(HBĐT)-Ngày Hoài Thương, cô sinh viên mới tốt nghiệp đại học gặp anh Minh Sẻn đúng vào hôm nhóm tác giả trẻ gặp nhau ở quán "Dặm đường xa”. Anh ấy là khách mời riêng của nhóm trưởng. Nghe như giới thiệu thì đây là một con người đa năng ở miền sơn cước này. Đám viết lách mới ra trường mà nghe danh cũng xanh cả mắt. Nghe đâu là thành viên của gần chục hội nghề nghiệp, có đủ các loại thẻ.

 Anh xuất hiện vào lúc mọi người đã đói mềm (người quan trọng bao giờ cũng xuất hiện cuối cùng?!). Bộ quần áo sạch, tinh tươm, sơ vin. Đôi giày trắng muốt. Tóc mượt bóng lừ. Có đánh luống đàng hoàng. Thoảng trong gió có chút nước hoa khó gọi tên. Trước ngực là chiếc máy ảnh khá hiện đại. Anh nói luôn: "Trên 20 "củ” đấy”, mới sắm thêm phục vụ cho một vài dự án nghệ thuật. Tuần trước mới có ảnh một cuộc thi ở Hà Nội đang định làm một triển lãm ảnh nhưng ngặt nỗi không kinh phí. Đúng là "cơm áo không đùa với khách thơ”. Anh cười khằng khặc. Suýt chút nữa Hoài Thương rơi đũa. Mọi thứ có vẻ hoàn hảo trừ hàm răng (của ai nhỉ mà bác Nam Cao tả trong truyện ngắn): Ối giời, đa dạng sắc màu với màu vàng, nhờ là chủ đạo, nhưng đó là hình thức, không quan trọng. Nhìn bâng quơ ra bờ suối vắng, anh thả hồn:

- Các bạn trẻ, các bạn phải có "Ai-điê”… Hiểu gì không, là ý tưởng đó. Phải biết dấn thân và hy sinh… Như tôi đây… Lăn lộn trên các lĩnh vực nay đã có chút danh. Vẫn phải đau đáu với những ý tưởng.

Biết cô gái trẻ có mái tóc dài nhất đám ngồi xa kia mới ra trường, anh nhìn Hoài Thương một lát rồi buông lời:

- Bạn gọi tôi là anh thôi nhé. Bạn mà vào tay tôi, tôi sẽ đào luyện bạn thành một cây viết có tiếng. Giờ mới vào nghề, phải xông xáo, tiếp cận…Lĩnh vực nghệ thuật kén người lắm. Như tôi đây… -Anh đưa bàn tay đeo mấy chiếc nhẫn vàng vuốt mớ tóc đang hoa râm, có vẻ sảng khoái. Rượu vào rồi, cởi mở quá.

Đến lúc anh đưa một nắm các loại các-vidit và các loại thẻ ra thì cả nhóm im phăng phắc rồi trầm trồ. 2 tập sách "Tinh tuyển sự nghiệp” được trưng ra. Một tân cử nhân đang vác đơn nộp tán loạn khắp nơi chả có việc như Hoài Thương thì anh Sẻn đúng là một đỉnh cao. Chưa bao giờ Hoài Thương có một trạng thái hài lòng và vui vẻ như vậy. Giữa lúc bế tắc lại có quý nhân thì còn gì bằng. Buổi trưa, cô hồn nhiên khoe với mẹ:

- Mẹ chưa gặp thì chưa biết thôi. Anh Sẻn đúng là con người đa-zi-năng. Nổi trội ở nhiều lĩnh vực… Anh ấy hứa sẽ giới thiệu con với một tạp chí danh tiếng. Hôm nào còn cung cấp thông tin để có hẳn bài viết giới thiệu về anh ấy. Hẳn 2 kỳ…

Mẹ cô, người đàn bà trên 60 tuổi, chỉ bán hàng khô ở chợ điềm tĩnh cắt lời cô:

- Đánh giá con người phải cần thời gian. Cô đừng ngốc quá thế. Cô đã hiểu gì về họ… Chưa gì mà đã hoắng lên thế con. Cứ từ từ… rồi khoai sẽ nhừ…

- Úi giời, mẹ thì biết sao hết được. Anh ấy tân tiến lắm. Nhiều khả năng nổi trội - Cô vẫn thao thao trong ý tưởng - Mẹ mà vào gặp anh ấy có khi "kết” không dứt ra được ý…

Thôi, không cãi lý với mẹ làm gì. Cô lui về phòng riêng. Chà, mở cuốn sách "Tinh tuyển sự nghiệp” mà thấy lòng sáng láng. Anh ấy nhiều "sắc màu” quá: những bài thơ tình mùi mẫn, những bức ảnh chụp các người mẫu ngơ ngác trong rừng. Lại còn có cả nhạc nữa. Rõ đây này: Nhạc và lời Minh Sẻn. À hôm nọ, anh ấy còn định làm một "ga-la đêm nhạc” ở quán Dặm Đường Xa nữa…

Vài cuộc gặp nữa. Những ngày ấy là nắng vàng, mây trắng ngang trời. Gió thổi bay mái tóc cô như sóng mây dọc bờ đê. Cô thấy hãnh diện vì được quen biết anh Sẻn. Hôm nay là ngày cô đến để khai thác lấy tư liệu. Ngôi nhà khá to, rộng, 3 tầng. Kéo cô lên tầng 2, anh Minh Sẻn thao thao:

- Chỗ này là phòng anh sáng tác… Anh cũng đang định sửa để biến thành "Sờ- ta-đi-ô” để thu các bài hát của anh. Chính anh đệm đàn và hát luôn. Sắp tới phải có một đàn pi-a-nô cho phù hợp... Anh muốn đưa thơ và nhạc của anh lên mạng xã hội cho bà con thoải mái thưởng thức…

Tiếng chuông cửa vang lên gắt gỏng. Anh Sẻn lập cập chạy xuống. Cô ngó ra ban công. Một người đàn ông có khuôn mặt căng thẳng đang đợi cửa.

Người đàn ông chém từng tiếng:

- Ông trả tôi cái máy ảnh đây. Ô bảo mượn 1 buổi đi chụp sáng tác thế mà 3 tuần rồi…

- Khẽ cái mồm chứ. Tôi còn đang tiếp khách - Tiếng anh Sẻn.

- Ông là thợ chụp ảnh dạo kiếm ăn thôi, gì mà cần đánh bóng. Đưa ngay đây, tôi còn đi chụp đám hiếu - Người đàn ông đội mũ lưỡi trai cứ tưng tửng…

Hoài Thương thụt vội vào. Mắt vờ đang ngắm bức họa một bản làng vùng cao của anh. Anh Sẻn vào:

- "So-ry” em nhé. Người ngoại đạo làm hỏng giây phút đàm đạo của anh em mình. À mà câu hỏi phỏng vấn của Hoài Thương đâu nhỉ? - Anh phân bua.

Trong một tiếng mà ngồn ngộn tư liệu về anh Sẻn. Một công nhân rồi một nhà nhiếp ảnh kiêm làm thơ rồi viết nhạc, vẽ tranh… Đúng là chẳng khác gì một bác gì đó ở Hà Nội có mấy đêm nhạc ở Nhà hát lớn. Anh đang ấp ủ cho những đứa con nghệ thuật của mình. Nhiều lắm, nhiều lắm… đêm nhạc, triển lãm, trực tuyến qua "Phây - búc”… Lại có tiếng chuông cửa. Rụt rè... Một cô bé tầm 14 tuổi, đôi mắt khá buồn…

Lần này là tiếng rít của anh Sẻn:

- Gì nữa đấy? Bố đang bận công việc…

- Anh Sèng ốm, mẹ bảo bố cho vay ít tiền đưa anh đi khám bệnh - Tiếng đứa con gái như hụt hơi.

- Mẹ con chúng mày hay nhỉ. Lúc rời đây ra đi, tao cho hẳn một nhà cấp 4 rồi. Một sổ tiết kiệm… Mẹ con chúng mày phải tự lo cho nhau chứ. Tao đã cố gắng hết mình…

- Nhưng mẹ ốm cả tháng nay, không chạy chợ được. Bố không cho mẹ thì thôi, bố phải quan tâm đến anh và con chứ…

- Tao còn bận các dự án nghệ thuật. Không chạy theo mẹ con chúng mày mãi được. Thôi đây, cầm lấy 200.000. Đứng quấy rầy nữa nhé…

Cô bé chạy vụt đi trong tiếng nấc. Anh lên, mặt không còn hồ hởi nữa. Anh bâng quơ:

- Người làm nghệ thuật mà vướng vào "cơm áo gạo tiền”, gia đình, vợ con là khó bay bổng lắm…

Nghe đến đó, lòng Hoài Thương bỗng chùng xuống. Tại sao bức tranh nhiều sắc màu ở vùng cao lúc nãy rực rỡ, cuốn hút thế giờ sao xám ngoét. Cô bỗng nhớ những lời nói tưởng như vu vơ của mẹ. Cuộc sống khó lường mọi chuyện. Gần trưa rồi, nắng ngoài vườn bỗng tắt phụt. Đám mây đen lững lờ trôi ngang cửa sổ khiến căn phòng bỗng tối sầm, mãi mới hửng lại. Cô uể oải ngáp. Chẳng buồn che miệng. Chợt anh Sẻn đổi đề tài:

- Nghe nói mẹ em có gian hàng khá lớn ở chợ à?

- Vâng, cả nhà em nhờ cả vào đó đấy. Mấy chị em ăn học nên người cũng từ đây…

Giọng anh Sẻn sôi nổi, trầm bổng. Thoảng bên tai Hoài Thương bây giờ không còn những dự án nghệ thuật nọ kia mà là chuyện em hãy về trao đổi với mẹ. Anh đây có nhiều nguồn làm ăn lắm. Mẹ em giới thiệu các bạn của mẹ em ở chợ, cả bạn em nữa tham gia cùng anh làm ăn lớn. Mỗi suất đóng vào 14 - 16 triệu đồng, mẹ em hoặc em sẽ có 3 - 4 triệu đồng bỏ túi. Giới thiệu được 10 người vào hệ thống là được 40 triệu đồng. 100 người… em được bao nhiêu em biết không? Chẳng mấy chốc em có của ăn, của để… Hốt bạc luôn. Cô chạy xuống cầu thang, tai ù đi, người rã rời; bỏ quên cả cuốn sổ và máy ghi âm đang chỏng chơ trên bàn. Cô không biết, đằng sau lưng, ánh mắt anh Sẻn hoang hoải, thất vọng đến nhường nào. Ra đến đường, một cảm giác thư thái ùa đến trong lòng, dù là một ngày không nắng. Cô phóng vội lên chợ cùng mẹ sắp hàng để nghỉ trưa. Cô bỗng muốn gọi mẹ ơi...

 

Truyện ngắn của Bùi Huy


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục