(HBĐT) - Công việc của một phóng viên có 16 năm gắn bó với "ngôi nhà” Báo Hòa Bình đã rèn giũa tôi trở thành cây bút đa năng, tham gia viết ở nhiều lĩnh vực, từ xây dựng Đảng - nội chính, kinh tế đến văn hóa - xã hội. Trong đó, mảng đề tài về du lịch với tôi dường như là mối duyên. Tôi có nhiều cơ hội được đi, được gặp, được khám phá và trải nghiệm.


Phóng viên Báo Hoà Bình làm nhân vật trải nghiệm nhằm đổi mới các clip quảng bá sức hút du lịch vùng hồ Hoà Bình. Ảnh: P.V

Không chỉ có vị trí thuận lợi, gần thị trường du lịch lớn, Hòa Bình quê hương tôi còn có phong cảnh "sơn thủy hữu tình” với dòng sông Đà nên thơ mà hùng vĩ, nền văn hóa Hòa Bình đậm đà bản sắc được đặt cho tên gọi "Miền sử thi”. Hàng triệu khách trong nước và đông đảo khách quốc tế vì yêu mến thiên nhiên, văn hóa, con người Hòa Bình mà đến thăm quan, du lịch nhiều lần. Quá trình tham gia viết về du lịch, tôi đã đặt chân đến hầu khắp các điểm đến của tỉnh. Những lần tác nghiệp đó có khi là kết hợp tham gia chương trình thăm quan, du lịch của các đoàn khách, có khi do tôi chủ động lên kế hoạch công việc và phương tiện.

Một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ trên hành trình khám phá du lịch Hòa Bình là khu du lịch (KDL) Mai Châu. KDL với vẻ đẹp của thung lũng mờ sương, bản của cộng đồng người Thái, người Mông yên bình cùng nét văn hóa truyền thống độc đáo đã níu chân tôi trở lại. Mỗi chuyến đi mang đến cho tôi cảm xúc, lưu lại những khoảnh khắc, ghi lại những hình ảnh tươi đẹp, sống động về cảnh vật, văn hóa, con người. Đó là các bản du lịch cộng đồng nổi tiếng như bản Lác - xã Chiềng Châu, bản Văn, bản Pom Coọng - thị trấn Mai Châu, bản Hịch - xã Mai Hịch, bản Bước - xã Xăm Khòe, bản Hang Kia - xã Hang Kia, bản Pà Cò - xã Pà Cò; khám phá các điểm đến hấp dẫn và thú vị khác như: Cột cờ Mai Châu, hang Chiều, thác Gò Lào; trải nghiệm kỳ nghỉ dưỡng tuyệt tại các KDL sinh thái Avana Retreat, Mai Châu Ecolodge,Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort…

KDL hồ Hòa Bình đang là điểm nhấn của tỉnh với mục tiêu trở thành điểm du lịch hấp dẫn vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Ngoài những lần một mình rong ruổi vãn cảnh đẹp, ghé thăm tìm hiểu cuộc sống của bà con làm nghề du lịch trên các bản làng, tôi có dịp cùng đoàn famtrip là các nhà báo, các hãng lữ hành thực hiện chương trình khảo sát du lịch nhằm tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, tìm kiếm cơ hội thu hút thị trường khách. Chuyến công tác thường kéo dài từ 3 - 5 ngày là dịp để tôi được khám phá nhiều hơn, trải nghiệm ngủ nhà sàn Mường, những phong tục, tập quán đẹp, riêng có ở mỗi bản làng, đón nhận tình cảm chân thành, mộc mạc của người dân bản địa. Sau mỗi hành trình như vậy cho tôi nguồn cảm hứng để viết nên những tác phẩm báo chí chân thực và sinh động.

Viết về du lịch cũng đòi hỏi phóng viên sáng tạo, đổi mới về hình thức thể hiện, tránh cách viết hời hợt, "nhàn nhạt” theo lối mòn. Kết hợp với phóng viên quay phim Báo Hòa Bình điện tử, tôi mạnh dạn thử nghiệm dẫn chương trình tại hiện trường, làm nhân vật trải nghiệm du lịch trong các clip về du lịch để tạo tính hấp dẫn, thu hút nhiều hơn lượt người xem. Cách làm này được Ban Biên tập khuyến khích và ủng hộ.

Còn nhớ trong giai đoạn hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, có thời điểm "đóng băng”. Những lần đi tìm hiểu thực tế, cánh nhà báo chúng tôi hơn lúc nào hết đồng cảm và chia sẻ những thách thức, khó khăn mà doanh nghiệp, hộ làm du lịch phải đối mặt, thôi thúc chúng tôi dùng ngòi bút nói lên tâm tư, tiếng lòng của họ. Cũng bằng bài viết của mình, tôi cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng hỗ trợ doanh nghiệp, người làm du lịch vượt qua đại dịch; tích cực chuyển tải các thông điệp kích cầu du lịch, phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Không chỉ quảng bá cho du lịch quê hương, tôi còn có dịp đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, có khi còn được thăm quan ở nước ngoài tại Hàn Quốc - xứ sở Kim Chi. Những chuyến đi đó tôi có cơ hội ghé thăm những địa điểm du lịch nổi tiếng, lấy thông tin tư liệu viết bài giới thiệu điểm đến du lịch bốn phương.

Với tôi, tham gia viết ở mảng du lịch là vinh dự mà nghề làm báo dành cho. Trong suốt hành trình đó, tôi đã và sẽ tiếp tục góp sức nhỏ bé của mình cùng tập thể cán bộ, phóng viên, Ban Biên tập Báo Hoà Bình tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về phát triển du lịch; những thành tựu đổi mới về du lịch, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh "Hoà Bình - điểm đến du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” tới du khách trong và ngoài nước, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Bùi Minh


Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục