Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hoà Bình.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hoà Bình.

(HBĐT) - Ngày 29/7, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138/CP) đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2013; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Cửu – Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.

 

6 tháng đầu năm 2013, tình hình, các loại tội phạm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, phạm pháp hình sự phát hiện 28.482 vụ (tăng 6,05%) so với cùng kỳ. Các ngành chức năng đã điều tra, khám phá trên 21 nghìn vụ phạm pháp tội phạm hình sự, bắt, xử lý trên 46 nghìn đối tượng, đạt tỷ lệ 74,83%; triệt phá 1 nghìn băng nhóm tội phạm các loại, xử lý trên 6 nghìn đối tượng; bắt hơn 4 nghìn vụ cờ bạc, xử lý trên 20 nghìn đối tượng; đã điều tra làm rõ 168 vụ phạm tội mua bán người, bắt 286 đối tượng. Về tội phạm kinh tế, tham nhũng, đã phát hiện gần 7 nghìn vụ phạm tội, thiệt hại trên 61 nghìn tỷ đồng; thu hồi cho Nhà nước 16 tỷ đồng. Tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phổ biến với trên 6 nghìn vụ (tăng 56% so với cùng kỳ). Trên lĩnh vực đấu tranh, phòng chống ma túy, đã phát hiện, bắt giữ trên 10 nghìn vụ với 15 nghìn đối tượng, thu giữ 466 kg heroin, 83 kg thuốc phiện, 46 kg và 140 nghìn viên ma túy tổng hợp, 115 kg cần sa. Công tác tuy nã tội phạm, đã bắt, thanh loại, vận động đầu thú trên 4 nghìn đối tượng.

 

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 32.381 vụ với 57.854 bị can; Tòa án nhân dân các cấp xét xử 32.253 vụ án với 56.385 bị cáo.

 

Bộ Công an và các địa phương đã tổ chức vận động nhân dân giao nộp 407 khẩu súng, 3.258 viên đạn, 342 quả mìn, 12 quả bom, 167 quả lựu đạn.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tệ nạn xã hội tăng cả về quy mô và tính chất. Hiệu quả phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm do nguyên nhân xã hội nói riêng chưa cao, nhiều người dân không dám tố giác, đấu tranh với tội phạm vì sợ bị trả thù; hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, nhất là đối với số đối tượng có nguy cơ cao phạm tội. Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, còn để tội phạm lợi dụng hoạt động.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất về  một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống tội phạm 6 tháng cuối năm 2013. Cụ thể như: triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”. Tổ chức nắm tình hình, thực hiện hiệu quả công tác nghiệp vụ phòng ngừa tội phạm của các lực lượng chức năng, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Đồng thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại 25 tỉnh, thành phố, tạo sự chuyển biến thật sự ở địa bàn cơ sở. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ 9 nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết đã ban hành về phòng, chống tội phạm; coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các địa phương cần đưa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đi vào thực chất. Mở nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm, xử lý dứt điểm các băng nhóm tội phạm, kiên quyết không để tồn tại tình trạng băng nhóm tội phạm hoạt động có tính chất “xã hội đen”; xử lý nghiêm hành vi “bảo kê”; kiểm điểm các địa phương, đơn vị để xảy ra hiện tượng tội phạm lộng hành. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chủ động tuần tra, kiểm soát, xử lý hiệu quả tin báo tố giác tội phạm để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tội phạm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về AN – TT. Bên cạnh đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị cần vận động hội viên, nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt đồng phòng chống tội phạm; phát huy vai trò cán bộ tại cơ sở và người có uy tín tại công đồng trong việc tuyên truyền, nắm tình hình. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xem xét bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống tội phạm.

                                                                                                           

                                                                 

                                                        Dương Liễu

 

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục