(HBĐT) - Ngày 22/1, tại Hòa Bình, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo "Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi - Những góc nhìn đa chiều”.


Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế và lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Trà Vinh và Gia Lai. Đồng chí Hà Ngọc Chiến, UVBCH T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát, chủ trì hội thảo. Dự Hội thảo có đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

Tham luận tại Hội thảo, đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đánh giá: Trải qua 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã được cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, nhân dân cả nước ghi nhớ và đã đi vào tiềm thức như là một "thương hiệu” đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn 27,56%, gấp hơn bốn lần so với tỷ lệ nghèo chung của cả nước (6,71%). Việc bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách cần mang tính ổn định, dài hạn; công khai đối tượng thụ hưởng, định mức vốn đầu tư hỗ trợ, tạo tâm lý tin cậy cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo; cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư, các chính sách giảm nghèo được giải quyết kịp thời đúng quy định; tổ chức mua, cấp thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng; hỗ trợ hộ nghèo vay vốn; đào tạo nghề giải quyết việc làm... Bên cạnh các kết quả đạt được còn những hạn chế, yếu kém: Xuất phát điểm kinh tế - xã hội của tỉnh thấp, hệ thống giao thông chưa thuận lợi, điều kiện xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhiều mặt; tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số còn cao; các chính sách giảm nghèo còn dàn trải; vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí nêu một số đề xuất, kiến nghị: Hiện nay việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW đã kết thúc; Đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có ý kiến, đề xuất với Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết mới về giảm nghèo bền vững cho vùng Tây Bắc. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu giảm bớt các chính sách hỗ trợ (cho không) thay thế bằng các chính sách cho vay có hoàn trả, khuyến khích hỗ trợ phát triển để người nghèo giảm bớt sự ỷ lại và phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nâng định mức cho vay, đơn giản về thủ tục để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp tục rà soát, đánh giá tác động việc thực hiện chính sách, đề xuất chính sách cần tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản, tránh trùng chéo và dàn trải nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phù hợp với nguồn lực. Đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu bố trí bổ sung thêm vốn cho Chương trình 135 ngoài vốn trung hạn đã xác định cho Chương trình, hoàn thiện các trung tâm cụm xã còn dở dang để sớm hoàn thành mục tiêu cho các xã, thôn bản vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Tại Hội thảo, đại diện UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh kết cấu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phân công các bộ, ngành quản lý dự án, tiểu dự án hợp lý hơn, tạo thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực hiện vì hiện nay kết cấu của Chương trình có nhiều điểm chưa phù hợp, cùng một nội dung hoạt động nhưng lại được tách thành nhiều dự án; việc bố trí cơ quan chủ trì, cơ quan thực hiện các tiểu dự án nên khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng chí Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nêu bất cập do cơ chế thực hiện trong từng dự án khác nhau, không có sự thống nhất. Nguồn vốn ngân sách trung ương chưa được Quốc hội phê duyệt năm năm, chưa có cơ chế quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương.

Kết luận hội thảo, đồng chí Hà Ngọc Chiến, UVBCH T. Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát, nhấn mạnh: Những ý kiến tham luận của đại biểu đóng góp rất thiết thực, bổ ích để năm 2019 đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012- 2018” tại 12 tỉnh.

Đoàn giám sát giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá thực trạng công tác quản lý, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018.

Với nội dung giám sát lớn, rà soát các quy định của pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi để thấy được những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.


 

                                                                        P.V (T.H) 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục