(HBĐT) - Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn đa dạng, phong phú, Hoà Bình đang phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Đây là xu hướng du lịch đặc biệt thu hút khách, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Du khách đang quay trở lại những giá trị cốt lõi và tìm đến sự an toàn.


Homestay Moon House là chốn dừng chân lý tưởng trên hành trình khám phá điểm du lịch cộng đồng bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc).

Có tuổi đời trên 700 năm, bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) vốn rất nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam, được du khách trong nước, quốc tế lựa chọn là điểm đến ưa thích. Khám phá bản làng, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên đẹp tựa bức tranh thuỷ mặc, được tìm hiểu kiến trúc truyền thống của những nếp nhà sàn cổ của người Thái, thưởng thức những món ăn mang hương vị ẩm thực đặc trưng, say đắm trong những làn điệu dân ca, múa sạp, múa xoè bên ánh lửa bập bùng, ấm áp và trầm trồ trước sự khéo léo của các cô gái Thái bên khung cửi dệt nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo.

Vượt quãng đường dài gần 40km từ trung tâm huyện Mai Châu, qua rừng già và ngọn núi cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, du khách đến với bản du lịch cộng đồng Hang Kia, xã Hang Kia. Bản làng của người dân tộc Mông này còn lưu giữ được kiến trúc cảnh quan, nhà ở, đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Trên vùng đất mới, du khách thoả trí tò mò khi trải nghiệm nét văn hoá dân tộc, nghề dệt thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong… và thưởng thức ẩm thực địa phương, như thắng cố, bánh dầy giã tay, mèn mén, cải mèo, gà, lợn bản, măng rừng ăn kèm gia vị quyện trong mùi mắc khén. Từ đây, du khách có thể đi đến các điểm cao trên núi như khu Cổng Trời là địa thế lý tưởng để săn mây, đi khu Pà Khôm, Thung Mài hoặc lên núi Sảm Thà để phóng tầm mắt ngắm đỉnh Pù Luông (Thanh Hoá), đỉnh Pha Luông (Sơn La) mà chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hít thở không khí trong lành.

Một điểm đến du khách khó lòng bỏ qua khi trải nghiệm DLCĐ ở Hoà Bình là bản Luỹ Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Nằm trong một thung lũng nhỏ với những triền đồi bao quanh, bên dòng suối Ải hiền hoà, bản Luỹ Ải là không gian cư trú, sinh sống của người Mường từ rất lâu đời, có hơn 50 nhà sàn truyền thống. Các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc Mường còn được lưu giữ, bảo tồn. Vì thế, đây cũng là điểm đến với những ai đam mê tìm hiểu, nghiên cứu văn hoá dân gian. Đến bản, du khách còn được thả hồn trong những áng Mo của sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước” nổi tiếng. Bản sắc văn hoá độc đáo và sự hồn hậu, hiếu khách của người dân chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó phai.

Trên hành trình khám phá, du khách đừng quên ghé thăm các bản làng DLCĐ trên hồ Hoà Bình để có thêm thật nhiều trải nghiệm. Được hình thành từ việc đắp đập, ngăn sông, chinh phục thiên nhiên, sông Đà hung dữ nay trở thành hồ nhân tạo lớn, hiền hoà và là khu du lịch hấp dẫn. Khu vực lòng hồ có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, dọc theo dãy núi đá vôi và hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ, nhiều màu sắc. Trên hồ còn có những vịnh nước nhỏ trong xanh bốn mùa, những cánh rừng bạt ngàn hai bên bờ với hệ thực vật phong phú, xen lẫn những bản làng dân tộc còn nguyên bản sắc. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, mang vẻ nguyên sơ, bình yên giữa sông nước mênh mang.

Trên KDL hồ Hoà Bình, có nhiều điểm đến DLCĐ được lòng du khách, tiêu biểu là điểm DLCĐ Đá Bia - xã Tiền Phong (Đà Bắc). Nơi đây là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn thư giãn, khám phá và trải nghiệm cuộc sống của người Mường Ao Tá với vẻ đẹp nguyên vẹn của tự nhiên, cảm nhận không khí mát mẻ của núi rừng, ngắm nhìn những áng mây trắng bồng bềnh như dải lụa quấn quanh đỉnh núi, hoà cùng tiếng hót của các loài chim. Thú vị hơn, du khách được trải nghiệm các dịch vụ đạp xe đạp, đi bộ thăm bản, phục vụ ăn nghỉ tại nhà dân, mua các sản phẩm địa phương tại quán Tự giác (chọn hàng và tự trả tiền), bơi bè mảng, chèo thuyền kayak, tắm thác, lội suối… Bản hội tụ đầy đủ yếu tố thiên nhiên, văn hoá bản địa và vinh dự trở thành 1 trong 3 khu du lịch của cả nước nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018.


Bản du lịch cộng đồng Nà Phòn, xã Nà Phòn (Mai Châu) mang đến cho du khách những trải nghiệm cuộc sống yên bình.

Nằm ở độ cao khoảng 530m so với mực nước biển, bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) tựa lưng vào dải núi Biều hùng vĩ, phía trước là cánh đồng, ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài. Đây là nơi sinh sống của 75 hộ đồng bào người Dao Tiền. Với cảnh quan hoang sơ, nhiều giá trị văn hoá còn được lưu giữ, bản DLCĐ này đón nhiều du khách quốc tế. Văn hoá ẩm thực ở đây cũng khác biệt với món rượu hoẵng, thịt muối chua… Du khách cũng được tham gia các hoạt động trải nghiệm đáng nhớ, như cấy lúa, trồng rừng, chăn nuôi, nấu cơm, đánh bắt cá…

Giờ đây, thông qua các chương trình tour tuyến du lịch, các điểm DLCĐ của tỉnh được biết đến nhiều hơn. Một số điểm đến DLCĐ được du khách yêu thích như: bản Ngòi - xã Suối Hoa (Tân Lạc) thuộc vùng "trái tim” KDL hồ Hoà Bình; bản Mỗ - xã Bình Thanh (Cao Phong) nằm cách trung tâm thành phố Hoà Bình chừng 12 km; bản Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn) mang vẻ đẹp quyến rũ vùng cao… Các điểm đến tập trung nhiều ở huyện Mai Châu và một số địa phương thuộc KDL hồ Hoà Bình (Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong). Cùng với mô hình DLCĐ, các nhà nghỉ DLCĐ (homestay) tăng nhanh cả về quy mô, chất lượng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 160 nhà nghỉ DLCĐ, các nhà nghỉ từng bước đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài dịch vụ lưu trú, ăn uống, các điểm DLCĐ còn khai thác dịch vụ kèm theo, như biểu diễn văn nghệ, cho thuê thuyền, bè mảng, xe đạp, công tác hướng dẫn, thuyết minh giới thiệu khách thăm quan bản làng, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hoá… Hoạt động DLCĐ đã và đang được tỉnh tăng cường quảng bá, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phát triển theo hướng an toàn, thân thiện và bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc bản địa, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Đồng thời, mô hình mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời trên hành trình tìm đến không gian tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hoá truyền thống.


Lạc Bình


Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục