Xác định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, tỉnh Bình Thuận đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Đến nay, tỉnh đã từng bước khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.



Ngư dân khai thác thủy sản trên biển. Ảnh tư liệu: Phạm Cường/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng tàu cá Bình Thuận vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ giảm đáng kể so với những năm trước đây. Ngoài vụ việc một tàu cá với 7 lao động vi phạm vùng biển nước ngoài đầu năm 2023, đến nay tỉnh chưa phát sinh thêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Có được kết quả trên là nỗ lực của các đơn vị chức năng và địa phương trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; thống kê, đưa vào giám sát đặc biệt các tàu cá của tỉnh có "nguy cơ cao” và cử cán bộ, chiến sĩ, Đảng viên trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh tổ chức trực ban 24/24 tại Trung tâm giám sát tàu cá để nhắc nhở, cảnh báo, phát hiện tàu cá vượt ranh giới trên biển…

Nổi bật, thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU và nhất là bám sát nhóm khuyến nghị về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá, tỉnh Bình Thuận đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng và thực trạng tàu cá để sàng lọc, phân loại đảm bảo theo dõi, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, đặc biệt các tàu cá "3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm); xử lý dứt điểm tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Tính đến ngày 29/9, 100% tàu cá của tỉnh có chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS. Bên cạnh đó, quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và sản lượng qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản được thực hiện đúng quy định, không để xảy ra tình trạng hồ sơ sai sót bị trả về.

Cụ thể, các văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại kiểm soát tàu cá ra, vào cảng bốc dỡ sản phẩm, giám sát sản lượng lên bến. Trong 8 tháng, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh đã thống kê được 15.420 lượt tàu cập cảng, 15.846 lượt tàu rời cảng; tổng sản lượng khai thác được bốc dỡ, giám sát qua cảng hơn 45.200 tấn; thu 6.890 sổ nhật ký khai thác. Cảng cá Phan Thiết và Chi cục Thủy sản đã cấp 119 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm được tăng cường, đặt biệt là đã xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tính răn đe. Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã xử lý 320 vụ, thu phạt hơn 2,9 tỷ đồng với các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Hải, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Đặc biệt, tỉnh tập trung cao độ các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuẩn bị đón, làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần 4 trong tháng 10/2023 này; đồng thời nỗ lực cùng với cả nước gỡ cảnh báo "thẻ vàng” của EC.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai mọi biện pháp để ngăn chặn, kiên quyết không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thường xuyên rà soát, thống kê đưa vào quản lý, theo dõi đặc biệt các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý các tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ và các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Bên cạnh tăng cường kiểm soát IUU tại cảng cá, bến cá; đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác phục vụ chế biến xuất khẩu, các đơn vị chức năng tiếp tục tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đến hết tháng 10/2023, nhất là tại cảng cá, bến cá; kiên quyết xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Các tổ chức hội, đoàn thể và địa phương phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động chủ tàu cá, doanh nghiệp và người dân tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về chống khai thác IUU.

Theo TTXVN

Các tin khác


Tạo động lực tăng trưởng mới từ kinh tế biển

Kinh tế biển không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Nghệ An: Tìm thấy thi thể 2 ngư dân trong vụ chìm tàu câu mực trên biển

Sáng 5/5, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Anh Văn, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) xác nhận thông tin: Sau gần hai ngày nỗ lực tìm kiếm, chiều 4/5, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã phát hiện thi thể của hai ngư dân mất tích trong vụ lật, chìm thuyền câu mực bị dông lốc và sóng lớn đánh chìm trên biển rạng sáng 3/5.

696.336 lượt người tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì tổ chức từ ngày 4/3 - 25/4/2024; chia làm 4 kỳ, mỗi kỳ 2 tuần. Trong đó, kỳ 1 từ 8h ngày 4/3 đến 24h ngày 17/3 có 125.588 lượt người dự thi. Kỳ 2 từ 0h ngày 18/3 đến 24h ngày 31/3 có 166.782 lượt người dự thi. Kỳ 3 từ 0h ngày 1/4 đến 24h ngày 14/4 có 225.304 lượt người dự thi. Kỳ 4 từ 0h ngày 15/4 đến 24h ngày 25/4 có 178.662 lượt người dự thi.

Hải quân Việt Nam – Cam-pu-chia rút kinh nghiệm tuần tra chung lần thứ 33

Ngày 2/5, tại TP. Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk (Cam-pu-chia), Vùng 5 Hải quân Nhân dân Việt Nam và Căn cứ biển Ream, Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm lần thứ 33 về hoạt động tuần tra chung trong Vùng nước lịch sử Việt Nam – Cam-pu-chia.

Thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Trường Sa và Nhà giàn DK1

Từ ngày 26/4 - 2/5, Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh do Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Hải quân làm Trưởng đoàn và ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Thành phố làm Phó đoàn đã đi thăm, động viên và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân một số điểm đảo ở Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1.

Đoàn đại biểu kiều bào thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục