Rất nhiều vụ trẻ bị xâm hại trong thời gian qua chưa được xử lý bởi chưa đủ chứng cứ, phải mang nỗi đau âm ỉ cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong khi đó, tội ác xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra, ngày càng phức tạp.


Đầu tháng 3.2019, thầy giáo D.T.M, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có hành vi "sờ mông, sờ đùi” nhiều nữ sinh, nhưng công an lại không đủ căn cứ để khởi tố.Ông M chỉ bị xem xét kỷ luật và chuyển công tác.

Sau khi vụ việc xảy ra, hàng loạt ý kiến cho rằng, hành vi sờ soạng học sinh của ông M phải bị xử lý hình sự về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Tương tự, đang nóng nhất dư luận hiện nay là vụ ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, ở TP Đà Nẵng) - cựu Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng có dấu hiệu dâm ô bé gái trong thang máy tại chung cư ở quận 4, TPHCM.Thế nhưng khi được hỏi, ông Linh cho rằng mình chỉ "nựng" bé gái đó.

Việc ông Nguyễn Hữu Linh dùng từ "nựng” để chỉ hành vi của mình với bé gái trong thang máy, theo các chuyên gia là sai về bản chất. Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, diễn biến trong clip cho thấy, hai người không quen biết nhau, người đàn ông này cúi xuống có dấu hiệu muốn hôn em bé, sau đó lại dúi xuống lần thứ 2. Khi em bé thoát dần ra phía cửa, tay trái người đàn ông vẫn quàng em bé, may khi thang máy mở cửa em bé đã thoát ra được. Thỏa mãn nhục dục của mình chính là dấu hiệu của dâm ô.


Luật sư Phạm Thùy Dương nêu quan điểm, phải gọi đích danh hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh là hành vi dâm ô, chứ không thể gọi là "nựng". "Rõ ràng đó là sự tác động rất thô bạo về mặt cơ thể bé gái, để thỏa mãn "thú tính” của người đàn ông. Chúng ta không nhìn thấy sự âu yếm của đối tượng Linh với bé gái. Ông ta chẳng thèm quan tâm đến cảm xúc của đứa trẻ”, luật sư Dương nói.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) khẳng định, đó là hành vi tấn công tình dục. "Tiếng Việt trong sáng lắm, không thể dùng "mỹ từ” nào để bao biện tội danh của mình, vì bản chất là như vậy”.

Cho rằng các quy định về luật pháp của Việt Nam liên quan đến dâm ô còn lỏng lẻo, luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Anh Tuấn mong muốn các cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử thận trọng xử lý dựa trên những căn cứ pháp luật hiện hành, không nên xử lý bằng cảm quan cá nhân.

"Cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều tọa đàm về chủ đề dâm ô, xâm hại, quấy rối tình dục, nhưng đối với loại tội danh này xử lý rất khó, bởi Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng.

Hiện tại, TAND Tối cao dự kiến sẽ soạn thảo bộ hướng dẫn liên quan đến những điều luật này để cơ quan cấp dưới lấy đó làm cơ sở. Tuy nhiên, đây là văn bản giải thích luật, dưới luật, khi áp dụng vào thực tiễn, mỗi địa phương, mỗi trường hợp sẽ có độ vênh nhất định. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần phải có những điều luật cụ thể về vấn đề này”.

Theo kết quả thăm dò ý kiến nhanh trên mạng xã hội của CSAGA, hành vi trong thang máy của người đàn ông nguyên là Viện phó VKSND TP Đà Nẵng với bé gái tại chung cư Galaxy 9 là "nựng” hay "dâm ô”, có đến 97% (trong số 400 ý kiến) cho rằng đây là hành vi dâm ô; 2% cho rằng đây là "nựng”, và 1% cho rằng góc quay của camera chưa đủ để đánh giá hành vi.

Với vụ việc này, nhiều người thắc mắc liệu có "kỳ án” 200.000 đồng trong thang máy nữa không, khi hệ thống luật pháp vẫn còn nhiều lỗ hổng. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tú nêu quan điểm, vụ việc sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TPHCM khác nhau ở chủ thể, địa bàn nhưng ná ná về mặt hành vi.

Nếu đối tượng sàm sỡ bé gái ở TPHCM bị xử lý hình sự, dư luận sẽ đặt câu hỏi liệu cơ quan công an có thu lại quyết định xử phạt hành chính theo Nghị định 167 của Chính phủ với trường hợp ở ngoài Hà Nội không? Nếu vẫn "tồn tại” quyết định xử phạt hành chính với vụ việc ở TPHCM thì pháp luật của chúng ta thể hiện đúng thực trạng đương có. Và, đã đến lúc cần "vá" một số lỗ hổng luật pháp.

Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho Lao Động biết, Pháp luật Hình sự Việt Nam hiện nay quy định có nhóm tội Hiếp dâm, Cưỡng dâm, Dâm ô và Giao cấu, còn hành vi quấy rối tình dục chưa được đề cập rõ ràng. Hiện nay, mới chỉ có Bộ Luật lao động đề cập tới hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Song, bộ luật này cũng chưa có khái niệm cụ thể thế nào là quấy rối tình dục. Trong khi hành vi quấy rối tình dục diễn ra ở mọi nơi như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác, chứ không chỉ ở nơi làm việc và với các mối quan hệ xã hội đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong quan hệ công việc.

Chúng ta chưa có quy định cụ thể, nên việc điều tra, truy tố, xét xử còn rất khó khăn. Điển hình là vụ sàm sỡ nữ sinh 20 tuổi trong thang máy của chung cư Golden Palm. Vì sự thiếu hụt của pháp luật như vậy, nên phải vận dụng quy định luật xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng đó.

Bà Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, nhận thức xã hội đã thay đổi, không phải trước kia ít vụ việc như thế này xảy ra, chỉ có điều có người chưa dám nói ra, không dám nói ra, nhiều người xấu hổ, cố tình che giấu hoặc nghĩ rằng có thể bỏ qua.

Theo bà Lê, đây là một lỗ hổng trong giáo dục, môn Giáo dục công dân có một phần nói đến, môn Sinh học còn e dè, các thầy cô giáo dạy về giáo dục giới tính còn né tránh.

Theo bà Lê, nhiều bộ môn quan trọng nhưng đang bị xem nhẹ trong nhà trường là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất. Trong khi các môn khoa học kỹ thuật, môn Lý, môn Hóa, môn Toán, môn Văn được coi là các môn chính. Nhưng nó sẽ biến học trò thành những con robot, nếu xem trọng khoa học kỹ thuật quá, khiến sự nhân văn, cái nghệ thuật ở trong con người bị giảm đi.

Là người làm giáo dục, suốt mấy chục năm đi dạy, bà Lê cho biết, luôn hướng tới việc truyền đạt cho học sinh, đặc biệt là các bé gái khả năng tự vệ. Lồng ghép vào trong các bài học về vấn đề xâm hại để dạy cho các con.

"Vấn đề này tôi dạy trẻ hàng ngày, trong các bài giảng của mình tôi luôn dạy học sinh kỹ năng mềm như nhìn thẳng, phòng vệ, để các con đánh giá được đối tượng, trong những tình huống nguy hiểm học sinh phải dám nhìn thẳng, phải dám nói những lời mạnh mẽ. Không chống cự được, các con phải nói bằng lời với một thái độ dứt khoát. Khi cần thiết có thể cắn đối tượng, bỏ chạy, hét lên gọi tên người thân”.


Theo Laodong

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục