Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 528.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 193 triệu ca, trong đó trên 4,15 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 51.700 ca), Indonesia (49.509 ca) và Brazil (49.222 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.449 ca), Brazil (1.326 ca) và Nga (796 ca).

Như vậy, sau một thời gian giảm, số ca mắc mới ở Mỹ lại tăng và đứng đầu thế giới. Trong khi đó, với 1.449 ca tử vong, số ca tử vong ở Indonesia trong 24 giờ qua cao nhất từ trước tới nay.


Người dân được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 gần Manaus, bang Amazonas, Brazil ngày 9/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh số ca mắc mới bệnh COVID-19 đang tiếp tục tăng lên trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rằng làn sóng lây nhiễm và tử vong mới đã bắt đầu, đồng thời cho rằng thế giới đang sử dụng vaccine chưa hợp lý.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh lẽ ra đại dịch COVID-19 có thể đã được kiểm soát nếu vaccine được phân bổ công bằng hơn. Tiến sĩ Ghebreyesus cho rằng vaccine là công cụ mạnh mẽ và thiết yếu trong cuộc chiến chống lại đại dịch nhưng thế giới đang "phung phí" nguồn lực này khi các nước giàu và các công ty chưa phân phối vaccine một cách công bằng và hợp lý.

Theo ông Ghebreyesus, các chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai nhằm bảo vệ người dân trên toàn thế giới nhưng hiện mới có 1% dân số ở những quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. 

Do đó, để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19, Tiến sĩ Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ nên chia sẻ vaccine trên toàn cầu và các công ty cần thực hiện đầy đủ những cam kết đã đưa ra về phân phối vaccine. Ông cũng chỉ ra các cách thức để tăng cường sản xuất vaccine, trong đó có việc chia sẻ bí quyết và công nghệ với các công ty khác có khả năng sản xuất hoặc miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với một số sản phẩm nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.

Tổng số ca mắc tại Indonesia đã vượt mức 3 triệu 


Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Indonesia, ngày 22/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã vượt 3 triệu ca kể từ khi nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á này cũng trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Ngày 22/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 49.509 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 3.033.339 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 79.032 ca sau khi có thêm 1.449 người không qua khỏi, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Tới nay, hơn 2,39 triệu bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục.

Indonesia có số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Virus SARS-CoV-2 đã lây lan đến tất cả 34 tỉnh của đất nước. Số ca mắc tăng cao chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn. Thủ đô Jakarta là khu vực có nhiều ca mắc nhất, trong khi Đông Java có số ca tử vong cao nhất.

Chính phủ Indonesia mới đây đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại hòn đảo đông dân nhất Java và hòn đảo nghỉ dưỡng Bali, cũng như 15 thành phố và khu vực khác bên ngoài hai hòn đảo trên cho đến ngày 25/7. Ban đầu, lệnh này dự kiến có hiệu lực từ ngày 3-20/7. Biện pháp này yêu cầu người lao động trong các lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà, các trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm phải đóng cửa và các nhà hàng ngừng phục vụ trong nhà.

Lào ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay 

Bộ Y tế Lào ngày 22/7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 256 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay.  

Theo Bộ Y tế Lào, trong số các ca nhiễm mới có tới 254 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay chủ yếu tại tỉnh Savannakhet với 128 ca và 2 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Champasak.

Được biết, hai ngày gần đây, tỉnh Savannakhet ghi nhận gần 200 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh. Hiện tại, tỉnh này tiếp nhận chủ yếu là lao động từ Thái Lan trở về.

Trước tình hình số ca bệnh là người nhập cảnh tiếp tục tăng cao, Savannakhet đã đặt giờ giới nghiêm, phạt nặng trường hợp vi phạm quy định phòng dịch.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.119 ca nhiễm COVID-19 và 5 người tử vong.

Tổng số ca nhiễm tại Campuchia đã vượt 70.000 ca 

Campuchia vẫn đang nỗ lực ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới không ngừng tăng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này vượt con số 70.000 ca trong ngày 22/7.

Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 811 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong đó có 300 ca nhập cảnh và 511 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca nhập cảnh mắc COVID-19 ở mức cao làm tăng đáng kể số ca mắc bệnh được công bố mỗi ngày tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan, cùng với đó là nỗi lo biến thể Delta xâm nhập cộng đồng từ những người nhập cảnh trốn cách ly.

Bộ trên cũng công bố có thêm 20 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 1.118 ca.

Thủ tướng Nhật Bản đàm phán với Pfizer về giao sớm vaccine

Truyền thông Nhật Bản ngày 22/7 đưa tin Thủ tướng nước này Suga Yoshihide đang chuẩn bị đàm phán trực tiếp với ông Albert Bourla - Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Pfizer - sớm nhất là trong tuần này, về việc giao sớm 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. 

Báo chí Nhật Bản dẫn các nguồn tin từ chính phủ nước này tiết lộ Thủ tướng Suga dự định sẽ gặp trực tiếp ông Bourla ở thủ đô Tokyo.

Israel thắt chặt các biện pháp kiểm soát

Ủy ban Bộ trưởng thuộc Chính phủ Israel ngày 22/7 đã đưa ra đề xuất tái áp dụng chương trình Thẻ Xanh nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng, đặc biệt là do biến thể Delta.

Theo đó, chỉ có những người đã tiêm vaccine, bình phục sau lây nhiễm hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính mới được có mặt tại các sự kiện có trên 100 người tham gia, dù được tổ chức ở trong nhà hay ngoài trời. Bên cạnh đó, người dân cũng cần xuất trình Thẻ Xanh nếu muốn vào tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, tới phòng tập thể dục, nhà hàng, hội nghị, điểm du lịch và cơ sở tín ngưỡng.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh số ca lây nhiễm hàng ngày ở mức tương đối cao, trên 1.000 người/ngày. Tuy nhiên, Israel đánh giá mức tăng không ở mức báo động, nhờ hơn 80% dân số đã được tiêm vaccine và chương trình tiêm chủng đang tiếp tục được thúc đẩy, nhất là ở trẻ em. Hiện Israel có hơn 9.600 bệnh nhân COVID-19, trong đó chỉ có 72 ca nặng, trong tổng số hơn 9 triệu dân.

Các đề xuất trên sẽ được đệ trình lên chính phủ xem xét thông qua tại cuộc họp ngày 25/7 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 29/7. Trong tình hình hiện nay, nhiều khả năng các đề xuất này sẽ nhanh chóng được Chính phủ thông qua để chính thức triển khai.

Hơn một nửa số người trưởng thành ở châu Âu tiêm phòng đầy đủ

Ngày 22/7, Liên minh châu Âu (EU) cho biết 200 triệu người dân châu Âu đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, chiếm hơn một nửa số người trưởng thành ở khối này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Dana Spinant cho biết căn cứ vào dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, 54,7% số người trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ với 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine của hãng Johnson&Johnson. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tiêm đầy đủ cho 70% người trưởng thành vào mùa Hè này. Trong khi đó,  68,4% số người trưởng thành trong EU đã tiêm mũi vaccine đầu tiên. 

EU bắt đầu thực hiện chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 chậm hơn so với Anh và Mỹ do thiếu nguồn cung vaccine. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 10/7 thông báo rằng EU có đủ lượng vaccine để tiêm cho ít nhất 70% người trưởng thành trong tháng này. 

Theo số liệu chính thức của hãng tin AFP, trên 440 triệu liều vaccine đã được sử dụng ở EU, tức là 98,4 liều/100 người trong khi tỉ lệ này ở Mỹ là 102,4/100 người.

Trên 4 triệu trẻ em ở Mỹ đã mắc COVID-19

Trên 4 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.

Theo một báo cáo mới nhất của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng, tính đến ngày 15/7, đã có gần 4,09 triệu trẻ em mắc COVID-19. Sau khi số ca mắc được báo cáo hàng tuần trong vài tháng qua đã giảm, quốc gia này lại bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trở lại trong tháng 7.

Chỉ trong một tuần (tính đến hết ngày 15/7), đã có hơn 23.500 ca mắc COVID-19 là trẻ em. Tính tổng thể, trẻ em chiếm 14,2% tổng số ca mắc COVID-19 trong cả nước. Theo báo cáo trên, trẻ em chiếm từ 1,3 đến 3,6% tổng số ca nhập viện và 0 đến 0,26% tổng số ca tử vong do COVID-19.

Các số liệu của AAP cho rằng mặc dù cho đến thời điểm này, có vẻ như các ca nặng do COVID-19 là rất hiếm gặp ở trẻ em, song vẫn rất cần phải thu thập thêm dữ liệu về các tác động lâu dài hơn của đại dịch với đối tượng này, bao gồm cả những cách mà virus có thể gây hại đến sức khỏe thể chất lâu dài của những trẻ em nhiễm bệnh, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc.

Trong khi đó, theo một báo cáo của hãng tin CNN, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 6 vừa qua. Trong khi các ca lây nhiễm mới chủ yếu xảy ra ở nhóm đối tượng người trưởng thành chưa tiêm phòng vaccine, nhiều trẻ em - trong đó đa số chưa đủ điều kiện để được tiêm phòng - bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng trẻ em sẽ phải "gánh chịu" dịch bệnh nếu những người Mỹ trưởng thành không tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trả lời phỏng vấn CNN, Giáo sư Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới tại Đại học Y Baylor cho biết: "Dường như virus này không nhằm vào trẻ em, mà chỉ là quá nhiều người không tiêm vaccine sẽ nhiễm biến thể Delta có nguy cơ lây lan nhanh, nên trẻ em bị cuốn theo".

Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm chủng, theo đó nước này cân nhắc đưa trẻ dưới 12 tuổi vào diện tiêm vaccine phòng COVID-19 vào trước cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới. 

Châu Phi tiếp nhận 400 triệu liều vaccine Johnson&Johnson vào tuần tới 

Đặc phái viên của Liên minh châu Phi về đại dịch COVID-19, Strive Masiyiwa cho biết khu vực này sẽ bắt đầu tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng Johnson&Johnson gồm 400 triệu liều vào tuần tới. 

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Masiyiwa cho biết lô vaccine này sẽ được dùng để tiêm cho một nửa trong khoảng 800 triệu người đang cần được tiêm vaccine ở châu lục này. Ngoài ra, khoảng 6 triệu liều vaccine sẽ được chuyển giao cho 27 quốc gia ở châu Phi đã trả tiền cho phần vaccine của mình, cho đến hết tháng 8, với 18 nước khác đang hoàn tất các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức cho vay toàn cầu khác trước khi tiến hành thanh toán. Các đợt giao vaccine sẽ tăng trung bình 10 triệu liều/tháng, bắt đầu từ tháng 9, tăng lên 20 triệu liều vào tháng 1/2022 cho đến khi hoàn tất đơn đặt hàng vào tháng 9/2022. Phần vaccine thiếu còn lại sẽ được cung cấp thông qua Cơ chế COVAX hay viện trợ song phương từ các quốc gia phát triển như Mỹ.

Đến nay, khoảng 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng ở châu lục có 1,3 tỉ dân này.

Nam Phi đặt mục tiêu tiêm hơn 50 dân số trước Giáng sinh 

Quan chức của Bộ Y tế Nam Phi cho biết nước này đặt mục tiêu 35 triệu trong tổng số 60 triệu người dân sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 vào trước Giáng sinh năm nay. Theo ông Nicholas Crisp, quan chức phụ trách giám sát chương trình tiêm chủng quốc gia, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã phân bổ hơn 250.000 liều vaccine trên khắp cả nước. Cho đến nay, khoảng 5,8 triệu liều vaccine, bao gồm của Johnson & Johnson  và Pfizer, đã được phân bổ tại nước này. 

Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 tại châu Phi với số ca mắc cũng như tử vong cao nhất và nước này đang vật lộn với làn sóng dịch thứ ba. Theo ông Crisp, có khoảng 25.000 liều vaccine phòng COVID-19 đã bị đánh cắp hoặc phá hủy trong các vụ bạo loạn xảy ra hồi tuần trước. Tuy không nhiều, song ông cho rằng mỗi liều vaccine bị mất đi là một cơ hội tiêm chủng bị bỏ lỡ. Ông  Crisp nêu rõ hiện Nam Phi có đủ vaccine để tiêm chủng trong khoảng 15 ngày, song nước này tin rằng có thể tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và sẽ không thiếu loại dược phẩm này khi nguồn cung được đảm bảo từ nay đến cuối tháng 10 tới.

Tổng thống Tunisia yêu cầu quân đội giám hoạt động chống dịch

Tổng thống Tunisia Kais Saied đã ra lệnh quân đội giám sát việc ứng phó với đại dịch COVID-19, trong bối cảnh quốc gia này đang trải qua một trong những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất châu Phi. 

Tổng thống Saied nêu rõ lực lượng quân y sẽ chịu trách nhiệm ứng phó dịch COVID-19. Các bác sĩ quân y bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở những vùng xa xôi của Tunisia, trong khi xe tải quân sự tiến hành vận chuyển oxy đến những khu vực trung tâm và Tây Bắc đất nước.

Hiện Tunisia cũng quyết định đóng cửa một số bãi biển ven Địa Trung Hải, động thái được coi là một đòn giáng mới vào ngành du lịch đang kiệt quệ.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục