(HBĐT) - Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về nội dung đánh giá bổ sung kết quả phát triển KT-XH, ngân sách Nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách Nhà nước 2017. 




Đại biểu Bạch Bạch Thị Hương Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 31/5.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy có 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch, như: Tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, đạt giá trị hơn 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD. Năm 2019, kinh tế tiếp tục khởi sắc trong quý I, GDP đạt 6,79%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,71% trong 4 tháng. Đánh giá những kết quả đạt được những tháng đầu năm 2019, Chính phủ nhận định mặc dù còn những hạn chế, yếu kém, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KT-XH nước ta những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra không ít những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế chúng ta đang phải đối mặt...

Tham gia phiên thảo luận, bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những nguyên nhân qua đó đề xuất các giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Trong đó có vấn đề tăng giá điện, tình trạng gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương, đặc biệt là khâu chấm thi gây nên bức xúc trong dư luận xã hội, hay vấn đề bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo...

Phát biểu trong phiên thảo luận sáng 31/5, liên quan đến lĩnh vực AN-QP, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) bày tỏ lo ngại về tình hình phức tạp của các loại hình tội phạm, nạn bạo lực học đường và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội... trong giai đoạn hiện nay. Trước thực trạng đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm phòng ngừa, xử lý kịp thời, kiên quyết đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn nhân lực, bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, chiến lược có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là đối với các tỉnh đặc thù có án ma túy tuyến Tây Bắc và các tỉnh có cửa khẩu biên giới.

Phát biểu kết luận sau 1,5 ngày thảo luận toàn thể tại hội trường về KT-XH và ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, ngành và biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách Nhà nước.

Sau 1,5 ngày làm việc đã có 77 đại biểu Quốc hội phát biểu, 9 đại biểu tham gia tranh luận về một số nội dung; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã tham gia giải trình, cung cấp thông tin thêm một số vấn đề có liên quan.
Chiều cùng ngày, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Trước đó, chiều ngày 20/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung 2 dự án Luật trên. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.



P.V (TH)

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục