(HBĐT) - Lướt qua góc chợ nơi bán hàng hoa quả, khứu giác tôi bị đánh thức bởi mùi hương quen mà lạ. Ngoái nhìn, thị giác tôi lập tức bị cuốn hút bởi chiếc sọt tre xinh xắn đựng những quả tròn lẳn, vàng ươm. Thị…! Tôi thốt lên như chỗ không người rồi quay lại vồ vập, hít hà.



Những quả thị đẹp mắt vẫn tỏa hương thơm trong nhịp sống hiện đại. 

Chị bán hàng nhanh nhảu: Thị nhà chị đấy thơm lắm, mua đi em.
Vâng! Mua chứ. Lâu lắm rồi em mới thấy quả thị. Bỗng chốc tôi thấy chị bán hàng thật gần gũi, thân quen. 
Chọn những quả chín mọng, to tròn, vàng ươm không vết nám tôi rảo bước về nhà trong cảm xúc lâng lâng khó tả. Dễ hiểu thôi, bởi trong hương thị nồng nàn là khoảng trời đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ tôi. 
Lớn lên trong những câu chuyện cổ tích của bà, tôi đã có "cảm tình” với quả thị ngay từ thuở lên 5. Bởi, trong suy nghĩ non nớt của con trẻ tôi cứ ngỡ trong quả thị là cô Tấm dịu hiền, nết na, xinh đẹp. Lớn lên một chút tôi hiểu rằng chuyện cổ tích là chuyện tưởng tượng trong dân gian và chuyện cô Tấm bước ra từ quả thị thực ra là phép nhân hóa trong văn học để chuyện thêm phần sinh động. Thế nhưng thị vẫn là thị, vẫn là loại quả mà tôi yêu và bằng mọi cách phải giữ bên mình để ngắm, để ngửi và khi chín mềm thì có thể thưởng cái vị ngòn ngọt, chan chát, thanh thanh mà không loại quả nào có được.
Nhà tôi không có thị. Cây thị cổ thụ là của nhà bác hàng xóm, nghe nói đến gần trăm tuổi nên khá cao và xum xuê cành, nhánh. Bởi thế lũ trẻ chúng tôi không được phép leo trèo để hái quả mà chỉ chờ thị rụng để nhặt hoặc chờ có người lớn hái về. Thế nên mỗi buổi sáng tinh sương tôi lại tha thẩn ra gốc thị và lẩm nhẩm câu thần chú của bà cụ tốt bụng trong chuyện cổ tích Tấm Cám: "Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”!.
Thị nhặt về hay xin về tôi để trên bàn học, ở đầu giường hay bất cứ chỗ nào có thể thưởng thức được mùi hương thoang thoảng. Bước chân vào giảng đường đại học trong hành trang của tôi vẫn mang theo quả thị thơm hương. 
Thời gian đằng đẵng trôi, cuốn vào công việc mưu sinh ở nơi phố thị, tôi ít về quê hơn và mỗi lần về lại quáng quàng thăm cô dì, chú bác nên chẳng còn thời gian chờ … thị rụng. Vài năm sau, làng tôi bước vào lộ trình xây dựng nông thôn mới, đường liên xóm được bê tông hóa, mở rộng khang trang vì thế cây thị nhà bác hàng xóm cũng bị đốn chặt. Hẳn nhiều nơi khác cũng vậy, hoặc vì lý do giá trị kinh tế không cao nên dẫu đến chợ huyện, chợ xã trong những ngày thu Tháng Tám cũng chẳng mấy khi gặp người bán thị. Cứ thế theo dòng chảy của thời gian, hương thị trong tôi dần trở thành hoài niệm.
Và nay tôi bắt gặp trên phố mùi hương nồng nàn trong gió thoảng - hương thị. Tôi thoăn thoắt "nhặt” thị từ chiếc sọt tre của chị bán hàng đem về thưởng thức. Lũ trẻ ngắm nhìn những trái vàng ươm, tròn lẳn xuýt xoa: Tuyệt quá! Đã thơm lại còn đẹp mắt!. Nhìn các con đón nhận món quà quê, tôi thực sự thấy nhẹ lòng và ngẫm: Thơm từ trong câu chuyện cổ tích, không gian của làng và càng nồng nàn hơn khi được đặt trong không gian nhà cao tầng ở nơi phố thị… hương thị sẽ còn phảng phất mãi với thời gian, trong tâm hồn mỗi người con đất Việt.

Lam Nguyệt 
(Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục