(HBĐT) - Từ quý II/2022, hoạt động du lịch Hoà Bình có dấu hiệu khởi sắc và phục hồi ấn tượng trở lại. Các khu, điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, công tác phòng, chống dịch bệnh; nhiều điểm đến xây dựng được sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Đây chính là những yếu tố tạo nên sức hút cho du lịch Hoà Bình.


Du khách nghỉ dưỡng tại khu du lịch Mai Châu Hideaway tham gia hoạt động thể thao chèo thuyền kayak trên vùng hồ Hòa Bình. 

Gần Thủ đô Hà Nội, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá Hoà Bình độc đáo, hoạt động du lịch đã kết hợp khai thác những tiềm năng, lợi thế này, đồng thời tích cực triển khai các sản phẩm dịch vụ, giúp tăng khả năng cạnh tranh và sức hút tại các điểm đến. Điển hình là khu du lịch (KDL) Serena Resort Kim Bôi được ví như "thiên đường nghỉ dưỡng nơi núi rừng Tây Bắc”. KDL tiêu chuẩn 4 sao tuyệt đẹp này đã trở thành cái tên quen thuộc đối với du khách lựa chọn làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần. Nhờ không gian thơ mộng, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích, hệ thống bể sục khoáng nóng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp…, KDL rất được lòng du khách, tỷ lệ lấp đầy phòng nghỉ bình quân đạt trên 70%, thường xuyên "cháy” phòng vào dịp nghỉ lễ dài ngày. Các KDL khác như: Avana Retreat, Ba Khan Villa Resort, Mai Châu Hideaway (Mai Châu); An Lạc Ecofarm Hot and Spring (Kim Bôi); Ivory Villas & Resort, Sun Set, Phượng Hoàng Golf Phoenix (Lương Sơn); Hasu Villas (TP Hoà Bình)… cũng được đánh giá cao bởi sự phức hợp về tiện ích, nơi cung cấp hoàn hảo các nhu cầu nghỉ dưỡng, cảnh quan sơn thuỷ hữu tình. 

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch của tỉnh khai thác tốt tài nguyên thiên nhiên và nhân văn với các điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) hấp dẫn, các KDL trên vùng hồ Hòa Bình. Theo đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, là một trong những địa phương có nhiều điểm đến DLCĐ, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức, đơn vị hỗ trợ người dân thúc đẩy phục hồi du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Từ sau trở lại trạng thái bình thường mới, DLCĐ của huyện đã đón trên 20.000 lượt khách, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm quan, tìm hiểu cảnh quan, bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc Mường, Dao.
Đặc biệt, du lịch Hòa Bình còn tạo sức hút bởi chương trình kích cầu được tổ chức quy mô từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố. Nổi bật là chương trình kích cầu du lịch tỉnh năm 2022 với chủ đề "Hòa Bình, điểm đến du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”; TP Hòa Bình tổ chức chương trình trải nghiệm bay dù lượn với chủ đề "Trời mây xứ Mường”, "Bay trên sông Đà mừng ngày hội thống nhất”; huyện Lạc Thủy với chương trình "Hành trình trải nghiệm du lịch tâm linh”; huyện Mai Châu với chương trình "Tái hiện phiên chợ vùng cao Mai Châu”; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tổ chức phiên chợ vùng cao Hoà Bình với chủ đề "Nơi hội tụ và lan toả” nhân dịp tỉnh đăng cai tổ chức môn xe đạp SEA Games 31. Ngoài ra, tỉnh tăng cường quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Cùng với đó, xây lắp các biển chỉ dẫn, quảng cáo du lịch, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin và các điểm truy cập mạng cho khách du lịch, ưu tiên cho KDL Mai Châu, KDL quốc gia hồ Hòa Bình và các điểm DLCĐ. Dịp cuối tháng 7, tỉnh tổ chức chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022, qua đó tạo cơ hội lớn để quảng bá văn hóa, du lịch Hòa Bình.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Song song với nỗ lực của tỉnh triển khai chuỗi kích cầu du lịch, việc tạo ra sản phẩm mới đã thúc đẩy du lịch phục hồi, thu hút khách đến với Hòa Bình. Các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần, DLCĐ, du lịch gắn với làng nghề và sản phẩm OCOP, trải nghiệm văn hóa theo các nhóm nhỏ, gia đình… Trong đó, sản phẩm tour du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đang là phân khúc thị trường được nhiều khách hàng quan tâm và sử dụng khi đến với Hòa Bình. Một số cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn mới cũng được đưa vào khai thác như: Khách sạn Sojo, khách sạn Bình Anh (TP Hòa Bình), làng Kayaking (Cao Phong). 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón trên 1,8 triệu lượt khách, đạt 71% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 1.980 tỷ đồng, tăng 124,5% so với cùng kỳ, đạt 82,5% kế hoạch năm. Các khu, điểm du lịch tích cực phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và xây dựng các gói ưu đãi nhằm thu hút du khách dịp cao điểm lễ, Tết, gần nhất là dịp nghỉ Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)… 

Bùi Minh



Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục