Với bốn ngày nghỉ dịp lễ 30/4 -1/5, du lịch nội địa dự kiến sẽ hút khách và đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, qua dịp nghỉ lể Giỗ Tổ Vua Hùng vừa qua, các điểm du lịch luôn chật kín khách cho thấy nhu cầu đi chơi dịp này của người dân rất lớn.


Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội vừa qua giới thiệu nhiều chương trình hấp dẫn cho dịp 30/4-1/5.

Chọn nghỉ dưỡng và du lịch khám phá

Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, do kỳ nghỉ dịp lễ30/4 và 1/5 kéo dài bốn ngày, nên xu hướng chung của mọi người là chọn loại hình nghỉ dưỡng và khám phá trải nghiệm theo nhóm nhỏ.

Chị Nguyễn Hoài An (Cầu Giấy, Hà Nội) cuối tuần vừa qua có lên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để chọn mua vé và chương trình du lịch. "Sau khi tham khảo các chương trình, tôi và nhóm bạn đã quyết định mua combo nghỉ dưỡng tại Ba Vì. Giá cả và dịch vụ so với các năm trước không tăng và được ưu đãi thêm nhiều dịch vụ", chị Hoài An cho biết.

Từ phía công ty du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết: Công suất phòng tại hai cơ sở nghỉ dưỡng của Flamingo dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã đạt trên 90%; còn các chương trình tour, khách đặt chỗ gần 70%. Xu hướng năm nay khách đặt tour theo từng gói dịch vụ và đi theo nhóm nhỏ.

Trong khi đó, ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Neworld Travel nhìn nhận: Khách đi du lịch dịp 30/4-1/5 và dịp hè phân ra hai luồng rõ nét. Với những khách có kế hoạch từ trước, thường họ chốt lịch sớm để thuận tiện cho đặt các dịch vụ đi kèm. Với nhóm khách còn lại, vẫn theo thói quen nghe ngóng tình hình dịch,đến sát ngày khởi hành mới đặt dịch vụ. "Hiện nay, với những tuyến sử dụng đường hàng không, việc đặt vé trong tháng 4 thì còn có giá rẻ, nhưng từ tháng 5 trở đi, các tuyến sử dụng đường hàng không đến các điểm du lịch nổi tiếng giá vé tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Điều này đồng nghĩa kéo theo giá các dịch vụ một chương trình du lịch tăng rất cao, nhất là các tuyến du lịch biển từ tháng 6 đến tháng 8", ông Tùng chia sẻ.

Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển và miền núi tiếp tục sẽ là lựa chọn của nhiều du khách trong dịp hè này. Bên cạnh đó, du khách sẽ lựa chọn khám phá các điểm mới mang tính trải nghiệm theo từng vùng, dựa trên các lợi thế về hạ tầng giao thông, thiên nhiên cảnh quan…

Ưu tiên đảm bảo an toàn phòng dịch

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Thống kê từ các địa phương, trong ba tháng đầu năm, lượng khách du lịch đạt gần 17 triệu lượt. Công suất đặt phòng các cơ sở lưu trú tăng từ 10% lên 60% trong hơn tuần qua. Thống kê từ các đơn vị du lịch và các trang thông tin cho thấy, xu hướng phổ biến là chọn mua combo (vé máy bay và khách sạn) với thời gian đi từ 3-5 ngày.

"Với tình hình các nước xung quanh Việt Nam vẫn đang phải nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch khuyến cáo các đơn vị du lịch, các điểm du lịch thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch của Bộ Y tế theo thông điệp"5K” gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Đặc biệt, trong dịp cao điểm du lịch sắp tới, Tổng cục Du lịch định hướng các địa phương và các đơn vị du lịch không nên quá tập trung khai thác vào 1 điểm mà giãn lượng khách đến các điểm đến mới, giảm tập trung đông người”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết.

Theo phân tích của ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch): Trong năm nay, thị trường du lịch Việt Nam vẫn tập trung vào khách nội địa và đẩy mạnh liên kết để thu hút khách. Toàn ngành tăng cường truyền thông với thông điệp "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”;tập trung về tiêu chí sức khỏe, an toàn, các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày với chi phí hợp lý, các yếu tố liên quan đến sự an toàn và trình độ y tế, khả năng hỗ trợ sức khỏe của điểm đến; cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch nhằm đảm bảo năng lực cung ứng trong môi trường du lịch mới khi thói quen tiêu dùng, nhu cầu du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Đối với sản phẩm du lịch Việt Nam, ngành tiếp tục định hướng xây dựng trên những có lợi thế của Du lịch Việt Nam như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist: "Gần đây, loại hình du lịch Caravan khá phát triển, đáp ứng nhu cầu đi du lịch theo nhóm. Theo đó, trước những thay đổi của thị trường, các đơn vị du lịch sẽ cung cấp từng phần dịch vụ một cách linh hoạt hơn. Đồng thời, khi bán sản phẩm, các doanh nghiệp lữ hành luôn yêu cầu du khách thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch. Bởi hơn ai hết, qua 3 đợt bùng phát dịch trong cộng đồng, các doanh nghiệp du lịch hiểu hơn ai hết nếu không thực hiện phòng dịch thì thiệt hại đầu tiên sẽ là ngành dịch vụ".


Theo Baotintuc

Các tin khác


VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục