Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho ngư dân Quảng Nam. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn nghề cá Quảng Nam luôn động viên bà con ngư dân, lao động nghề biển, tích cực phòng ngừa dịch bệnh, duy trì khả năng vươn khơi bám biển dài ngày với mục tiêu khai thác đạt xấp xỉ 92 nghìn tấn hải sản các loại trong năm 2021, để kinh tế biển thật sự là kinh tế mũi nhọn.



Ngư dân vận chuyển nhu yếu phẩm lên tàu tại cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chuẩn bị cho chuyến đi biển. Ảnh tư liệu: Đỗ Trưởng/TTXVN

Giữ vững chuỗi sản xuất và tiêu thụ

Dịch bệnh COVID-19 không làm cho cảng cá Tam Quang, cảng cá lớn nhất tỉnh Quảng Nam bớt phần náo nhiệt. Điều đáng ghi nhận ở đây là tất cả ngư dân trên tàu khi vào cập cảng và lao động trên bờ đều thực hiện đầy đủ các quy định trong phòng chống dịch bệnh, nếu không mang khẩu trang thì dứt khoát không được vào cảng.

Tất cả tàu cá khi vào cập cảng đều được tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tiêu thụ sản phẩm, tiếp tế vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm thiết yếu để nhanh chóng rời cảng cho chuyến biển tiếp theo, hạn chế tụ tập đông người.

Còn tại cảng cá Tam Giang, ông Phan Trinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam chia sẻ, gần hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho ngư dân từ khâu đánh bắt đến tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, với thế mạnh của mình là địa phương có đội tàu thuyền hùng mạnh trong tỉnh, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang luôn động viên nhau tích cực phòng chống dịch bệnh và tự tin vươn khơi bám biển.

Tất cả các phương tiện trước khi vươn khơi đều trang bị đầy đủ thuốc sát khuẩn, khẩu trang, được nghiệp đoàn và các cơ quan chức năng kiểm tra rồi mới xuất bến. Khi tàu cập cảng, tất cả thuyền viên, người lao động trên bờ, người thu mua hải sản đều được yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành Nguyễn Ngọc Vinh cho biết, là một trong những địa phương có đội tàu khai thác hải sản hùng mạnh nhất tỉnh Quảng Nam, ngay từ đầu năm, xã đã quán triệt cho bà con ngư dân thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch. Phương tiện nào không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng ngừa dịch bệnh thì Đồn biên phòng sẽ kiên quyết không cho phép xuất bến.

Đội tàu xa bờ của Tam Giang là lực lượng nòng cốt trong khai thác hải sản của địa phương. Nhờ tích cực phòng chống dịch bệnh nên chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của địa phương vẫn liên tục và hiệu quả. Trong 7 tháng của năm, tổng sản lượng khai thác đạt trên 6.600 tấn, tổng giá trị đạt trên 200 tỷ đồng.

Đoàn kết vươn khơi

Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Lao Chàm, Quảng Nam chia sẻ, đơn vị đã xây dựng và không ngừng phát triển các tổ đoàn kết làm ăn trên biển với mục đích để bà con ngư dân hỗ trợ lẫn nhau khi gặp rủi ro trên biển.

Hàng ngày, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm liên lạc đều đặn với tất cả các phương tiện tàu thuyền của ngư dân trên biển để nắm bắt tình hình và có hướng xử lý kịp thời.

Cũng thông qua các phương tiện thông tin liên lạc gắn kết giữa tàu thuyền và các trạm trực canh ven bờ, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm thực hiện hàng trăm cuộc hướng dẫn kịp thời để các thuyền trưởng điều khiển phương tiện tránh bão và áp thấp trên biển một cách hiệu quả.

Các tổ đội đoàn kết trên biển cung cấp cho Đồn biên phòng Cù Lao Chàm hàng trăm thông tin về tình hình trên biển. Từ đó, giúp biên phòng và các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tình hình và đề xuất các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm nhập một cách hiệu quả.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, để thực hiện chiến lược tái cơ cấu nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, đưa nghề khai thác hải sản trở thành mũi nhọn, tỉnh Quảng Nam đang giảm mạnh số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ; tăng số lượng tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng vươn khơi bám biển dài ngày. Đi liền với đó là phát triển nhanh các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội đoàn kết để giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình làm ăn dài ngày trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Quảng Nam duy trì mức sản lượng mỗi năm từ 92-95 nghìn tấn hải sản các loại. Mặt khác, để thực hiện mục tiêu đưa kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Nam đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tiếp tục đầu tư đóng mới tàu cá xa bờ với mục tiêu đóng mới khoảng 30 chiếc tàu có công suất lớn mỗi năm, phấn đấu đến năm 2030 đội tàu cá xa bờ của tỉnh đạt trên 900 chiếc.

Tỉnh Quảng Nam cũng tiếp tục thành lập các nghiệp đoàn nghề cá và tổ đoàn kết trên biển. Hiện tại toàn tỉnh đã có 9 nghiệp đoàn nghề cá, trên 160 tổ đoàn kết trên biển với mục đích liên kết, tương trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. Điều này góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ động và tích cực ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 gắn với xây dựng, phát triển các tổ đội đoàn kết trên biển, liên kết trong quá trình khai thác, bảo quản, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác là sự lựa chọn tất yếu của ngư dân Quảng Nam để chuỗi sản xuất kinh tế biển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.


                                                                        Theo Baotintuc

Các tin khác


Tạo động lực tăng trưởng mới từ kinh tế biển

Kinh tế biển không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Nghệ An: Tìm thấy thi thể 2 ngư dân trong vụ chìm tàu câu mực trên biển

Sáng 5/5, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Anh Văn, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) xác nhận thông tin: Sau gần hai ngày nỗ lực tìm kiếm, chiều 4/5, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã phát hiện thi thể của hai ngư dân mất tích trong vụ lật, chìm thuyền câu mực bị dông lốc và sóng lớn đánh chìm trên biển rạng sáng 3/5.

696.336 lượt người tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì tổ chức từ ngày 4/3 - 25/4/2024; chia làm 4 kỳ, mỗi kỳ 2 tuần. Trong đó, kỳ 1 từ 8h ngày 4/3 đến 24h ngày 17/3 có 125.588 lượt người dự thi. Kỳ 2 từ 0h ngày 18/3 đến 24h ngày 31/3 có 166.782 lượt người dự thi. Kỳ 3 từ 0h ngày 1/4 đến 24h ngày 14/4 có 225.304 lượt người dự thi. Kỳ 4 từ 0h ngày 15/4 đến 24h ngày 25/4 có 178.662 lượt người dự thi.

Hải quân Việt Nam – Cam-pu-chia rút kinh nghiệm tuần tra chung lần thứ 33

Ngày 2/5, tại TP. Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk (Cam-pu-chia), Vùng 5 Hải quân Nhân dân Việt Nam và Căn cứ biển Ream, Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm lần thứ 33 về hoạt động tuần tra chung trong Vùng nước lịch sử Việt Nam – Cam-pu-chia.

Thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Trường Sa và Nhà giàn DK1

Từ ngày 26/4 - 2/5, Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh do Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Hải quân làm Trưởng đoàn và ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Thành phố làm Phó đoàn đã đi thăm, động viên và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân một số điểm đảo ở Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1.

Đoàn đại biểu kiều bào thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục