Sáng 5/5, Hội thảo khu vực về Vai trò của Tòa án quốc tế về Luật biển trong giải quyết tranh chấp liên quan tới Luật biển, do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) phối hợp đồng tổ chức đã khai mạc tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội.


Ảnh minh họa.

Hội thảo có sự tham dự của 7 đại diện từ ITLOS, bao gồm Chánh án, Phó Chánh án, các thẩm phán và lục sự của Tòa, cùng trên 70 đại biểu là chuyên gia pháp lý từ 15 quốc gia tại khu vực Châu Á, cán bộ làm việc trong lĩnh vực về biển của các bộ, ngành trung ương của Việt Nam và đại diện từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội. Nhiều phóng viên đến từ các hãng thông tấn, truyền hình trong nước đã tới đưa tin tại Hội thảo.

Trong bài diễn văn khai mạc tại Hội thảo, Chánh án Tòa ITLOS Tomas Heidar cho biết, Hội thảo này nằm trong chuỗi các sự kiện tổ chức tại nhiều khu vực trên thế giới nhằm thúc đẩy hiểu biết về các cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), từ đó thảo luận về vai trò quan trọng của ITLOS trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Hội thảo hướng tới mục tiêu chia sẻ thông tin tới chuyên gia từ các chính phủ về các thủ tục quy định trong Phần XV của Công ước, trong đó tập trung vào thẩm quyền của ITLOS và về cách thức các vụ việc được Toà thụ lý và giải quyết.

Chánh án ITLOS Tomas Heidar đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam nói chung, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói riêng đã hỗ trợ và đồng hành cùng ITLOS trong việc tổ chức Hội thảo khu vực lần này tại Việt Nam. Ông chia sẻ Việt Nam là địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện này, bởi lẽ Việt Nam là quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với biển, không chỉ xét từ vị trí địa lý mà còn thể hiện trong các cam kết lâu dài của Việt Nam đối với Công ước UNCLOS 1982. Việt Nam đã tham gia tích cực trong Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển lần thứ ba và là một trong những nước sớm ký kết, phê chuẩn Công ước; Việt Nam phê chuẩn hai hiệp định thực thi trong khuôn khổ UNCLOS là Hiệp định thực thi Phần XI UNCLOS vào năm 2006 và Hiệp định về nguồn cá vào năm 2018. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định BBNJ).

Theo ông Tomas Heidar, một trong những thành tựu to lớn đạt được trong quá trình đàm phán UNCLOS chính là cơ chế giải quyết tranh chấp để đảm bảo thực thi hiệu quả Công ước, trong đó ITLOS là cơ quan tài phán độc lập được thiết lập và là trung tâm của cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS. Kể từ khi thành lập đến nay, ITLOS nhận được sự tin tưởng của các quốc gia thành viên và chứng minh được sự hiệu quả như một diễn đàn giải quyết tranh chấp. Cho đến nay, Toà đã thụ lý 30 vụ việc tranh chấp và đưa ra 3 ý kiến tư vấn về các vấn đề liên quan đến luật biển.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho biết, hội thảo khu vực lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và ý nghĩa đối với Việt Nam, năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh Việt Nam và 80 năm thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam. Đất nước và người dân Việt Nam luôn luôn hiểu và trân quý giá trị quý báu của hòa bình. Mặc dù hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, nhưng nhiều tranh chấp còn tiếp tục tồn tại, nhiều thách thức an ninh và phi truyền thống xuất hiện, kéo theo tác động sâu sắc đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định trong bối cảnh chung đó, sự ra đời của UNCLOS 1982 mở ra kỷ nguyên mới trong quản trị đại dương. Được công nhận rộng rãi là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, UNCLOS hướng tới mục tiêu duy trì hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển và đại dương. Trên cơ sở của Công ước, sự ra đời của Tòa ITLOS tạo động lực cho cơ chế giải quyết tranh chấp biển phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong 30 năm qua, ITLOS đã giải quyết hơn 30 vụ việc phức tạp, đóng góp nổi bật không chỉ vào việc bảo vệ tính toàn vẹn của Công ước, duy trì và định hình trật tự pháp lý trên biển mà còn đưa ra các giải pháp mới trong giải quyết các vấn đề mới nổi của đại dương.

Là một quốc gia thành viên của UNCLOS, có đường bờ biển dài, Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế và ủng hộ thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phục vụ mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế bền vững dựa vào biển, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, "Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cam kết của Việt Nam đối với ITLOS và UNCLOS không chỉ thể hiện qua các tuyên bố mà còn thể hiện thông qua các hành động cụ thể. Việt Nam tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế, ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với UNCLOS và ủng hộ việc phổ quát hóa Công ước.

Việc Việt Nam giới thiệu ứng cử viên vào vị trí Thẩm phán Tòa ITLOS minh chứng cho mong muốn đóng góp chuyên gia và thể hiện vai trò dẫn dắt vào quá trình phát triển của luật biển quốc tế. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức trên biển mới nổi và phức tạp, từ cạnh tranh chiến lược tới thách thức từ biến đổi khí hậu, vai trò của Công ước UNCLOS và Tòa ITLOS càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc hiểu rõ vai trò và thủ tục tại ITLOS, cũng như hợp tác quốc tế trong tuân thủ các nguyên tắc của UNCLOS sẽ giúp đảm bảo đại dương là khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Hội thảo khu vực "Vai trò của Tòa án Quốc tế về Luật Biển trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến luật biển” được tổ chức trong hai ngày (5 - 6/5), gồm 3 Phiên tập trung thảo luận về các chủ đề xoay quanh thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS nói chung và ITLOS nói riêng, các án lệ tiêu biểu và kết thúc bằng toạ đàm bàn tròn giữa các đại biểu tham gia.


Theo Baotintuc

Các tin khác


"Chuyến tàu Đại đoàn kết" - Hải trình đưa kiều bào ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1

Ngày 26/4, tại Khánh Hòa, trên 60 kiều bào về từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã kết thúc chương trình Đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, trên "Chuyến tàu Đại đoàn kết”, từ ngày 18 - 26/4/2025.

Xử lý nghiêm các vi phạm về thiết bị VMS trên vùng biển Tây Nam

Thời gian gần đây, tình trạng tàu cá của Việt Nam vượt ranh sang vùng biển nước ngoài và bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt, xử lý đã giảm. Tuy nhiên, tàu cá vi phạm IUU, nhất là vi phạm về sử dụng thiết bị giám sát hành trình (VMS) còn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Bình Thuận cao điểm triển khai các giải pháp chống khai thác IUU

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố vùng biển triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5.

Vùng 4 Hải quân tuần tra, kiểm soát vùng nước cấm Căn cứ quân sự Cam Ranh

Ngày 17/4, tại vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp lực lượng liên ngành của UBND thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực vùng nước cấm Căn cứ quân sự Cam Ranh.

Củng cố thế trận lòng dân vững chắc trên vùng biển, đảo Đông Bắc

Trong 5 ngày (từ 11 đến 15/4), Đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam cùng lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và các cơ quan, doanh nghiệp đi trên tàu CSB 8004 Vùng Cảnh sát biển 1 đã thực hiện chuyến khảo sát, nắm tình hình các vùng biển, đảo ven bờ năm 2025.

Cảnh sát biển đột phá trong công tác huấn luyện

Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là một trong những khâu đột phá được xác định trong nghị quyết hàng năm của Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Đình Cường, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục