Chiều 26-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp di dời khẩn cấp, tái định cư (TĐC) và hỗ trợ người dân tại các vùng nguy hiểm do thiên tai, bão lụt ở một số tỉnh phía bắc vừa qua. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các địa phương báo cáo tình hình thiệt hại do lũ lụt; kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ để địa phương sớm khôi phục sản xuất và đời sống nhân dân. Đại diện các bộ, ngành cũng báo cáo Thủ tướng về các giải pháp hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai: hỗ trợ lương thực cho người dân; hỗ trợ TĐC cho những hộ dân bị thiệt hại, mất nhà cửa vừa qua; hỗ trợ sửa chữa hạ tầng, đê điều, những công trình quan trọng. TĐC tại chỗ, gắn với hạ tầng sẵn có, người dân có đất sản xuất. Rà soát toàn diện, quyết liệt các khu vực dễ sạt lở đất. Các bộ, ngành chức năng cùng với các địa phương vào cuộc, xây dựng kế hoạch TĐC, có lộ trình gắn với các đề án, dự án... Đánh giá lại chất lượng hồ đập thủy lợi, thủy điện, đê điều; có giải pháp khắc phục, sửa chữa. Các địa phương chủ động khắc phục ngay các vấn đề trước mắt như hỗ trợ, sơ tán, bố trí chỗ ở, đất cho dân bằng các nguồn kinh phí...

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vừa qua, bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã vào cuộc kịp thời, cố gắng hạn chế tối đa thiệt hại. Một số bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có cách làm sáng tạo, khoa học; một số địa phương có giải pháp sáng tạo, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, nhất là giảm nguy cơ vỡ đê. Điều đó cho thấy chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực trước, trong và sau bão lũ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần nỗ lực, chủ động, quán triệt tinh thần "4 tại chỗ trong khắc phục thiên tai, hỗ trợ kịp thời người dân của các cấp, ngành và địa phương. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần rút kinh nghiệm kịp thời, sâu sắc từ việc dự báo, đến chỉ đạo, điều hành khắc phục thiên tai vừa qua. Thủ tướng cũng lưu ý một số tỉnh, cơ quan chưa làm tốt công tác phòng, chống lụt bão.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải cấp bách tập lo chỗ ở cho người dân có cuộc sống ổn định, con em được đến trường an toàn hơn; hạn chế, không để dịch bệnh xảy ra; tiếp tục huy động các lực lượng hỗ trợ dân, địa phương, chăm sóc các gia đình bị nạn, không để bất cứ trường hợp nào bị cô đơn, bệnh tật, thương tật do thiên tai mà không được chăm sóc, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Trước mắt phải bảo đảm nước sạch cho người dân; các tỉnh bị thiếu lương thực thì phải báo cáo kịp thời Chính phủ để có phương án hỗ trợ; sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích, đối tượng. Ngành ngân hàng cần giãn nợ, giảm nợ cho người dân; chỉ đạo sát sao sản xuất vụ đông xuân, chủ động lo Tết cho người dân vùng bị thiên tai.

Thủ tướng giao Bộ NNPTNT sớm bảo đảm đủ nguồn giống cây lương thực, rau cho nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp. Huy động mọi lực lượng dưới sự hỗ trợ của Nhà nước bảo đảm thông suốt giao thông, lưới điện. Bộ Giao thông vận tải phải bảo đảm thông suốt các quốc lộ, nhất là ở Hòa Bình, Sơn La. Bộ NNPTNT chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trình phương án sửa chữa các hồ, đập thủy lợi ngay cuối năm nay. Trước mắt, các ngành, địa phương phải rút kinh nghiệm đợt mưa lũ vừa qua để rà soát, kiểm tra, chống mối ở đê, củng cố những đoạn xung yếu...; nghiên cứu, cân đối vốn ngân sách năm 2018 để ưu tiên công tác này. Bộ KHĐT nghiên cứu, chủ động tìm thêm nguồn vốn. Làm tốt công tác quy hoạch dân cư và bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là bảo đảm đất sản xuất an toàn cho dân. Kiểm soát, không để xảy ra nạn phá rừng, phá núi lấy đá gây nguy hiểm.

Bộ NNPTNT cùng Bộ Tài chính tập hợp số liệu thiệt hại của các địa phương, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp hỗ trợ. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp của địa phương thì các tỉnh cũng phải tích cực vận động sự ủng hộ của người dân, các cơ quan, tổ chức..., sử dụng nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, đúng mục đích, đối tượng; trong đó Chủ tịch UBND các địa phương phải sâu sát, chịu trách nhiệm vấn đề này, huy động nhân dân, các lực lượng như thanh niên, công an, quân đội hỗ trợ, làm lại nhà cửa cho người dân.

Thủ tướng nhất trí sớm tổ chức hội nghị phòng, chống thiên tai của Việt Nam. Bộ NNPTNT cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chuẩn bị tốt nội dung hội nghị này. Các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành phải sâu sát, đi kiểm tra việc khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương. Thủ tướng khẳng định, T.Ư nỗ lực hỗ trợ để các địa phương sớm khắc phục thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất.


                                             Theo Báo Nhân Dân

 


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục