồng chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ. Cùng dự, có đại diện các bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Ðầu tư, Công thương, Tài chính. Sau khi thông báo tóm tắt những nội dung cơ bản của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất, ổn định tỷ giá ngoại tệ...

Về vấn đề kiềm chế lạm phát, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, trong tình hình nước ta hiện nay, việc thực hiện giải pháp nâng lãi suất để hút nguồn tiền về là lựa chọn đúng đắn. Việc này có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng đây chỉ là công cụ ngắn hạn và nền kinh tế cũng chấp nhận được. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, NHNN chủ trương ưu tiên ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu bảo đảm đời sống của người dân, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết, qua đó tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm ngoại tệ. NHNN đang phối hợp Bộ Công thương để giải quyết vấn đề nhu cầu xăng dầu, trong đó, thay vì nhập khẩu thì ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất để làm dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp, qua đó hạn chế sử dụng ngoại tệ. Nếu thực hiện được việc này thì sẽ góp phần quan trọng giảm nguồn cung ngoại tệ bởi nhu cầu nhập khẩu xăng dầu đòi hỏi một lượng ngoại tệ lớn nhất hiện nay ở nước ta...

                                                                        Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục