Hải quân Việt Nam đứng gác trên đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.

Hải quân Việt Nam đứng gác trên đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.

(HBĐT) - Trưởng thành từ một người lính, từng tham gia chiến đấu và chứng kiến những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Campuchia khi đang còn là học viên trường sĩ quan lục quân 2, đến nay, thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh đã có 28 năm thâm niên trong binh nghiệp. Dù ở nhiều cương vị khác nhau nhưng với anh, những năm tháng cùng đồng đội kề vai, sát cánh, chia ngọt, sẻ bùi để góp phần gìn giữ sự bình yên và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa là những tháng ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp.

 

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn bồi hồi nhớ lại: tháng 12/1988, khi đang đóng quân ở Quảng Ninh, tôi nhận được thông báo chuẩn bị ra Trường Sa công tác, lúc đó, tôi mới tròn 22 tuổi và vẫn còn là “trai tân”. Thời điểm đó, tình hình xung đột do tranh chấp trên biển Đông đang diễn ra hết sức căng thẳng nên khi được về thăm gia đình, tôi chỉ dám nói với bố, mẹ là con chuẩn bị đi công tác xa chứ không dám nói là ra đảo. Vào đến Cam Ranh, chúng tôi “cắm trại” đợi lệnh hành quân. Quê cha, đất tổ ở Kim Bảng (Hà Nam) nhưng sinh ra và lớn lên ở Đồng Tâm (Lạc Thủy), là “trai đồng rừng” nên tôi hoàn toàn lạ lẫm với biển khơi, sóng nước. Những ngày chờ đợi, tôi thường làm quen với những lính cựu đã từ đảo xa trở về để  bổ sung cho mình những kiến thức cần thiết và hỏi han cặn kẽ việc chuẩn bị những vật dụng khi ra đảo.

 

    

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn (ngồi giữa) và các chiến sỹ trẻ Bộ CHQS tỉnh luôn hướng về đồng đội trên quần đảo Trường Sa.

 

Vào trung tuần tháng 3/1989, chúng tôi nhận lệnh chiều sẽ hành quân và buổi sáng hôm đó tức tốc chuẩn bị tư trang là những thứ rất đơn giản như mì tôm, thuốc lá, thuốc lào, truyện, sách, báo... Đoàn chúng tôi gồm 40 người được bố trí lên  một chiếc tàu 400 tấn thuộc Lữ 126, Vùng Hải quân 4. Tàu nhổ neo rời bến tại cảng Cam Ranh. Ra khơi, chiếc tàu cũ kỹ chỉ đủ chỗ ngủ cho thủy thủ đoàn, còn anh em chúng tôi người mắc võng, người rải chiếu trên boong, dưới khoang để ngủ. Lênh đênh trên biển cả suốt 6 ngày đêm với đồ ăn là mỳ tôm, đồ hộp và hầu hết mọi người trong đoàn đều say sóng nhưng cuối cùng tàu đã cập bến an toàn. Các anh em khác xuống các đảo Đá Lát, Phan Vinh, còn tôi được đưa xuống đảo Tan Tốc B. Tàu thả neo đúng lúc sóng dâng cao, những con sóng bạc đầu quăng quật nên phải vất vả hơn 1 giờ, chiếc xuồng ra đón mới đưa được tôi vào đảo. Đồng đội ở đảo đón tôi bằng nụ cười và những cái ôm nồng ấm như được gặp lại người thân sau bao năm tháng xa cách, đợi chờ.

 

 Đảo Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa có ba điểm đảo là: Tốc Tan A, Tốc Tan B và Tốc Tan C đều là đảo chìm. Đảo Tốc Tan B nơi tôi đóng quân có tất cả 8 cán bộ, chiến sĩ... Hơn một năm trên đảo Tốc Tan, thời điểm đó, tình hình tranh chấp trên biển Đông có phần lắng dịu nhưng chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện và xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vào lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn, nhớ đất liền da diết nhưng anh em trên đảo rất thương yêu nhau, tình đồng chí, đồng đội, sự quan tâm đùm bọc lẫn nhau là điều đáng trân trọng nhất, giúp chúng tôi trụ vững giữa thiên nhiên khắc nghiệt để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

 

Tháng 3/1990, tôi được về nghỉ phép, một tháng sau (tháng 4/1990), lần thứ hai tôi tiếp tục nhận được lệnh ra đảo. Với cánh lính đảo chúng tôi gọi là “tăng 2” và lần này tôi cùng đồng đội lại vượt trùng khơi ra đảo Sinh Tồn lớn và được bổ nhiệm làm trợ lý tham mưu đảo. Cách đất liền 320 hải lý, đảo Sinh Tồn chạy dài theo hướng đông - tây chiều dài khoảng 400 m, chiều rộng 140 m. Đất ở đảo là cát và san hô. Đảo có nhiều cây xanh, không có giếng nước ngọt. Cũng như các đảo khác trên quần đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn nắng nóng, có hai mùa gió chính là đông - bắc và tây - nam. Sinh Tồn là hòn đảo có ý nghĩa chiến lược đối với quần đảo Trường Sa. Trên đảo có một tấm biển ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

 

Ở đảo Sinh Tồn thời điểm đó, bộ đội ta có nhiều lực lượng như pháo binh, phòng không, thông tin được trang bị khá đầy đủ các loại phương tiện, vũ khí. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt được cải thiện nhiều hơn so với những ngày tôi ở đảo Tốc Tan nhưng khó khăn nhất vẫn là thiếu nước ngọt. Vì thế, các chiến sĩ phải tắm nước biển rồi ngồi vào chậu như trẻ con để tráng lại chút nước ngọt, sau đó, đổ riêng vào thùng dành tưới cho rau. Nước vo gạo cũng được bỏ riêng để rửa và tưới rau. Mỗi khi trời nổi giông, anh em lại gọi nhau dọn vệ sinh những vị trí trống ở mái hiên để mắc vòi hứng nước, để riêng vào thùng chờ lắng xuống lấy phần nước phía trên sinh hoạt. Rau xanh được tận dụng từ những diện tích mái hiên, hay trồng trong hộp xốp, thùng gỗ. Hạt giống từ đất liền cũng được kén chọn để thích nghi với điều kiện khí hậu ngoài đảo, thường là những giống rau ngắn ngày và chỉ trồng để lấy thân...

 

Nhớ đất liền, nhớ nhà là tâm trạng của những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài đảo. Có nhiều chiến sỹ khi đang làm nhiệm vụ ở đảo nhận được tin buồn từ gia đình, bố mẹ hoặc người thân mất nhưng không hề suy sụp tinh thần, vẫn kiên cường để giữ vững niềm tin cho đồng đội. Những cánh thư từ đất liền gửi ra là “tài sản” chung của cả đảo, chúng tôi chuyền tay nhau đọc đi, đọc lại không biết chán. Niềm vui đến với những cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng rất giản đơn, chỉ cần có đoàn công tác ghé thăm, đoàn văn công đến phục vụ là lại vơi đi nỗi nhớ nhà. Trên đảo cũng có căng tin nhưng lính đảo không biết tiêu tiền, tất cả đều ghi sổ, ghi hóa đơn rồi khi về đất liền mới thanh toán. Xa đất liền nên việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ cũng gặp nhiều khó khăn dù có đầy đủ bác sỹ, y tế, thuốc men, các dụng cụ cần thiết. Khó khăn, gian khổ nhưng chúng tôi luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đảo. Hàng ngày cùng với nhiệm vụ tuần tra, canh gác, cán bộ, chiến sĩ đều hăng say luyện tập để sử dụng thành thạo với mọi vũ khí, quân trang, quân dụng và thích nghi với mọi điều kiện tác chiến.

 

Tháng 12/1991, tôi hoàn thành “tăng 2” và được trở về đất liền. Quà của lính đảo về với người thân ở hậu phương giản đơn là những con sò, con ốc, chùm san hô nhưng thật sâu nặng nghĩa tình. Trở về vị trí công tác mới, tôi vẫn luôn hướng về đảo xa, nơi ấy, đồng đội của chúng tôi vẫn kiên cường, sẵn sàng đương đầu với thiên nhiên hà khắc và nhiều trở ngại trong cuộc sống thường nhật sẵn sàng hy sinh để giữ yên chủ quyền biển đảo của quê hương Việt Nam yêu dấu.

   

 

                                                               Đức Phượng

 

 

Các tin khác


Công an thành phố Hòa Bình bắt đối tượng trộm từng có 3 tiền án

Nhận tin báo của người dân về việc bị kẻ gian đột nhập trộm nhiều tài sản có giá trị, Công an TP Hòa Bình nhanh chóng vào cuộc xác minh, truy xét. Sau 3 giờ tích cực điều tra, đối tượng thực hiện vụ đột nhập trộm tài sản đã được làm rõ.

Bốc đầu xe mô tô để quay clip tung lên mạng, 2 nam sinh bị phạt 7 triệu đồng

Công an huyện Cao Phong cho biết vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng đối với 2 trường hợp gây mất an toàn giao thông và đăng, chia sẻ thông tin xấu độc trên mạng internet.

Triệt xoá điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý tại chung cư Dạ Hợp

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết, sau một thời gian điều tra, xác minh, trưa 23/4, đơn vị đã phối hợp Công an TP Hòa Bình triệt phá thành công tụ điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý tại chung cư Dạ hợp 12 tầng thuộc tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình do Bùi Tuấn Anh (SN 1987) cầm đầu.

Trao quyết định giảm án phạt tù cho 9 phạm nhân

Sáng 25/4, Trại Tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình đã tổ chức công bố quyết định giảm án phạt tù có thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện giảm án nhân dịp 30/4/2024. Trong 9 phạm nhân được trao quyết định giảm án có 2 phạm nhân được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được tha ngày 16/4/2024; 7 phạm nhân được giảm từ 2 - 7 tháng phạt tù.

Đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày (từ 27/4 đến 1/5). Đây sẽ là thời điểm người dân có nhu cầu đi thăm thân, tham quan, du lịch tăng cao, dẫn đến lượng người, phương tiện tham gia giao thông sẽ gia tăng đột biến. Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn trong suốt thời gian nghỉ lễ.

8 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Năm 2023, UBND huyện Lạc Thủy đã công nhận 8/10 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện, toàn huyện có 112 tổ hòa giải ở cơ sở và 706 hòa giải viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục