Một góc thành phố Hòa Bình hôm nay.

Một góc thành phố Hòa Bình hôm nay.

(HBĐT) - Không biết có phải cố tình hay ngẫu nhiên mà đúng dịp cuối năm này, người bạn đồng niên (từng xa thành phố Hoà Bình từ năm 1991) trở lại nơi này. Bạn bè gặp lại, ánh mắt, nụ cười hân hoan, những câu chuyện của thời trẻ cứ tuôn trào không ngớt.

Trong dịp nghỉ đó, anh bạn dành hẳn 2 ngày đi thăm thành phố, người quen và chụp cơ man nào là ảnh. Những góc phố, đường xưa, bến phà cũ được anh lưu lại bằng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại. Điều gì khiến anh gắn bó với thành phố này sâu nặng đến vậy?... Cả nhóm bạn bất ngờ khi anh đưa ra một An-bum ảnh màu, ảnh đen trắng anh đã chụp bằng máy cơ từ năm 1991 - thành phố Hoà Bình khi đang là thị xã. Anh bảo, tặng những người bạn Hoà Bình. Đây không phải là nơi anh sinh ra  nhưng là nơi anh đi  suốt năm tháng tuổi thơ... 

Ký ức của người bạn cũ...

Câu chuyện “An-bum ảnh” khiến những công dân thành phố từ bất ngờ này đến thú vị khác. Đến như người gốc bản địa chắc chưa nghĩ đến thú chơi ảnh độc đáo này. Vâng, anh có lý do để yêu mến miền đất bên dòng sông ánh sáng này, bởi vì từ năm 12 tuổi, vào những năm Hoà Bình chưa nhập thành Hà Sơn Bình, anh chẳng đã từng có những mùa hè sôi động ở triền sông, sân vận động với các bạn cùng trang lứa. Ngày đó, đường phố còn nhỏ, dọc phố Phương Lâm còn có cả những ngôi nhà lợp lá, lợp tranh, bé nhỏ bên những dãy nhãn, dãy bàng cọc còi. Cả thị xã đan cót, đến trẻ con cũng biết đan, biết chẻ nứa giúp người lớn. Ngay lối ngõ vào trường tiểu học Lý Tự Trọng bây giờ, có hẳn 1 HTX chuyên dệt cạp váy trang phục Mường. Anh chẳng từng đứng chồn chân xếp hàng chờ mua kem ở cạnh khách sạn Đà Giang bây giờ và rạp chiếu phim chiếu những bộ phim chiến đấu của Liên Xô, Triều Tiên hấp dẫn. Anh chẳng từng đứng ở đê Đà Giang mùa nước lũ sông Đà, nhìn con đò mong manh vượt sóng và phố Đúng đìu hiu bên sông. Hiệu sách nhân dân (chỗ Phòng GD&ĐT hiện nay) cũng được anh và bạn bè ưu tiên đặc biệt. Tuổi thơ chân trần thi chạy trên đê cùng nhóm bạn mới quen... Để rồi, cuối những năm 80, đầu những năm 90, anh có dịp trở lại trong đoàn quân những người làm thuỷ điện. Năm 1991, khi tái lập tỉnh, thị xã Hoà Bình trở thành thị xã tỉnh lỵ cũng là lúc anh tạm biệt miền sơn cước này về xuôi. Thị xã năm đó còn hoang sơ vô cùng; rời khỏi Phương Lâm là đã hết nhịp sống phố phường, nhà không số, phố không tên. Bến phà đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi khi mùa nước lũ phải đi xà lan hoặc đạp xe ngược đập để sang bên sông. Cư dân Thịnh Lang, Tân Thịnh, Hữu Nghị, Tân Hoà thấy như lạc lõng, tách biệt với nhịp sống của một thị xã đang chuyển mình. Chợ Phương Lâm vẫn không có gì thay đổi, nép mình nơi chốn cũ. Người đi xe đạp có phần nhiều hơn người đi xe máy. Những con đường lầm bụi bên bờ trái gợi lên những khốn khó một thời và cái tên “chợ Vồ” cũng là một minh chứng không được vui lắm. Lúc đó, mỗi khi hát bài “Thành phố bên sông Đà” của cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu có cảm giác như sự lãng mạn hơi thái quá... Trước ngày rời thị xã, anh đã lang thang cả ngày trời để chụp hầu hết những gì từng gắn bó với anh một thời để làm kỷ niệm, dẫu là thời khó khăn nhưng vẫn ánh lên niềm tin, niềm hy vọng mới; nơi ghi dấu những ân tình mà anh được cảm nhận, nâng đỡ anh trong chuỗi tháng ngày tiếp theo. Cũng là phải yêu thị xã miền sơn cước này đến mức nào nên mới có động thái đặc biệt đó...

 

    Đêm thành phố trẻ...

 

Anh trải lòng bằng câu nói: “Bất ngờ vì thị xã thay đổi nhiều quá, nhưng đã được “biên tập” lại là: “Đã là thành phố từ năm 2006”. Vâng, thành phố của chúng ta đã có những thay đổi thật đáng kể. Đêm cuối năm, đứng trên toà nhà AP Plaza nhìn bao quát thành phố thấy nhịp sống sôi động đang hiện ra trước mắt. Cầu Hoà Bình rực rỡ ánh đèn đêm soi mình xuống dòng sông hiền hoà. Đường Trần Hưng Đạo làm sang thành phố lên rất nhiều mỗi khi có lễ hội, kỷ niệm. Đường Chi Lăng, đường mới Trương Hán Siêu, đưa dẫn mọi người đến những phố, khu chung cư mới. Chợ Phương Lâm và các siêu thị phía bờ trái đang vào mùa làm ăn tấp nập khách mua sắm... Nhịp sống của một thành phố tỉnh lỵ -trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của tỉnh đang có sức mạnh mới. Để có được tầm vóc như hiện nay, suốt một thời gian khá dài, các cấp uỷ, chính quyền, ngành, đoàn thể mặt trận và đồng bào các dân tộc nơi đây đã đoàn kết nỗ lực phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng phát triển hơn. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2005-2010, lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2010-2015, thành phố đã tạo được những dấu mốc hết sức quan trọng. Công tác thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng có thể được coi là điểm nhấn của thành phố trẻ. Hệ thống giao thông đô thị được tập trung xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại như các tuyến chính: đường Hữu Nghị, Trần Quý Cáp, Trương Hán Siêu, Thịnh Lang, Phùng Hưng đã có ảnh hưởng nhanh và trực tiếp đến phát triển kinh tế của thành phố. Một số công trình hạ tầng các khu dân cư phường Tân Thịnh, khu dân cư chợ Phương Lâm cũ, khu dân cư bắc Trần Hưng Đạo, khu dân cư và tái định cư Trần Quý Cáp, khu dân cư phường Thịnh Lang đã góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố. Riêng hệ thống chiếu sáng độ thị đã có bước phát triển mạnh mẽ: đã xây dựng được 23,3 km đường điện chiếu sáng; hệ thống điện chiếu sáng công cộng được lắp đặt tổng chiều dài 90 km. Trên địa bàn thành phố đã có 57 dự án được cấp phép đầu tư... Bước đột phá đó đã góp phần vào bước phát triển KT-XH của thành phố Hoà Bình trong năm 2011-năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức... Thành phố đã huy động sức mạnh tổng hợp, phấn đấu theo chủ đề của năm: đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - dịch vụ; thực hiện tốt quản lý đô thị theo quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Nhìn tổng thể, thành phố có 10/13 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết năm 2011 đã đề ra. Kinh tế tiếp tục duy trì ổn định, văn hoá có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được quan tâm, củng cố, kiện toàn, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng trên cả 3 lĩnh vực: chính trị, tư tưởng và tổ chức; có trên 80% TCCS Đảng được công nhận TS-VM; công tác xây dựng chính quyền, MT, đoàn thể được quan tâm và nâng lên về chất lượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 12,2%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 24,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,13%. Toàn thành phố có 25 trường đạt chuẩn quốc gia. Thành phố là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hiện nay, toàn thành phố có trên 99% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt, hơn 98% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...Năm 2011, thành phố tỉnh lỵ đã góp phần với tỉnh làm nên thành công của cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội khoá XIII và các hoạt động liên quan đến lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ nhất...

 

 

Người dân thành phố Hòa Bình hân hoan thưởng thức màn bắn pháo hoa

trong đêm chào mừng thành công Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh.

(ảnh HD)

 

20 năm tái lập tỉnh với những thành tựu đáng kể và thành phố Hoà Bình cũng hoà mình vào bước phát triển lớn lao đó. Đêm nay, thành phố rực rỡ muôn ngàn sắc tía, khi đường phố được trang hoàng cờ hoa, đèn đường lộng lẫy. Thành phố đang bước  vào mùa xuân 2012 với hành trang đã “nên tấm, nên món” thực sự. Đi trong lòng thành phố, những ai yêu thành phố này thấy tĩnh tâm, yên bình và chút gì đó tự hào nhen lên khe khẽ. Thành phố Hoà Bình đã có sức vóc, bản sắc rõ ràng nơi miền Tây Bắc của Tổ quốc.

    

 

                                                                      Bùi Huy Quang

 

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục