Chiều 11-1, Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị mức án 14-15 năm tù đối với ông Đinh La Thăng về tội cố ý làm trái, án tù chung thân đối với ông Trịnh Xuân Thanh về hai tội tham ô và cố ý làm trái.



Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa ngày 11-1 - Ảnh: TTXVN/TTO


Chiều nay, phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và các đồng phạm chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS trình bày bản luận tội.

Theo đó, mặc dù biết rõ Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án nhiệt điện lớn nhưng bị cáo Đinh La Thăng, với vai trò của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Thực chất của việc ký kết các hợp đồng EPC 33 và hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ 23 đến 31-5-2011) thông qua việc chi tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.312 tỷ tạm ứng trái quy định. Sau đó, PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền hơn 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho PVN 119 tỷ đồng. Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực kinh nghiệm, tài chính là PVC đã để lại hệ lụy rất lớn.

Bên cạnh đó, để có tiền chi tiêu cá nhân, Trịnh Xuân Thanh cùng với Vũ Đức Thuận đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án nhà máy Quảng Trạch 1, rút số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, hầu hết bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm như cáo buộc. Bị cáo cho rằng trong quá trình triển khai dự án NMNĐ Thái Bình 2, để xảy ra các sai phạm trong việc ký kết hợp đồng và tạm ứng cho PVC là trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện. Bị cáo chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu do sức ép về tiến độ nên nôn nóng , chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ thường xuyên.

Bị cáo Phùng Đình Thực cho rằng, sau này bị cáo mới biết Hợp đồng EPC 33 là không đúng quy định và không chỉ đạo việc tạm ứng tài chính. Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cũng cho rằng chỉ sau này mới biết hợp đồng 33 trái quy định và không chỉ đạo việc chi tạm ứng trái nguyên tắc. 

Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, lời khai của nhân chứng, người liên quan, kết luận giám định cùng các tài liệu chứng cứ khác có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo. 

Mặc dù bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc chỉ đạo dùng sai mục đích tiền tạm ứng; không thừa nhận việc chỉ đạo đề ra chủ trương lập khống hồ sơ thi công để rút và chiếm đoạt tiền của PVC, nhưng căn cứ lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, lời khai của nhân chứng và chữ ký của chính bị cáo trên các tài liệu hợp thức hồ sơ khống có đủ cơ sở quy kết hành vi phạm tội của bị cáo. 

Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định, việc VKS Tối cao truy tố các bị cáo về tội "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Tham ô tài sản" là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Xét tính chất vụ án, nhận thấy vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn PVN và PVC là đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm. 

Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước, được nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý khai thác dầu khí, nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia và thực hiện những dự án trọng điểm của đất nước. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, vì những động cơ khác nhau mà bao trùm lên là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, các bị cáo, đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn và nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần của tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. 

Vì vậy, việc đưa vụ án này ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tệ tham nhũng, lãng phí; thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật và có thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm với bất kỳ ai, dù họ ở cương vị nào. Mọi hành vi vi phạm pháp luật và những hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi. Công lý phải được thực thi, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. 

Trên cơ sở luận tội như trên, mức án đề nghị của VKS với các bị cáo như sau:

1. Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN): 14- 15 năm tù.

2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC): 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tham ô tài sản. Hình phạt chung: Tù chung thân.

3. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN): 12-13 năm tù.

4. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN): 10-11 năm tù.

5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN): 10-11 năm tù.

6. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC): 8-9 năm tù về tội cố ý làm trái; 18-19 năm tù về tội tham ô tài sản. Tổng hợp từ 26-28 năm tù.

7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 10-11 năm tù.

8. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 7-8 năm tù.

9. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.

10. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.

11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 8-9 năm tù.

12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC): 7-8 năm tù.

13. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC): 6-7 năm tù.

14. Trương Quốc Dũng (nguyên phó TGĐ PVC): 17-18 tháng tù.

15. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 18-19 năm tù.

16. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 13-14 năm tù.

17. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 13-14 năm tù.

18. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng): 8-9 năm tù.

19. Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 30- 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm về tội tham ô. Chồng: Nguyễn Thành Quỳnh (cũng là bị cáo trong vụ án).

20. Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch): 30- 36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.

21. Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.

22. Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù treo, thử thách 5 năm.

 

                           TheoHanoimoi

Các tin khác


Người dùng Internet Việt đối mặt với 7 hình thức lừa đảo trực tuyến mới

Ngoài những hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn Thông tin cũng lưu ý người dùng Việt về chiến dịch lừa đảo trực tuyến qua email mới có quy mô quốc tế.

Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) đang xác minh, giải quyết Đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup.

Gọi anh họ đi đòi nợ bằng vũ lực, bị cáo lĩnh 36 tháng tù treo

Ngày 25/3, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Phi Hổ (SN 1989), trú tại An Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Trước đó, Nguyễn Phi Hổ đã cùng anh họ là Nguyễn Quang Trung (SN 1989) cùng trú tại An Tiến, huyện Mỹ Đức bị TAND huyện Lương Sơn xét xử sở thẩm và xử tổng mức hình phạt 78 tháng tù về tội "cướp tài sản”. Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Phi Hổ đã làm đơn kháng cáo xin được lưởng án treo.

Công an tỉnh tiếp nhận hành vi có dấu hiệu vi phạm trật tự an toàn giao thông qua mạng xã hội

Công an tỉnh Hòa Bình ban hành Thông báo số 201/TB-CAT, ngày 22/3/2024 về việc thông báo tiếp nhận những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông thông qua phản ánh của tổ chức, cá nhân.

Huyện Cao Phong tăng cường kiểm sát thi hành án hình sự

Thực hiện công tác kiểm sát thi hành án hình sự (THAHS), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Cao Phong đã quản lý, theo dõi đầy đủ, kịp thời các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, qua đó kiểm sát chặt chẽ hoạt động ra quyết định thi hành án (THA), việc áp giải bị án THA phạt tù, việc theo dõi, quản lý bị án phạt tù nhưng được hưởng án treo, cấp giấy chứng nhận hết thời gian thử thách…

Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ

Thời gian qua, với sự nỗ lực của các ngành chức năng, công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ được tăng cường, nhiều vụ buôn lậu, tàng trữ, chế tạo pháo nổ số lượng lớn được phá kịp thời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục