Truyện ngắn của Bùi Huy

Nhóm bạn học đại học năm nào lại có dịp gặp nhau và trở về cư xá sinh viên một thời trong trẻo… Hội khoa kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Ngày nào nhập học, 17, 18 tuổi lau nhau một lũ, giờ đầu xanh đã lấm tấm điểm bạc. Duy ánh mắt của họ vẫn lấp lánh như ngày nào. Ông Thế Duy lên "phây búc” bộc lộ: "Thật cám ơn các bạn sinh viên đồng môn, nhờ lễ hội kỷ niệm, nhờ đêm thơ "Trở về ngày xanh”, mà chúng ta sẽ gặp nhau… Tất cả mọi người đều có mặt nhé!”.     
  
Có được nửa tháng hồi hộp chờ đợi. Từ một tỉnh miền núi, ông đáp xe xuống trước hẳn 1 ngày. Bao nhiêu năm bận rộn công việc, nay bứt đi vài ngày để trở về Thủ đô, gặp bạn bè một thời trẻ cũng là xứng đáng. Đúng hẹn, khu "biệt thự mi-ni” cùng dãy phố cư xá là điểm đến của tất cả các bạn ở xa. Chà, ai cũng vui, rộn ràng. Thu Sương, cô nàng tiểu thư năm nào, năm nay vẫn đài các trong bộ váy trắng tha thướt như thiếu nữ. Ông bạn Vũ Hà, điềm đạm, chững chạc với với mái tóc công sở mẫu mực mà chẳng phải mái tóc dài như ban nhạc Đức nổi tiếng năm nào. Đêm nay mới là đêm vui nhất, giống như đêm giao thừa vậy… Đêm văn nghệ thơ - nhạc có khá nhiều tác giả nổi tiếng từng xuất thân từ khoa, trường. Nếu so với dự kiến, số các bạn đến đông hơn nhiều. Cũng phải cám ơn lớp phó đời sống lo cho anh em một bữa tối vui vẻ, đầm ấm… Rồi cả nhóm bước vào khuôn viên cư xá. Bước chân dường như chậm lại, có người 10 năm, có người 20 năm mới trở lại… Một mùi hương quyến rũ bất ngờ ào đến dâng tỏa. Trời ạ, mùi hoa ngâu sân thư viện trường mình. Câu thốt lên của Thu Sương khiến cả nhóm thích thú. Một mùi hoa khiến mọi người đều nhớ về khuôn viên thư viện, mùi đặc trưng của đầu thu cư xá… Những khóm cây hoa ngâu ngày trước nhỏ, nay tán to rộng vươn cao dưới những hàng nhãn cọc còi, xào xạc lá một thời đã xa… Đi học về, gió đầu thu hun hút, bụng đói meo mà vẫn cố gắng ngửi lấy ngửi để mùi hương đặc trưng phả trong gió…

Cựu sinh viên các khóa đến dự cũng thật đông, chẳng mấy chốc cả khuôn viên ký túc chật cứng người, tất cả đều hướng về sân khấu lớn ngoài trời, lung linh, sương khói. Một cặp MC nam, nữ trẻ trung đang là sinh viên xuất hiện. Nữ sinh viên mặc bộ áo dài trắng muốt, tinh khiết. Vừa nhìn thấy khuôn mặt bầu bầu, cùng mái tóc thề vấn vít gió đêm, ông đã giật nảy mình. Rồi khi giọng nói của cô ấy cất lên… Hoài Lâm… Hoài Lâm ư? Ông với sang đập đập vào ông bạn thân Vũ Hà. Cậu ta cũng trân trân nhìn lên sân khấu… Sao thế được, nhưng mà họ như là bản sao một thời. "Chắc ông chưa quên Hoài Lâm đúng không?”. Cậu ta hỏi mông lung mà không nhìn sang bên cạnh… Trên sân khấu đã chuyển qua mấy tiết mục đọc thơ, ca nhạc. Kia một nhóm nhạc gồm 3 cựu sinh nam, chơi ghi ta gỗ đang hát bài "Vội vàng” của một tác giả đang nổi. Tiếng ghi ta bập bùng, tiếng vỗ trống lãng tử, cùng câu hát day dứt: "Trách ta vội vàng nên đánh mất/ Trách em ngại ngùng trong phút chốc/ Trách ta một lần không nói rõ/ Trách em ngờ vực câu nói đó…”. Khi Vũ Hà quay sang đã không thấy cậu bạn đâu. Ra khuôn viên, thấy Thế Duy đang ngồi bất động trên ghế đá, lập lòe điếu thuốc. "Tôi thấy mình vô tâm, và có lỗi với Hoài Lâm quá bạn ơi…". Câu nói như có tiếng nấc nghẹn. Ôi thời sinh viên nông nổi, bồng bột và cộng chút ích kỷ.

Ngày đó, Hoài Lâm là sinh viên mới nhập học, xinh đẹp, ngây thơ và có chút ngờ nghệch nữa. Các anh khóa trước chăm sóc, săn đón là chuyện đương nhiên. Bao người vây quanh em. Trong khi Vũ Hà, Thế Duy chỉ lảng vảng vòng ngoài vì thấy nhiều "cao thủ”. Mà Thế Duy đâu có kém cạnh: học giỏi, nhà có điều kiện, đàn giỏi, hát hay, đá bóng cừ; luôn nổi bật trong các đêm dạ hội, hay các trận thi đấu của khoa, của trường. Đầu tiên là lời thách đố của Vũ Hà vì thấy nóng mắt bao người quanh em: "Nếu cưa được em, sẽ có thưởng lớn. Ông đâu có kém ai”. Trong khi, Thế Duy đã có một bóng hồng: con gái của một viện trưởng chuyên ngành, mà theo em đó nói, chỉ cần anh tốt nghiệp là bố "rước” về. Tất nhiên, chuyện đó không ai biết. Và khi đã gặp và được ở bên Hoài Lâm rồi, ông mới biết thế nào là những rung cảm, run rẩy của tình yêu, cùng niềm tự hào (hay tự mãn?) của kẻ đi chinh phục thành công. Hoài Lâm, cô gái có nước da trắng bóc, khuôn mặt bầu chỉ luôn nghĩ đến, chăm lo cho người khác, mà ít đòi hỏi nọ kia, dù cô biết nhà "người yêu” có điều kiện… Còn bên con gái ông viện trưởng, chỉ thấy ở thế kẻ được nuông chiều, bị động. Khi vui, cô ấy nũng nịu, cô ấy mệt, khó ở là nổi nóng, la ó, không cần biết ông nghĩ gì… 

Màn bí mật đó cũng kéo dài được 6 tháng và có thể có một chiều hướng khác nếu như "bóng hồng” trường ngoại ngữ kia không vào tận cư xá tìm ông (vì cả tháng không gặp nhau), đúng lúc ông và Hoài Lâm đang chụm đầu trò chuyện… Cô mà đã nổi đóa lên thì chẳng kể đến thanh minh, giải thích. Ầm ĩ một góc cư xá, bảo vệ phải lên lập biên bản. Hoài Lâm rời cư xá từ chiều tối ấy. Không một lời giải thích. Thời không điện thoại di động và không in-tơ-nét… Bóng chim tăm cá. Qua bạn bè Hoài Lâm, ông cũng đã từng tìm về quê cô ở một huyện xa lắc, nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ người thân của cô. Ông hối hận, vật vã, trách móc mình trong nhiều năm liền. Ngày chia tay thời sinh viên, ông ngồi cả đêm dưới gốc nhãn trong sân cư xá để nhớ, hoài niệm về mối tình 6 tháng… Nhóm bạn của Hoài Lâm đã từng vỗ mặt ông: "Các anh đem tình yêu của Lâm làm trò đùa à. Lâm tin tưởng, hy vọng vào sự tốt đẹp của anh. Thế mà... Anh nỡ lừa dối nó”. Dù họ có nói nặng lời hơn đi chăng nữa, ông vẫn thấy chưa đủ. Vì Hoài Lâm đã không còn bên cạnh, nên mọi chuyện vô nghĩa. Dù bao năm qua, mỗi dịp sinh nhật cô ấy, ông đều âm thầm có lời chúc qua gió, qua mây…

Sự trở về hôm nay không vô nghĩa, mọi người đều hiểu ra điều đó. Đừng làm điều gì nông nổi để rồi phải dằn vặt, ân hận cùng năm tháng. Ôi tuổi trẻ đáng thương và đáng giận một thời xa.

                                                                        

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục