Ngày 1-3, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã sang Brussels (Bỉ) viếng “thủ đô” của EU, trước khi sang Nga hôm 5-3. Giữa hai chuyến đi đó của ông Yanukovych là chuyến đi Pháp mua tàu đổ bộ của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev. Các sự kiện này khởi đầu một thay đổi lớn ở châu Âu.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych được đón tiếp  tại Nga ngày 5-3 - Ảnh: Reuters

Tân Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, người được xem là thân Nga, đã chọn Brussels làm điểm đến đầu tiên của mình. Bốn ngày sau, ông mới sang Nga “chào sân”. Một chọn lựa lịch trình đầy ý nghĩa: EU trước, Nga sau, ông không... “thân Nga” (đến mức) như người ta có thể nghĩ.

“Phương trình ngoại giao" của tân Tổng thống

Giữa lòng EU, ông Yanukovych đã khẳng định “ưu tiên của Ukraine sẽ là hội nhập EU, cùng với sự phát triển quan hệ hữu nghị và xây dựng với Nga cũng như các nước láng giềng và với Hoa Kỳ, một đồng minh chiến lược”.

Hoa Kỳ có là “đồng minh chiến lược” hay không, thời gian sẽ trả lời, song trước mắt đã có một “đồng minh chiến lược” khác đủ lớn để Ukraine, từ nay do ông Yanukovych lãnh đạo, chọn ngã rẽ. Ngay tại thành phố Brussels mà NATO đóng trụ sở, ông Yanukovych nhấn mạnh Ukraine sẽ không còn là ứng viên gia nhập khối NATO nữa.

Có thể thấy “phương trình ngoại giao” của tổng thống Ukraine thời kỳ hậu cách mạng cam khác hẳn so với tổng thống của cuộc cách mạng cam là ông Viktor Yushchenko. Với ông Yushchenko, Ukraine chọn EU và NATO, quay lưng lại với Nga, trong khi trước đó mới một thập niên rưỡi Ukraine còn dính với Nga bằng một sợi dây cuống rốn. Nhưng ông Yanukovych lại tống tiễn NATO, đón chào Nga. Từ phương trình của ông Yushchenko của cuộc cách mạng cam vắn số đó, vẫn còn sót lại EU.

Trong bối cảnh thập niên thứ nhì này của thế kỷ 21, khi cùng nằm bên bờ biển Đen với Nga mà dính hẳn như thời còn Liên bang Xô viết chính là điều bất khả, mà đoạn tuyệt hẳn như dưới trào ông Yushchenko lại là một điều bất khả khác. Và trong chiều nào tính bất khả đó cũng liên quan đến sự tồn vong của Ukraine. Điều đó giải thích việc ông Yanukovych xóa NATO ra khỏi chính sách ngoại giao của mình, thay vào đó là Nga, cùng với EU trong một thế thăng bằng nào đó ở lưng chừng giữa hai cực bất khả này. Vấn đề là làm sao xác định thật chính xác điểm “lưng chừng” đó.

Làm sao đu dây?

Trên lý thuyết, các quốc gia đều bình đẳng với một cái ghế đại diện ở Liên Hiệp Quốc, có khi cả một cái ghế Hội đồng Bảo an, cũng như trong các tổ chức quốc tế khác. Thế nhưng đó chỉ là những cái ghế bốn chân. Còn để vững vàng trong quan hệ đối ngoại, phải tự lực cánh sinh được trong thế giới phẳng của thế kỷ 21.

Thế giới phẳng đó và luật chơi của nó là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tạo ra một thị trường lao động mới khác hẳn với sự phân công lao động ngày nào của khối COMECON và của Liên bang Xô viết cũ, trong đó Ukraine “an phận” với dư thừa lúa mì nhưng thiếu hụt năng lượng “bẩm sinh”. Ukraine tham gia WTO từ năm 2008, trong khi Nga còn đứng ngoài. Điều đó có nghĩa Ukraine nay dễ xoay xở hơn Nga trong kinh doanh và dịch vụ, trong khi Nga vẫn còn chịu hàng rào thuế quan.

Thế nhưng, Ukraine vẫn chưa đóng tròn vai thành viên WTO này. Lẽ ra khi đã bắt đầu “ra riêng” vào cuối năm 1991, Ukraine phải lần hồi tự lực cánh sinh bằng đa dạng hóa sản xuất. Bên cạnh đó, EU mà Ukraine hướng đến, nhất là dưới trào ông Yushchenko, không thể “bù lỗ” cho Ukraine được, nên Ukraine vẫn phải duy trì tỉ lệ xuất nhập khẩu quá nghiêng về Nga (xuất 23,2%, nhập 22,5%).

Khi xuất nhập khẩu với một nước chiếm đến gần 1/4 cán cân thương mại quốc tế thì tính tùy thuộc rất lớn, và một đầu cân có ngả tự nhiên về phía nước ấy là chuyện đương nhiên. Nhìn vào danh sách bạn hàng lớn của Ukraine, sẽ thấy ngay tính “địa phương” này của thương mại Ukraine, không mở rộng mấy ra bên ngoài khuôn khổ khu vực (xem bảng).

Khi cứ nhập siêu với láng giềng gần thì đó chính là “cống nạp”. Khi không có những nguồn xuất nhập khẩu khác để cân bằng thì vẫn là “dưới trướng”. Hiềm một nỗi Ukraine vẫn còn phải lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Gần 20 năm sau khi tách ra khỏi Liên bang Xô viết, Ukraine vẫn chưa vượt ra khỏi khuôn khổ của các mối quan hệ buôn bán cũ, mang tính láng giềng (sát bên và gần).

Với WTO, một quốc gia biết khôn vẫn có thể vượt qua các ưu khuyết bẩm sinh. Như Ấn Độ vẫn là nước nông nghiệp, quá đông dân, nhưng vẫn có thể vượt qua hàng rào chậm tiến để trở thành một cường quốc gia công phần mềm.

Không thể đơn giản nói “Tại sao không biết đu dây?” như đã có thể trách cựu tổng thống Yushchenko. Vấn đề là muốn đu dây được thì phải tự mình “cắt cuống rốn”, phải biết tự lực cánh sinh bằng cách thay đổi cơ cấu và thói quen sản xuất, chi tiêu. Ông Yushchenko ngây thơ tin rằng cuộc cách mạng cam có thể quý báu đến mức EU và NATO bảo bọc được đất nước mình. Thế là cứ mỗi mùa đông, Ukraine lại giá rét vì bị Nga cắt khí đốt, đòi bán theo giá thị trường.

“Với một chiếc tàu cỡ chiếc Mistral này, hạm đội Biển Đen có thể hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong vòng 40 phút thay vì 26 giờ như đã thấy”  - đô đốc tư lệnh hải quân Nga Vyssotski (Le Figaro 25-11-2009) - Ảnh: naval.com

Kinh nghiệm đau thương của Gruzia

Tan nát sau cuộc chiến tranh năm ngày tháng 8-2008 với Nga chưa phải là nỗi đau lớn nhất cho Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili. Đau đớn nhất chính là một năm một tháng sau cuộc chiến tranh ấy, đồng minh EU lại “khách quan” công bố một bản phúc trình, theo đó chính Gruzia, tức Tổng thống Saakashvili, chứ không ai khác đã khởi sự cuộc chiến tranh này (1).

Mọi hi vọng được cứu rỗi từ đồng minh EU của ông Saakashvili tan như bong bóng xà phòng. Cũng như cựu tổng thống Yushchenko của Ukraine, Tổng thống Gruzia Saakashvili đã chọn phương trình thay Nga bằng EU và NATO. Cuộc cách mạng cam và tổng thống Yushchenko cũng vì thế mà tan tác!

Cũng chính do EU đã phán rằng Gruzia gây chiến chứ không phải Nga mà hôm 3-3 vừa qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có thể thản nhiên ký hợp đồng bán cho Nga một lúc bốn chiếc tàu đổ bộ mà không bị lương tâm cắn rứt. Câu hỏi truy vấn “Làm thế nào lại bán vũ khí siêu hạng ấy cho Nga?” đã có sẵn câu trả lời là bản phúc trình của EU!

Câu hỏi tiếp theo “Làm thế nào mà một nước thành viên NATO lại bán vũ khí độc địa cho Nga?”. Câu trả lời của quốc vụ khanh đặc trách châu Âu của Pháp Pierre Lelouche là: “Nếu châu Âu muốn khép lại trang sử thời chiến tranh lạnh thì không thể vừa tiếp tục cấm vận Nga vừa khẳng định Nga là bạn và đối tác của mình. Lợi ích chiến lược của ngày hôm nay còn quan trọng hơn những bất đồng của ngày hôm qua”. Quá đủ.

Ai bán vũ khí cũng đều đủ lý lẽ. Người ta có thể ung dung bán cho bên này 200 chiếc Su-30 (2) mà vẫn thản nhiên bán cho bên kia một tá! Ở miền nam nước Pháp khu vực Provence, dân chúng ngại ngọn gió Mistral bất chợt đêm hè thổi xuống lạnh run! Mistral cũng chính là tên của chiếc tàu đổ bộ Pháp bán cho Nga. “Gió đã xoay chiều” trên biển Đen.

Năm 2008

Các bạn hàng lớn nhất

Trị giá

Xuất khẩu

Nga 23,2%, Thổ Nhĩ Kỳ 6,8%, Ý 4,3%

67,72 tỉ USD

Nhập khẩu

Nga 22,5%, Ðức 8,3%, Turkmenistan 6,5%,
Trung Quốc 6,5%, Ba Lan 5%

83,81 tỉ USD

 (Nguồn: cia world factbook)

                                                                                            Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Scotland (Anh) có Thủ hiến mới

Chính trị gia kỳ cựu John Swinney ngày 7/5 trở thành Thủ hiến mới của vùng Scotland sau khi được cơ quan lập pháp Scotland (SP) bầu với tỷ lệ 64 phiếu thuận, 57 phiếu chống và 7 phiếu trắng.

Ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ 5

Ông Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 5 trong buổi lễ diễn ra ở Điện Kremlin vào 12h ngày 7/5 theo giờ Moscow (tức 16h theo giờ Việt Nam).

Italy: 5 công nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn lao động trên đảo Sicily

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 6/5, đã có 5 công nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn tại một nhà máy xử lý nước thải ở thị trấn casteldaccia, cách thành phố Palermo trên đảo Sicily 20 km.

Gần 70.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Brazil

Ngày 5/5, Cơ quan Phòng vệ Dân sự Brazil cho biết lũ lụt, lở bùn và mưa bão đã buộc gần 70.000 người phải sơ tán và khiến ít nhất 356.000 người chịu cảnh mất điện tại miền Nam nước này.

Chặng đường nhiều thành tựu của EU

Nhiều hoạt động được tiến hành nhằm kỷ niệm 20 năm ngày Liên minh châu Âu (EU) kết nạp thêm 10 nước thành viên, sự kiện đánh dấu đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử của khối. Nhìn lại chặng đường đã qua, sự mở rộng nhanh chóng của EU tạo ra nhiều thành tựu, song cũng kéo theo không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị, kinh tế... hiện thay đổi nhiều so với 20 năm trước với hàng loạt nguy cơ rình rập.

WHO kêu gọi đạt được thỏa thuận toàn cầu về đại dịch trước thời hạn chót

Ngày 3/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước nhất trí một thỏa thuận nhằm đối với với các đại dịch trong tương lai, trong bối cảnh tháng này là thời hạn chót cho đàm phán.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục