Sau khi Trung Quốc tái mở cửa, Goldman Sachs cho rằng Hong Kong, Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu "nhập khẩu" du lịch Trung Quốc quay trở lại mức của năm 2019.


Khách du lịch Trung Quốc tại Hong Kong.

Trong những năm trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc là nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng nhất thế giới. 155 triệu khách du lịch từ đất nước này đã chi hơn 250 tỷ USD ngoài biên giới vào năm 2019.

Sự hào phóng đó đã giảm nhanh chóng trong ba năm qua khi Trung Quốc về cơ bản đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, khi nước này mở cửa trở lại vào ngày 8/1, hàng triệu khách du lịch đã sẵn sàng bung ra khắp thế giới, làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của ngành khách sạn toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, mặc dù du lịch quốc tế có thể không ngay lập tức trở lại mức trước đại dịch, nhưng các công ty, ngành công nghiệp và quốc gia phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2023.

Theo chuyên gia Steve Saxon, một đối tác tại văn phòng Thâm Quyến của McKinsey, Trung Quốc đón trung bình khoảng 12 triệu hành khách đi máy bay mỗi tháng vào năm 2019, nhưng con số đó đã giảm 95% trong những năm COVID. Ông dự đoán rằng con số này sẽ phục hồi lên khoảng 6 triệu mỗi tháng vào mùa hè năm nay, được thúc đẩy bởi niềm đam mê du lịch bị dồn nén của những người Trung Quốc trẻ tuổi, giàu có.

Trong số đó có Emmy Lu, làm việc cho một công ty quảng cáo ở Bắc Kinh. "Tôi rất vui. Vì đại dịch, tôi chỉ có thể lang thang trong nước mấy năm qua. Thật khó khăn",Lu nói với CNN.

"Tôi đã bị mắc kẹt trong nước hơi lâu. Tôi thực sự mong chờ việc dỡ bỏ các hạn chế để tôi có thể đi đâu đó vui vẻ!", người phụ nữ 30 tuổi nói và cho biết thêm rằng cô muốn đến Nhật Bản và Châu Âu nhất.

Sau khi Trung Quốc thông báo sẽ không bắt buộc khách du lịch trong nước phải cách ly kể từ ngày 8/1/2023, bao gồm cả những cư dân trở về từ các chuyến đi nước ngoài, lượt tìm kiếm các chuyến bay quốc tế và chỗ ở ngay lập tức đạt mức cao nhất trong ba năm trên Trip.com.

Theo dữ liệu từ trang web du lịch Trung Quốc, lượng đặt chỗ cho các chuyến du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, rơi vào khoảng thời gian từ ngày 21 đến ngày 27/1 năm nay, đã tăng 540% so với một năm trước. Chi tiêu trung bình cho mỗi lần đặt phòng đã tăng 32%.

Các điểm đến hàng đầu là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong; Mỹ và Vương quốc Anh cũng nằm trong top 10.

Alex Loo, chiến lược gia vĩ mô của TD Securities, cho biết: "Sự tích tụ nhanh chóng của tiền gửi [ngân hàng] trong năm qua cho thấy các hộ gia đình ở Trung Quốc đã tích lũy được một lượng tiền mặt đáng kể". Ông cho biết thêm rằng các lệnh phong tỏa thường xuyên có thể dẫn đến hạn chế chi tiêu của hộ gia đình Trung Quốc.

Ông Loo nói, có thể người tiêu dùng Trung Quốc sẽ "chi tiêu trả thù", một xu hướng phản ánh những gì đã xảy ra ở nhiều thị trường phát triển khi được mở cửa trở lại vào đầu năm ngoái.

Ai hưởng lợi?

Đó là tin tốt cho nhiều nền kinh tế đang bị đại dịch vùi dập. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: "Chúng tôi ước tính rằng Hong Kong, Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu "nhập khẩu" du lịch Trung Quốc quay trở lại mức của năm 2019”.

Hong Kong - thành phố được ghé thăm nhiều nhất thế giới với gần 56 triệu lượt khách vào năm 2019, hầu hết từ Trung Quốc đại lục - có thể chứng kiến mức tăng GDP ước tính 7,6% khi xuất khẩu và thu nhập từ du lịch tăng lên. GDP của Thái Lan có thể tăng 2,9%, trong khi Singapore sẽ tăng 1,2%.

Ở những nơi khác trên thế giới, Campuchia, Mauritius, Malaysia, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka, Hàn Quốc và Philippines cũng có thể được hưởng lợi từ sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc, theo nghiên cứu của Capital Economics.

Hong Kong đã phải gánh chịu tác động đặc biệt sâu sắc từ việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc đại lục. Các ngành công nghiệp trụ cột của thành phố là du lịch và bất động sản đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trung tâm tài chính này dự kiến ​​GDP sẽ giảm 3,2% vào năm 2022.

Chính quyền Hong Kong tuần trước công bố có tới 60.000 người sẽ được phép qua biên giới hàng ngày mỗi chiều, bắt đầu 8/1.

Một số quốc gia Đông Nam Á khác phụ thuộc vào du lịch đã duy trì các quy định nhập cảnh tương đối thoải mái đối với du khách Trung Quốc, bất chấp đợt bùng phát COVID-19 kỷ lục đã quét qua nước này trong những tuần gần đây. Đó là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Philippines.

"Đây là một trong những cơ hội giúp chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế", Bộ trưởng Y tế Thái Lan cho biết trong tuần này.

Những nước nào yêu cầu xét nghiệm?

Tuy nhiên, các chính phủ khác thì thận trọng hơn. Cho đến nay, gần một chục quốc gia, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, đã yêu cầu xét nghiệm bắt buộc khách Trung Quốc nhập cảnh.

Liên minh châu Âu (EU) tuần trước cũng "khuyến khích mạnh mẽ” các quốc gia thành viên của mình yêu cầu xét nghiệm COVID-19 âm tính đối với du khách từ Trung Quốc trước khi đến.

CDC Mỹ thậm chí yêu cầu xét nghiệm nước thải từ máy bay giữa lo ngại COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc

Ông Saxon, người đứng đầu hoạt động du lịch của McKinsey ở châu Á, cho biết rõ ràng có "xung đột” giữa các cơ quan quản lý du lịch với các quan chức chính trị và y tế ở một số quốc gia.

Các hãng hàng không và sân bay đã bác bỏ các khuyến nghị của EU về các yêu cầu xét nghiệm. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nhóm vận động hành lang toàn cầu của ngành hàng không, cùng với các sân bay do ACI Europe cũng như Airlines for Europe đại diện, đã đưa ra một tuyên bố chung hôm 5/1, gọi động thái của EU là "đáng tiếc” và "một phản ứng tức thời”.

Nhưng họ hoan nghênh khuyến nghị bổ sung về kiểm tra nước thải như một cách xác định các biến thể mới của virus gây COVID-19, nói rằng đây nên là một giải pháp thay thế cho việc xét nghiệm hành khách.

Hồi phục hoàn toàn?

Theo các nhà phân tích, bên cạnh những hạn chế, sẽ cần thời gian để du lịch quốc tế phục hồi hoàn toàn vì nhiều người Trung Quốc phải gia hạn hộ chiếu và xin lại thị thực.

Lu cho biết cô vẫn đang xem xét kế hoạch du lịch của mình, cân nhắc các yêu cầu xét nghiệm khác nhau và giá vé máy bay cao. "Các hạn chế là bình thường, bởi vì mọi người đều muốn bảo vệ người dân ở đất nước của họ", cô nói. "Tôi sẽ chờ xem liệu một số chính sách có được nới lỏng hay không.”

Còn Liu Chaonan, 24 tuổi ở Thâm Quyến, cho biết ban đầu cô muốn đến Philippines để đón Tết Nguyên đán, nhưng không có thời gian để xin thị thực. Vì vậy, cô chuyển sang Thái Lan, nơi cung cấp giấy phép điện tử nhanh chóng và dễ dàng.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Mục đích chuyến thăm Trung Đông mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ đã bắt đầu 3 ngày ngoại giao khó khăn ở Trung Đông, với hy vọng tạm dừng cuộc xung đột ở Dải Gaza, vốn đang gây thương vong nặng nề cho dân thường và kích động tình cảm chống Israel ở Mỹ, làm phức tạp thêm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục