Viếng đồ chõ bằng cây hương hiện vẫn còn được nhiều gia đình người Mường sử dụng.

Viếng đồ chõ bằng cây hương hiện vẫn còn được nhiều gia đình người Mường sử dụng.

(HBĐT) - Làm chín thức ăn bằng hơi nước nóng người Mường gọi là đồ, đây là một trong những cách chế biến thức ăn truyền thống, phổ biến, nhất trong đời sống người Mường xưa. Ngày nay được gọi là cách đồ, hấp. Cách thức đồ có ưu điểm làm thức ăn chín vì hơi nước rất nóng, chất dinh dưỡng hầu như rất ít mất đi trong quá trình chế biến nó được lưu giữ lại trong món ăn, do đó đảm bảo nguyên vị khi ăn.

 

Dụng cụ đồ, hấp của người Mường gồm có: cái viểng - cái viếng và cuốp đồ tất nhiên là phải có bếp lửa. Cái viếng xưa kia được làm bằng kim loại đồng, nhiều gia đình giàu có còn có viếng bằng đồng đen rất quý, viếng bằng đồng đen dù lửa đun to, nước bên trong sôi mạnh, hơi bốc mạnh nhưng bên ngoài thân và quai viếng không hề nóng.

 

Cái viếng người Kinh thường gọi là nồi ninh, đó là một loại nồi được thiết kế có hình dạng khá đặc biệt dùng để đun nước tạo hơi nóng nhằm đồ hấp các món ăn.

Người Mường xưa coi trọng chiêng đồng, sanh đồng, nồi đồng và cả viếng đồng... là những món đồ quý, có tính thiêng, biểu tượng của các gia đình quyền quý, có chiêng ngôi vàng, có sanh đồng, vạc đồng to, viếng đồng ba họng... Không chỉ dùng đồ chín thức ăn, viếng đồng cũng được coi là đồ thiêng, đồ quý và có can hệ đến sinh, tử, yên lành hay lụn bại trong nhà.

 

Viếng không chỉ là công cụ dùng để đồ mà nó còn được coi như vật biểu tượng của sự giàu sang, của quyền uy, ví như lang Mường Vang xưa kia có cái viếng to có 3 cửa  họng viếng cùng một lúc có thể đồ được 3 cuốp. Viếng nhà lang Mường Khụ hiện còn được lưu giữ tại nhà ông Bùi Tiến Ịn ở xóm Chiềng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn, viếng to đường kính phần thân nơi phình to tới 60 cm, cao gần 1 mét. 

 

Viếng có cấu tạo phần thân bên dưới khá giống thân dưới niêu đồng, bên trên được thu nhỏ lại để rồi bên trên được thắt lại thành cái họng cho nhô lên để cho cuốp đặt lên vừa làm cho hơi nước nóng đi lên thành luồng, vừa cố định không cho cuốp bị rung, bị dịch chuyển khi viếng sôi mạnh trong lúc đang đồ.

 

Trong thâm tâm người Mường xưa kia họ còn linh hoá cho rằng viếng có can hệ đến việc an nguy, lành dữ hay sự ăn nên, làm ra trong gia đình, chính vì thế, khi đi mua viếng, ngoài xem xét chất lượng của viếng, người ta phải đo rất cẩn thận được chữ như ý mới mua. Nếu không viếng đó có vứt ngoài đường không ai nhặt.

 

Để biết được viếng đó như thế nào, người Mường thường phải đo. Trong dân gian có một số cách đo chọn viếng như sau:

 

Cách đo chọn viếng được thực hiện rất giản đơn, một chiếc que nhỏ  được bắc qua miệng họng viếng làm chuẩn, một que khác đo từ đáy viếng lên que bắc ngang rồi bẻ vứt phần thừa đi, ta sẽ có được que đo độ sâu của viếng. Lấy que đo độ sâu viếng lên đo lên thành từ ngoài của họng viếng ra vành viếng, rồi bẻ thành từng đoạn que ngắn đúng bằng chiều cao của thành họng viếng để làm que xếp hình.

 

Que đo độ sâu bẻ ra thành từng đoạn nhỏ đúng theo kích thức chiều cao của thành họng viếng, bẻ hết sau đó xếp thành hình các hình ô vuông nối nhau như hình một cái thang, gần giống theo kiểu tính điểm thủ công trong đánh bóng chuyền  đến que cuối cùng. Việc xếp bắt đầu từ que đầu đặt ngang, que thứ 2 đặt làm thành bên trái (theo chiều tay người đặt), que tiếp đặt làm thành bên phải tiếp đó mới đến que đặt ngang...,  cứ như vậy hết que chỗ nào thì dừng chỗ đó... Kết quả của việc đo này sẽ cho ra 4 loại kết quả như sau:

 

Loại viếng đóng cửa: Khi que cuối cùng xếp lại thành hình ô vuông kín, người Mường gọi đây là viếng đóng cửa, loại viếng này được coi là không tốt, có viếng này trong nhà làm ăn luôn bấn bí, gia đình đi công việc nói ra lời luôn bị người khác bưng bít...

 

Loại viếng mở cửa: Khi que cuối cùng xếp không đóng được lại thành ô vuông thiếu cạnh, người Mường gọi đây là viếng mở cửa to quá, có viếng này gia chủ làm ra bao nhiêu mất đi bấy nhiêu không đọng của cải trong nhà. Đi ra ngoài ăn nói hay nói to, nói hớ...

 

Loại viếng mở cửa vừa phải: Khi que cuối cùng xếp ngang không đủ đóng kín ô vuông cuối cùng, để ra một khoảng vừa phải, đây được coi là viếng mở cửa loại tốt nhất, ưng ý nhất. Có viếng này, gia đình ăn nên, làm ra, giữ được của cải trong nhà, gia chủ đi đâu ăn nói từ tốn, nói đúng nên được mọi người tôn trọng.

 

Viếng vác cờ: Khi que cuối cùng chỉ làm nên thành bên trái của ô vuông cuối cùng, trường hợp này người Mường gọi là viểng quạc cờ - viếng vác cờ. Việc vác cờ ngày xưa vơí người Mường là việc không hay ví như vác cờ tang, vác cờ đi ra trận... Có viếng này, gia đình sẽ gặp chuyện không may, trong nhà sẽ có người chết, gia chủ hoặc con cái có khi phải đi ra trận...

 

Ngoài ra cũng đo như trên, song lại dùng cách theo các que ngang kiểu bậc thang, mỗi que ứng với một chữ trong sinh - lão - bệnh - tử của quy luật đời người, đây là ảnh hưởng, du nhập từ người Hán sang. Như vậy sẽ sinh ra 4 kết quả ứng với 4 chữ kể trên, viếng sinh và viếng lão là được ưa thích nhất.

 

Một cách đo nữa, bước đầu cũng như cách thứ nhất nhưng cách tính kết quả có khác hơn.

 

Cách tính cũng tính theo các que ngang, que thứ nhất ứng với chữ mayl - may, thang thứ 2 ứng với chữ thúi - rủi... que thứ 3 lai quay về chữ may... cứ thế tính lên, que cuối cúng ứng với chữ may thì gọi là viếng may, ứng với chữ rủi thì là tên nó. Cách tính này giản đơn hơn và chỉ cho ra 2 kết quả may và rủi. Người Mường ưa chon viếng may hơn.

 

Tại sao người Mường lại có niềm tin cho viếng những quyền năng có thể tác động đến đời sống con người? Người Mường cho rằng, một phần của những rủi ro, thậm chí là tai ương, bệnh tật đến từ đường miệng, trong đó, nếu chế biến thức ăn không tốt, không chín, bệnh tật cũng từ đó mà ra, vì thế, chọn mua viếng cũng chính là nhằm lựa chọn cái tốt, sự yên lành, may mắn đến với gia đình.

 

Quay trở lại với cách đo chọn viếng, dân gian đã đưa ra 3 cách chọn viếng để rồi cuối cùng ai cũng có thể chọn được chiếc viếng như mình mong ước vì nếu theo cách chọn thứ nhất không ưng thì có thể lựa chọn hai cách còn lại. Điều nay cũng hóa giải những lo lắng không cần thiết theo kiểu “được đằng nọ, mất đằng kia”.

 

Ngày nay, cái viếng vẫn là vật dụng ưa thích trong các gia đình người Mường ở nông thôn, song chất liệu làm viếng ngoài đồng ra nó đã được làm bằng gang, bằng nhôm. Đồng hành cùng bếp người Mường bao đời qua, cái viếng vừa là vật dụng sinh hoạt, vừa là vật thể văn hóa được người Mường gửi gắm những tin yêu, nó đã trở thành biểu tượng về sự quyền quý, giàu sang, sự yên lành, ăn nên, làm ra của gia đình người Mường.

 

 

                                                                                   Bùi Huy Vọng

                                                                                             (TTV)

 

Các tin khác


Tìm về nơi cổ nhất

(HBĐT) - Theo sách "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, xóm Trại thuộc xã Trung Hoàng, tổng Trung Hoàng, phủ Lạc Thổ, đạo Thanh Bình. Năm 1886, xóm Trại thuộc địa phận Mường Vang xưa, nay thuộc các xã Quý Hoà, Tân Lập, Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Với địa hình bao bọc xung quanh là núi đá vôi, hang xóm Trại nằm ở giữa là thung lũng đồng bằng rộng lớn được người dân canh tác lúa nước.

Bài 4: Một số di tích khảo cổ tiêu biểu của Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - 1 - Di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn): Từ khi phát hiện cho tới nay đã có tới 8 cuộc điều tra, thám sát, khai quật tại di tích. Những giá trị tiêu biểu: Đã phát hiện số lượng di vật đá xương phong phú nhất lên tới trên 5.000 tiêu bản.

Túi khót thầy mo Mường

(HBĐT) - Túi khót của thầy mo Mường là túi vải đựng những vật thể được cho là linh thiêng, đồ tế khí được dùng làm vật hộ thân, là công cụ trấn trị ma quỷ trong hành nghề của mình.

A1 - huyền thoại một ngọn đồi

(HBĐT) - Trong 39 ngày đêm chiến đấu kiên cường, máu, mồ hôi, nước mắt của bộ đội ta thấm đẫm đồi A1. Có những chiến sỹ cả ngày chịu đói vẫn chốt chặt vị trí chiến đấu. Nhiều người vừa đánh địch vừa bảo vệ thương binh. Có chiến sỹ bị thương vẫn gan dạ yểm trợ cho đồng đội tấn công.

Thị xã bên sông Đà anh dũng trong chống Mỹ

(HBĐT) - Sông Đà – dòng sông của thác ghềnh, dữ dội ngày nào giờ hiền hòa, lung linh trong ánh điện của công trình thế kỷ. Với người dân thị xã Hoà Bình xưa, dòng sông như nhân chứng, biểu tượng cho những con người anh dũng, quả cảm của biết bao thế hệ đã lên đường chiến đấu, hy sinh, góp phần cùng cả nước dành độc lập tự do ngày hôm nay.

Những địa điểm không thể bỏ qua khi đi du lịch ở Hòa Bình

Du lịch Hòa Bình hấp dẫn du khách bởi những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của các dân tộc miền nùi đang sinh sống tại đây

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục