Bà bán xôi sáng đã quen mặt Dịu. Sáng  nào bà cũng cắp cái thúng nặng nề, lo chạy mưa, chạy nắng, lo trả kịp tiền cho khách đã là quá mệt rồi, thời gian đâu mà để ý đến khách. Nhưng rồi, chính cái con bé mà ngày nào cũng từ trên xe của mẹ nhảy xuống mua một gói xôi khiến bà ái ngại nên thành ra nhớ mặt. Ai mà ngày nào cũng phải ăn cái món nóng ruột ấy thì hẳn đời cũng bất hạnh lắm.

Nhiều đêm, ngồi ở phòng trực của khoa, Dịu nghĩ mãi. Từ ngày một mình nuôi con, hình như chẳng mấy khi cô đi đâu xa mà chỉ từ nhà đến bệnh viện và qua cái trường của con bé Hoa học. Con bé rồi sẽ lớn lên, đi học xa, còn cô chỉ quanh quẩn có thế là hết tuổi xuân.

Một sáng vừa đi trực đêm về, sau khi đưa con bé đến trường, Dịu trở về dọn dẹp nhà cửa. Cô bỗng nhận ra trong tủ có một chiếc váy rất lạ. Nhà có hai mẹ con, cái gì cũng phải tằn tiện, hình như lâu lắm Dịu chẳng nhớ cái shop quần áo quen còn bán không? Cái váy phải nói là vừa, màu rất đẹp, mặc vào chắc dịu dàng lắm. Dịu tự nhiên tự cười một mình rồi giật mình nhìn thấy mình trong gương. Bất giác, cô đặt tay lên miệng, dù chỉ một mình trong ngôi nhà cô vẫn thấy mình ngỡ ngàng. Thôi chết, trong gương mình vẫn còn trẻ và xinh quá.

Chiều đến, khi con bé Hoa đi học về, chỉ mất dăm phút, Dịu đã điều tra được nguồn gốc của món quà. Từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện, cái thúng xôi của bà cụ cũng không còn trên phố nữa, Dịu ngồi chống tay lên cằm và nghĩ.

Ngày xưa, Dịu là cô sinh viên trường y xinh đẹp và ương bướng. Chắc bởi hai điều đó mà mãi đến tận năm cuối, khi đám bạn đã được người yêu đón đưa nhộn nhịp cô mới có người theo đuổi. Nhưng lại có đến hai anh chàng cũng tha thiết. Một người là dân dược, cùng đồng cảm sự nghiệp "lương y như từ mẫu”, một chàng là nhà báo, gọn gàng, năng động. Nhưng thật oái oăm, họ còn là bạn thân của nhau. Điều đó làm Dịu thật sự ái ngại. Không biết từ chính con tim cô hay trực cảm của người phụ nữ cần một chỗ dựa vững chắc, mà ngày đó Dịu nhận lời yêu Tuấn. Khi ngồi lên phía sau chiếc xe dream Việt của anh chàng dược sĩ, nhìn vào gương hậu, Dịu vẫn còn kịp thoáng thấy bóng anh chàng nhà báo và chiếc xe wave vội dừng lại nơi góc phố. Cũng từ hôm đó cô không còn thấy bóng Toàn nữa…

Từ khi có bé Hoa, Tuấn bắt đầu quay ngoắt "360 độ” với vợ. Ban đầu, Dịu nghĩ phần vì chồng mình là con trai độc nhất trong gia đình mà cô lại không sinh được con trai, phần vì cô hay phải đi trực đêm, ít có thời gian chăm sóc gia đình nên tình cảm vợ chồng thêm xa cách. Nhưng rồi Tuấn ngày một quá quắt, biết Dịu là người phụ nữ không dám phá bỏ hạnh phúc gia đình, anh ta càng ngày càng lấn tới và có bồ. Họ chia tay nhau... Sau ly hôn vợ, về ở với một cô gái trẻ được chừng 2 năm, bất ngờ Tuấn bị tai nạn giao thông và qua đời. Từ lúc ấy, đời Dịu như thêm một lần mất mát, con bé Hoa như đã phải trải qua hai lần mất cha.

Trong ngần ấy năm, thực ra, cũng có nhiều người đàn ông tìm cách lại gần cô. Có thể vì chút nhan sắc mặn mà còn vương lại sau bao truân chuyên, có thể vì họ tìm thấy sự đồng cảm nào đó ở cô nên muốn được gần gũi. Dịu cũng từng thấp thỏm phần vì đã một lần lựa chọn sai lầm, phần vì lo nhỡ người ta chỉ coi mình là chiếc áo rách trong cuộc đời. Thế nên, chưa có món quà nào có thể lọt khung cửa này, chưa có người đàn ông nào được bước vào ngôi nhà này.

Nhưng đúng là việc hôm nay thật kỳ lạ. Chiếc váy này khá giống với chiếc váy cô từng mặc ngày sinh viên. Màu xanh dịu dàng ấy và tiếng cười khúc khích của cô phía sau xe Tuấn trong lần đầu đi chơi. Và rồi Dịu từng nghe lời Tuấn bỏ chiếc váy ấy đi, không bao giờ mặc lại.

Dù Dịu đã hỏi đi hỏi lại bé Hoa cũng chỉ biết là do bà bán xôi đưa cho nó, bà bảo có người gửi tặng mẹ. Chiều nay, nhân lúc ít bệnh nhân, đang định nghĩ xem đó là ai thì Dịu nhận được một lệnh khẩn cấp. Bệnh viện của cô được lệnh cử những bác sỹ có sức khỏe, chuyên môn và bản lĩnh để lên đường đến vùng đang bùng phát ổ dịch Covid-19. Bác sỹ Tiến, Trưởng khoa nhìn cô ái ngại:

- Em xung phong đi, chị cũng thấy yên tâm về tay nghề hơn là mấy bạn trẻ. Nhưng chị lo là bé Hoa còn nhỏ quá, em đi đợt này chưa biết bao giờ mới được về, nó ở với bác, với bà mãi cũng khó.
- Dạ, em hiểu. Nhưng mà thật ra ở tuổi em ai cũng có con nhỏ chị à, kể  cả các bác sỹ nam. Nếu cứ ái ngại thế thì lấy đâu ra người đi chi viện cho vùng dịch. 
- Ừ, thì như con nhà chị cũng còn nhỏ. Nhưng mà… (bác sỹ Tiến bỗng ngừng lại, cô suýt nữa động đến nỗi đau của Dịu trong hôn nhân).
- Cháu nó cũng quen tự lập, quen việc không có sự che chở của bố từ trước khi anh Tuấn mất mà chị. 
- Ừ, em cố gắng nhé. Biết đâu, sau đợt này lại có chàng nào tình nguyện đưa bé Hoa đi học thay cô đấy.
Câu nói đùa của chị Tiến làm Dịu bỗng thấy vui trong lòng. Bằng linh cảm của người phụ nữ, Dịu bỗng thấy lóe lên trong đầu một suy nghĩ: Người tặng chiếc váy ấy phải là người hiểu cô chứ không phải chỉ để nịnh nọt, lấy lòng.

Mười giờ đêm, sau khi tắm giặt xong, Dịu lên giường ôm con và cầm điện thoại lướt phây thì thấy Tâm - cô bác sỹ trẻ nhất trong đoàn đi chi viện lần này đã gắn thẻ tất cả mọi người trong một status có những dòng caption rất cảm động. Mọi người hiện lên trong màu áo blouse, khẩu trang kín nhưng ánh mắt vẫn ngời lên sự tự tin và quyết tâm. Mà con bé Tâm này khéo thật, chọn cái ảnh ai cũng xinh đẹp, dễ thương. Đúng lúc Dịu đang mải mê ngắm thì ứng dụng facebook báo có tin nhắn chờ. Ai thế không biết? Dịu mở ra đọc. Một tin nhắn: "Chúc bác sỹ lên đường may mắn và bình an. Thành công!”. Nghĩ đấy là một bệnh nhân nào đó từng điều trị lâu ngày tại khoa, Dịu nhắn lại: "Dạ, xin cảm ơn, cuộc chiến lần này rất căng thẳng đó ạ”. Lập tức lại có tin nhắn vang lên: "Anh tin em và mọi người sẽ sớm chiến thắng trở về”. Dịu vội choàng dậy, cô lần xem trang cá nhân của nick chat đó. Đó là một người ghi thông tin rất ít, ảnh đại diện cũng là mấy cuốn sách. Hoặc có thể vì họ để hình ảnh ở chế độ bạn bè nên cô không thể xem được. Đang cảm thấy bí hiểm và thất vọng thì cô nhận ra bức ảnh chụp một người phụ nữ quen quen đang còng lưng quét sân. Bà bán xôi, bà cụ đây rồi! Dịu thầm reo lên trong lòng.
Vậy là đã có cách để trả món quà rồi. Nhưng mà sáng mai cô đã phải lên đường sớm. Con bé Hoa từ nãy vẫn chưa ngủ, bỗng nhoi lên ngó vào màn hình điện thoại của mẹ. 
 - Ơ, mẹ ơi, bà bán xôi này mẹ.
Dừng lại đôi chút, có vẻ nhớ ra điều gì, con bé bảo: 
- À, hôm nọ bà bán xôi bảo chỉ muốn sau này chú con trai bà ấy sinh ra được một em bé gái xinh giống con. Thế là con cãi: Con trai không đẻ được em bé. Bà ấy cười rồi bảo con, chú ấy cứ mải đi hết nơi này nơi khác để chụp ảnh, không chịu lấy vợ.
Dịu thoáng giật mình với hai chữ "chụp ảnh” đó. Ở thị xã nhỏ bé mới lên thành phố này làm gì có thợ ảnh nào tầm tuổi ấy. Họ đều có cửa hàng và lập gia đình, chẳng lẽ đó lại là Toàn. Chỉ có Toàn mới có cách nói chuyện ấy.
Sáng nay, cả tập thể y, bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện đều đứng tiễn đoàn xe lên đường. Bỗng cậu bảo vệ hớt hải chạy đến thưa với giám đốc: 
- Anh ơi, có một bà cụ nhất quyết đòi gặp anh.
- Cậu xem bà đã đăng ký khám bệnh chưa? Bảo tôi đang bận tiễn đoàn đi công tác đặc biệt.
- Nhưng, bà cứ đòi gặp anh cũng vì đoàn công tác ấy ạ, em đo thân nhiệt thì thấy ổn.
Từ cửa kính ô tô, Dịu nhận ra dáng bà cụ bán xôi. Bà đang trình bày với lãnh đạo bệnh viện và công đoàn về ý nguyện muốn tặng một khoản tiền ủng hộ bệnh viện và đoàn trong đợt chống dịch này. Phía cuối xe có tiếng người lao xao: "Khiếp, bà cụ bán xôi mà ủng hộ một tỉ đấy”. Người khác thêm vào: "Không phải một mình bà đâu, bảo của cả anh Toàn nhà báo con trai bà nữa. Ủng hộ nhiều thế lấy tiền đâu mà lấy vợ nhỉ”. Dịu vội quay ra phía ngoài cửa xe để giấu đi khuôn mặt đang bừng đỏ. Đúng là chiếc váy của Toàn tặng rồi, còn ai vào đây nữa? Đúng lúc ấy, Toàn bỗng xuất hiện ở ngay gần cửa xe, ánh mắt thân thiện với mọi người nhưng có vẻ đang kiếm tìm ai đó. Giám đốc bệnh viên vội giới thiệu:
- Nhà báo Đặng Văn Toàn là người luôn đồng hành cùng bệnh viện    chúng ta. Anh đã từng vận động nhiều nhà hảo tâm ủng các bệnh nhân nghèo. Anh là người con của quê hương mà đi xa bao năm nên không phải ai cũng biết…

Toàn và Dịu chỉ kịp nhìn thấy nhau qua cửa kính ô tô, bao năm rồi, Toàn vẫn thế, thư sinh, trẻ trung với ánh mắt luôn hiền lành. Dịu cảm thấy như có một sức mạnh khiến cô vững vàng hơn cùng mọi người đến với các bệnh viện dã chiến. Khi kíp trực của Dịu vừa hết ca, cầm điện thoại trên tay, Dịu đọc được tin nhắn của bé Hoa từ điện thoại của chị gái. "Mẹ ơi mẹ công tác tốt nhé, cuối tuần chú Toàn con bà bán xôi sẽ đến dạy con học bài. Chú ấy ngày xưa có học giỏi không mẹ?”.

Trong cuộc chiến chống dịch, biết bao người phải xa chồng, xa vợ, xa con, xa những người mình yêu thương như Dịu nhưng vẫn có một niềm tin ấm áp trong lòng. Bởi với họ có niềm tin là sẽ có tất cả...

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục