Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến càng phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép.


Tang vật một vụ buôn lậu pháo số lượng lớn do Công an tỉnh Nghệ An thu giữ. (Ảnh: TTXVN)

Việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao cho nên nhiều đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.

Chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000 kg pháo.

Thời gian gần đây, lợi dụng mạng Internet, tình trạng buôn bán pháo nổ trái phép không chỉ được các đối tượng liên hệ qua điện thoại, mà các giao dịch này còn được thực hiện công khai trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram.

Đáng chú ý, nhằm qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng chủ đầu nậu buôn bán pháo nổ trái phép còn thuê phụ nữ, trẻ em vận chuyển, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi bắt giữ.

Tháng 8/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp công an một số tỉnh, thành phố và lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triệt phá đường dây buôn bán, vận chuyển 6 tấn pháo nổ trái phép do Tăng Quốc Tiến, sinh năm 1978, trú tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cầm đầu. Đường dây này được thiết lập trải dài từ các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội, Vĩnh Phúc với vỏ bọc là các đơn vị kinh doanh vận tải.


Đối tượng cầm đầu Tăng Quốc Tiến (thứ nhất từ trái sang) và các đối tượng trong đường dây vận chuyển, buôn bán pháo liên tỉnh.

Theo lời khai ban đầu, các đối tượng khai nhận, việc vận chuyển, buôn bán pháo nổ với số lượng lớn nêu trên nhằm mục đích phục vụ cho những người có nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 13 đối tượng trong đường dây.

Khoảng 1 giờ 10 phút sáng 1/12, tại ấp Tua Hai (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Tây Ninh, phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh và Công an huyện Châu Thành phát hiện đối tượng Lê Xuân Vinh, trú tỉnh Thanh Hoá; tạm trú tỉnh Bình Dương điều khiển xe ô tô tải nghi vấn vận chuyển hàng cấm nên dừng xe để kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe của đối tượng có nhiều loại pháo nổ, tổng trọng lượng hơn 1 tấn. Bước đầu, Lê Xuân Vinh khai nhận, toàn bộ số pháo nêu trên đối tượng nhận vận chuyển thuê cho một người lạ tại khu vực biên giới giáp ranh với Campuchia để đem về tiêu thụ.

Hệ quả của chuỗi hành vi vi phạm liên quan tới pháo nổ, vật liệu nổ… là những nguy cơ hoặc tai nạn thương tâm, thậm chí trả giá bằng cả tính mạng của cả người vi phạm, lực lượng chức năng chuyên ngành trong quá trình điều tra, truy bắt xử lý cũng như người sử dụng, làm thuê...


Hiện trường sau vụ nổ tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Mới nhất, ngày 7/12 vừa qua, một vụ nổ do mua vật liệu tự chế pháo đã xảy ra tại tỉnh Ninh Bình, khiến 2 phụ nữ tử vong và một trẻ em bị thương; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” và tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1996, trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, để điều tra làm rõ.

Tại cơ quan công an, Linh khai thuê ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Chính (sinh năm 1987, ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn) và thuê 2 người phụ nữ là chị M.T.X (sinh năm 1993) và chị T.T.G (sinh năm 1995) cùng ở huyện Kim Sơn làm công việc lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ, đóng gói đơn hàng pháo.

Nguyễn Văn Linh còn cho biết, đã xem trên mạng xã hội Facebook công thức chế tạo pháo nổ nên đặt mua 20 kg thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng để chế tạo pháo nổ bán kiếm lời. Ngày 7/12/2023, khi tự chế pháo nổ thì xảy ra vụ việc thương tâm, làm chị X. và chị G.tử vong, cháu P. (con trai chị G.) bị thương nhẹ.

Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng này, nhất là vào thời điểm những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại của việc tàng trữ sử dụng pháo nổ trái phép.

Các nhà trường, cơ sở giáo dục cần tăng cường các tiết học phổ biến kiến thức và cảnh báo nguy cơ và những tác hại của việc sử dụng pháo nổ có thể xảy ra, qua đó nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh và an toàn; đồng thời, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài, xử lý mạnh tay hơn nữa để tăng tính răn đe, cũng như phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật này.

Để đón một năm mới an toàn, bình yên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Trong đó, có các quy định về quản lý, sử dụng pháo; không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định).

Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và lựa chọn mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.

1. Loại pháo không được phép sử dụng (nghiêm cấm), gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ. Các loại pháo nêu trên người dân không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt. Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

2. Loại pháo được phép sử dụng: Pháo hoa; đây là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ.

Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng để sử dụng trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

(Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo).

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Doanh nghiệp tự ý sử dụng thông tin cá nhân để khai khống thu nhập là hành vi vi phạm pháp luật

Vừa qua, một số Cục Thuế địa phương phát hiện hành vi liên doanh nghiệp (DN) sử dụng thông tin của cá nhân (tên, mã số thuế, số căn cước công dân) để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi không phát sinh chi trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân đó.

Tháng 4/2024, xảy ra 1.995 vụ tai nạn giao thông, làm chết 845 người

Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tháng 4/2024 (số liệu báo cáo tính từ ngày 15/3 đến ngày 14/4), toàn quốc xảy ra 1.995 vụ tai nạn giao thông, làm chết 845 người và làm bị thương 1.537 người. So với tháng cùng kỳ năm 2023 tăng 334 vụ (20,11%), giảm 62 người chết (6,84%), tăng 431 người bị thương (38,97%).

Danh sách 20 website giả mạo Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngân hàng

Qua kiểm tra và phân tích, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tai nạn giảm cả ba tiêu chí

Tình hình trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo tốt, năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đây là đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024.

Chung tay giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Tỷ lệ người CHXAPT tái phạm tội, vi phạm pháp luật thấp. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Dịp nghỉ lễ, tỉnh Hòa Bình xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5/2024), tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường giao thông trong tỉnh được bảo đảm an toàn, thông suốt. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các lực lượng khác tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, đảm bảo TTATGT. Nhờ vậy không để xảy ra các sự việc đột xuất, bất ngờ ảnh hưởng đến tình hình TTATGT trên tuyến quản lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục