(HBĐT) - Chung tay với công tác bảo trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp NKT Long Thành, tổ 14, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) được thành lập tháng 11/2002, dạy nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh. Qua 21 năm hoạt động, cán bộ, giáo viên trung tâm với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cùng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay chia sẻ khó khăn, thiệt thòi với NKT.


Giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp người khuyết tật Long Thành tận tình dạy nghề cho người khuyết tật.

Bà Đào Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp NKT Long Thành cho biết: "Đến nay, trung tâm đã tổ chức hiệu quả các lớp giáo dục nghề nghiệp cho 4.010 học viên với đa dạng nghề nghiệp như: thêu, may, mộc, mây tre đan, làm chổi chít… trong đó đã có 1.060 học viên là đối tượng khuyết tật. Sau các khóa học nghề, trung tâm giúp nhiều học viên có việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, xưởng sản xuất trong và ngoài tỉnh với mức lương từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng”.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp NKT  Long Thành đã nuôi dạy và miễn phí đào tạo các học viên là trẻ mồ côi và thanh niên khuyết tật là người dân tộc thiểu số; dạy kỹ năng mềm cho trẻ em bị thiểu năng trí tuệ và ngôn ngữ ký hiệu cho người câm, điếc. Qua đó, có 4.285 học viên tham gia, giúp các em việc làm ổn định, dần tự lập trong cuộc sống. Cùng với các đơn vị, nhóm thiện nguyện như: Hội Chữ thập đỏ tỉnh, CLB Thiện nguyện trái tim, CLB Thiện nguyện áo xanh… đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NKT tại Trung tâm như: Ngày NKT Việt Nam 18/4 hàng năm, chương trình "Kết nối yêu thương”, giao lưu văn nghệ, thăm hỏi động viên NKT khi ốm đau… Trung tâm luôn tích cực vận động nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần làm vơi đi nỗi đau, giảm bớt khó khăn và tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Anh Đinh Tuấn Dũng, giảng viên lớp học về may cho NKT tại Trung tâm cho biết: "Do khiếm khuyết cơ thể, hạn chế vận động, thậm chí cả về tư duy, giao tiếp nên việc dạy nghề cho các em tương đối khó khăn, đều là cầm tay chỉ việc. Những học viên khuyết tật về thính giác tôi phải sử dụng chữ nổi và ngôn ngữ kí hiệu khác để giao tiếp, truyền đạt kiến thức cho các em. Trong quá trình dạy nghề, tôi cùng các giảng viên luôn ân cần, chỉ bảo, tránh để các em tự ti khi giao tiếp, dần thích nghi với công việc”.

Đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp NKT Long Thành đã vun đắp được 30 cặp đôi vợ chồng là người khuyết tật có mái ấm gia đình riêng, sinh được 29 cháu bé khỏe mạnh, không bị di truyền các dị tật của bố mẹ. Hạnh phúc được làm cha làm mẹ chính là động lực, tiếp thêm nghị lực cho NKT vươn lên, vượt qua mọi khó khăn. Các đôi vợ chồng NKT cùng bảo ban nhau cố gắng, tiếp tục học tập, tham gia sản xuất để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ những kết quả đó, trong suốt 21 năm qua, trung tâm đã được Bộ LĐ-TB&XH, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, UBND tỉnh và địa phương tặng 16 bằng khen, 8 giấy khen cùng nhiều kỷ niệm chương trong sự nghiệp bảo trợ, dạy nghề cho NKT. Tuy nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể nhưng việc hòa nhập của NKT với cộng đồng xã hội còn nhiều rào cản, trong đó có việc đi lại, sinh hoạt, giao tiếp, trình độ văn hóa… Bên cạnh đó, quan điểm của một bộ phận cộng đồng đối với NKT vẫn là từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ công việc đơn giản, thu nhập thấp, chưa đảm bảo hoàn toàn việc bình đẳng xã hội. Vì vậy, mong muốn lớn nhất đối với NKT là sự bình đẳng, công bằng, dần xóa bỏ rào cản để đem đến nhiều cơ hội việc làm hơn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.


Hoàng Anh

Các tin khác


Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Thủy: Tích cực tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lạc Thủy tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, sơ cấp cứu, cứu trợ đột xuất, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhất là tại các xã ven sông Bôi.

Phát hiện 1 quả đạn pháo chưa nổ tồn sót sau chiến tranh ở lòng sông Đà

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, Công an phường Thịnh Lang vừa tiếp nhận 1 quả đạn pháo là vật liệu nổ nguy hiểm tồn sót sau chiến tranh do người dân phát hiện tại khu vực bờ sông Đà thuộc phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình).

Phân bổ 13,5 tỷ đồng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND về phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024.

Huyện Mai Châu đa dạng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tại huyện vùng cao Mai Châu, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai: Khẩn trương cấp cứu người bị nạn

Liên quan đến vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương cấp cứu người bị nạn, điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2024

Trong tháng 5/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến đến công chức, viên chức, về giá điện, lĩnh vực giáo dục..

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục