Tất cả những gì “cần phải làm” và “có thể làm” để nghiêm trị tội phạm ma túy, tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan tố tụng cần phải được ưu tiên. Tất nhiên, sự ưu tiên này cũng có nghĩa rằng, mọi quy định liên quan đến tội phạm ma túy trong pháp luật hình sự đều phải bảo đảm được áp dụng thống nhất, bình đẳng để xét xử công bằng, không làm oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm - đó là yêu cầu của các ĐBQH khi thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

 

Có bỏ lọt tội phạm ma túy?

Một nội dung được các ĐBQH tập trung thảo luận là, có nên xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự hay không?

Theo Tờ trình dự án Luật thì việc bổ sung quy định này là sự ghi nhận thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy hiện nay. Bản thân cơ quan chủ trì soạn thảo cũng thừa nhận rằng, việc quy định vấn đề này chưa bảo đảm được sự công bằng tuyệt đối trong mọi trường hợp phạm tội về ma túy nhưng ở chừng mực nhất định thể hiện mức độ hài hòa tương đối giữa yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong một số trường hợp phạm tội, nhất là những người phạm tội có khả năng bị áp dụng mức hình phạt cao.

Tuy nhiên, với quy định cụ thể trong dự thảo Luật, mục tiêu trên liệu có đạt được?

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại Phiên thảo luận sáng 26.10

 

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), thực tiễn điều tra, truy tố xét xử các vụ án ma túy  thời gian qua có 2 quan điểm chính: một là, sau khi thu giữ vật nghi là bánh ma túy thì chỉ giám định để xác định xem có phải là ma túy không. Nếu là bánh ma túy thì lấy toàn bộ bánh này quy ra trọng lượng để xử lý. Hai là, không chỉ giám định để xác định đó có phải là ma túy không mà còn phải giám định để xác định hàm lượng ma túy tinh chất chứa trong bánh ma túy, sau đó rút hàm lượng ma túy tinh chất này quy ra trọng lượng để xử lý. Dự thảo Luật đang được thiết kế theo cả 2 quan điểm nêu trên. Với cách quy định tại Khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều 252 bắt buộc phải giám định để xác định hàm lượng ma túy tinh chất là không phù hợp và chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn - ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu rõ. Ví dụ, cùng là hành vi phạm tội về ma túy nhưng nếu bị truy cứu theo Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 thì lại tính theo khối lượng ma túy thu giữ được, tức là lấy toàn bộ bánh ma túy đó để nhân ra cân, lạng và xử lý. Nhưng nếu bị truy cứu theo Khoản 4 là khoản có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân và tử hình thì lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất.

Không chỉ mâu thuẫn mà theo các ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông), ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên)… thì quy định như dự thảo Luật còn tạo ra sự bất bình đẳng trong chính sách, pháp luật về hình sự và cũng không bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của luật. Ví dụ, việc xử lý các vụ án thu được ma túy và không thu được ma túy. Hiện nay số vụ án không thu được ma túy ở nước ta đang chiếm hơn 20% tổng số án ma túy thụ lý. Mặc dù không thu được ma túy nhưng qua quá trình đấu tranh với đối tượng, qua khai thác người làm chứng và khai thác các đồng phạm khác, các cơ quan tố tụng vẫn có đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, vẫn ứng với các khung, khoản tương ứng của Bộ luật Hình sự để xử lý. Phải chăng tới đây, chúng ta sẽ phải áp dụng hai cách tính: Những vụ án không thu được ma túy thì sẽ tính theo khối lượng ma túy mà đối tượng khai nhận; còn những vụ án thu được ma túy thì lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất rút ra từ số ma túy thu giữ được?

Trong khi đó, một thực tế khác được ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) chỉ ra là, có một số vụ án, sau khi giám định, xác định hàm lượng chất ma túy trong chất thu giữ được rất thấp nên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã quyết định miễn chấp hành hình phạt hoặc hủy bản án có hiệu lực để xét xử lại với quyết định mức hình phạt nhẹ hơn đối với bị cáo. Vậy thì, việc quy định giám định hàm lượng tinh chất ma túy có tạo kẽ hở để vận dụng pháp luật một cách “linh hoạt” theo hướng xử nhẹ, bỏ sót, bỏ lọt tội phạm ma túy hay không? Rõ ràng, đây là mâu thuẫn lớn nhất mà dự thảo Luật chưa hề tính tới - ĐB Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh. 

Viện Kiểm sát đề nghị truy tố, Tòa án bảo không

Cũng theo các ĐBQH, vướng mắc trong xử lý tội phạm ma túy vừa qua không phải là do chưa có quy định về giám định hàm lượng tinh chất ma túy mà chủ yếu là do cách hiểu khác nhau của các ngành tư pháp.

Trong khi ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, nếu không giám định hàm lượng chất ma túy để làm căn cứ xét xử có thể dẫn đến xét xử oan thì theo ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), thực tế tại địa phương giải quyết án ma túy gặp nhiều khó khăn kể từ khi thực hiện Công văn số 234 ngày 17.9.2014 của Tòa án Nhân dân Tối cao. Công văn này nêu rõ, bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy để làm căn cứ kết tội các bị cáo, theo đó, trọng lượng chất ma túy đồng nghĩa với trọng lượng tinh chất ma túy. Nghĩa là, phải lấy trọng lượng của khối lượng chất ma túy nhân với hàm lượng để tính ra trọng lượng của tinh chất ma túy và lấy đó để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt. Tiếp đó, chỉ hơn 1 tháng sau, Tòa án Nhân dân Tối cao lại ra một Thông báo có nội dung: Việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc đối với các chất thu giữ được nghi là chất ma túy, để từ đó xác định trọng lượng chất ma túy được hiểu là trọng lượng ma túy tinh chất, ma túy nguyên chất. Nội dung này chưa phù hợp với các điều luật trong Chương XVIII Bộ luật Hình sự 1999, các tội phạm về ma túy quy định căn cứ vào trọng lượng và khối lượng chất ma túy để truy tố, xét xử chứ không căn cứ vào hàm lượng.

Cũng theo ĐB Bạch Thị Hương Thủy, ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra bắt giữ các đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có trọng lượng từ 0,1 đến 0,5g đã trưng cầu giám định có thành phần heroin nhưng không giám định được hàm lượng vì vậy đã không khởi tố vụ án hình sự mà trả tự do cho người bị tạm giữ. Trong giai đoạn truy tố có nhiều vụ án, cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố trước thời điểm có Công văn số 234 của Tòa án Nhân dân Tối cao. Đa số mới chỉ giám định loại ma túy mà chưa giám định hàm lượng. Viện Kiểm sát Nhân dân đã lập cáo trạng nhưng Tòa án Nhân dân không nhận hồ sơ nên phải tạm đình chỉ điều tra. Đến giai đoạn xét xử thì Tòa án Nhân dân lại trả lại hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu giám định hàm lượng. Như vậy, giữa các cơ quan tố tụng có những quan điểm khác nhau. Chính điều này đã gây khó khăn, ách tắc và làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống ma túy, nhiều vụ án đang giải quyết ở các giai đoạn tố tụng đã không khởi tố được.

Vậy thì, một quy định mâu thuẫn, không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không khả thi và không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy thì có nên được luật hóa?

 

                                                                           

 

                             Theonguoidaibieunhandan

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục