Việc chính quyền Tổng thống Trump xem xét rút khỏi các tổ chức quốc tế làm dấy lên lo ngại rằng các cơ quan tài chính toàn cầu có thể mất dần vai trò và ảnh hưởng, trong bối cảnh thế giới đối mặt nguy cơ khủng hoảng tài chính mới do thiếu vắng vai trò điều phối của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 2/5, theo Politico, hệ thống tài chính toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua vận hành không dựa vào quyền lực cưỡng chế hay sức mạnh quân sự, mà chủ yếu dựa trên sự đồng thuận giữa các quốc gia, lòng tin và uy tín chuyên môn của các cơ quan điều phối. Mỹ từ lâu đã đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng các chuẩn mực tài chính quốc tế, thông qua Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng, Hội đồng Ổn định Tài chính và Tổ chức IOSCO.
Tuy nhiên, sắc lệnh hành pháp ngày 3/2 của Tổng thống Trump yêu cầu rà soát tư cách thành viên của Mỹ tại "mọi tổ chức quốc tế” trong vòng 180 ngày. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết Washington muốn xây dựng một "hệ thống kinh tế quốc tế bền vững” phục vụ lợi ích Mỹ, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tìm cách cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thay vì rút hoàn toàn. Dù vậy, chưa rõ liệu lập trường này có được áp dụng với các tổ chức như Basel hay Hội đồng Ổn định Tài chính - vốn không có quyền thực thi - hay không.
Chính quyền Trump cũng đang đẩy mạnh chương trình cắt giảm quy định trong lĩnh vực tài chính. Việc triển khai bộ tiêu chuẩn Basel III - gói cải cách được xây dựng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - vốn đã bị trì hoãn dưới thời Tổng thống Joe Biden, nay gần như bị đình lại hoàn toàn. Giới tài chính Mỹ kỳ vọng một phiên bản điều chỉnh với mức độ nhẹ nhàng hơn sẽ được áp dụng thay thế.
Việc Mỹ tạm dừng và chậm triển khai các tiêu chuẩn quốc tế đã ảnh hưởng đến các khu vực khác. Anh và Liên minh châu Âu (EU) đều trì hoãn một phần việc thực thi quy định Basel III, chờ xem quyết định của Washington. Nếu Mỹ từ chối tham gia, tính hợp pháp của các quy tắc toàn cầu sẽ bị suy yếu.
Nhiều quan chức quốc tế thừa nhận rằng nguy cơ Mỹ rút lui hoàn toàn khỏi các thể chế tài chính toàn cầu là một mối đe dọa nghiêm trọng. Một số cho biết các tổ chức xây dựng chuẩn mực tài chính không có quyền lực cưỡng chế, mà chỉ dựa vào sự tự nguyện và cam kết của các quốc gia thành viên. Việc một cường quốc do dự hoặc rút lui có thể tạo hiệu ứng dây chuyền, khiến các nước khác giảm mức độ tuân thủ hay xem xét lại cam kết của mình.
Theo giáo sư Thorsten Beck, Giám đốc trường Ngân hàng và Tài chính Florence (Viện Đại học châu Âu), dù chưa thể khẳng định Mỹ sẽ rút hoàn toàn, nhiều khả năng Washington sẽ "ít quan tâm hơn tới các cuộc thảo luận quốc tế” và tập trung vào lợi ích riêng. Hệ quả là hệ thống tiêu chuẩn tài chính toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng phân mảnh, khiến các doanh nghiệp phải tuân thủ các bộ quy tắc khác nhau ở từng quốc gia.
Nếu Mỹ rút lui, các tổ chức quốc tế có nguy cơ trở thành những "diễn đàn hình thức", thiếu thực quyền và ảnh hưởng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc sẽ có cơ hội mở rộng vai trò trong việc thiết lập và thúc đẩy các quy tắc tài chính quốc tế. Theo giáo sư Thorsten Beck, mối đe dọa nghiêm trọng nhất sẽ xuất hiện khi thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Khi đó, nếu thiếu sự tham gia của Mỹ, các cơ quan giám sát toàn cầu sẽ gặp khó khăn trong việc phối hợp và phản ứng kịp thời - những yếu tố vốn dựa trên nền tảng của lòng tin và mối quan hệ đối tác bền chặt giữa các quốc gia.
Theo Báo Tin tức
Theo tờ Kyiv Independent, ngày 28/4, phía Mỹ và Ukraine đã ngay lập tức lên tiếng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố về một lệnh ngừng bắn trong tháng 5.
Sau 100 ngày, Tổng thống Donald Trump có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong số các tổng thống Mỹ suốt 80 năm qua, theo một cuộc khảo sát mới của ABC/Washington Post.
Trưởng Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ chi nhánh Gaza, ông Jonathan Whittall, cho rằng việc Israel phong tỏa đang làm làm tê liệt các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở Gaza.
Hoạt động thương mại toàn cầu đang đối mặt với những bất ổn lớn do những tuyên bố trái chiều từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc về các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Số lượt khách tham quan Triển lãm Thế giới World Exposition tại Osaka (Nhật Bản) đã vượt mốc 1 triệu sau 13 ngày mở cửa, tính đến ngày 25/4.
Thái Lan sẽ tiến hành thử nghiệm hệ thống cảnh báo thảm họa trên điện thoại di động vào tháng 5 tới, giới chức nước này cho biết hôm 23/4.