Cùng với việc sáng chế ra bếp Hoàng Cầm, trong chiến dịch Hòa Bình bộ đội ta cũng sáng chế ra "con cúi” chống đạn bắn thẳng. Sáng kiến này đã góp phần giảm bớt thương vong cho bộ đội ở chiến trường Điện Biên Phủ sau này...


"Con cúi” chống đạn được tái hiện đầy sinh động tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Ảnh: TL

Trong quá trình tìm hiểu thông tin về chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), thật bất ngờ khi chúng tôi được một số nhân chứng cũng như tìm đọc được một số tài liệu ghi chép về việc để hạn chế thương vong, bộ đội ta đã chế ra "con cúi” chống đạn rất hiệu quả trước hỏa lực cực mạnh của địch bắn ra từ các công sự, lô cốt kiên cố. Từ đó đã góp phần hạn chế, làm giảm đáng kể thương vong cho bộ đội trong quá trình tiếp cận, đánh chiếm mục tiêu. 

Với âm mưu chiếm đóng Hòa Bình để thành lập "Xứ Mường tự trị”, sau khi tái chiếm Hòa Bình, thực dân Pháp đã cho xây dựng hệ thống công sự, lô cốt kiên cố. Xung quanh hệ thống công sự, lô cốt được phát quang thành vành đai trống với tầm nhìn lên tới cả trăm mét để phát huy tối đa hiệu quả hỏa lực từ trong bắn ra. 

Thực tế chiến đấu đã chứng minh những lo ngại của ta trước trận đánh địch tại thị xã Hòa Bình về thương vong lớn là hoàn toàn có cơ sở. Với địa hình bằng phẳng, trống trải, cuộc tấn công của ta đã bị đạn pháo của địch nã dồn dập. Cùng với đó, những khẩu trung liên và đại liên từ các lô cốt, công sự của địch bắn xối xả vào đội hình chiến đấu của ta gây nên những thương vong, tổn thất nặng nề.

Mỗi tấc đất, mỗi bước chân tiến về phía trước của người lính đều phải đánh đổi bằng máu. Trước thực tế đó, ngay trong quá trình chiến đấu đánh địch, ta đã kịp thời rút kinh nghiệm, xốc lại đội hình. Để tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu của địch, bộ đội ta đã có sáng kiến là làm một "con cúi” bằng gỗ và rơm bện lại với đường kính khoảng 1 - 1,5m, dài từ 1 - 1,5m. Những "con cúi” chống đạn được bộ đội, các ông bố, bà mế nơi xứ Mường chặt cây rừng đan bện, chằng buộc như là "tấm khiên” vững chắc ngăn đạn bắn thẳng, đồng thời giúp bộ đội tịnh tiến về phía trước, băng qua địa hình bằng phẳng nhanh chóng tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu. Với sáng kiến này, thương vong của bộ đội giảm rõ rệt, hiệu quả chiến đấu được nâng lên, thời gian tiêu diệt mục tiêu diễn ra nhanh chóng. 

Sáng kiến này sau đó đã được bộ đội đưa vào thực tế chiến đấu tại chiến trường khu vực đồng bằng và sau này là chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều này được cựu chiến binh Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại. Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi vừa tròn 20 tuổi, thuộc biên chế đại đội trinh sát của Đại đoàn thép 316, được giao nhiệm vụ đánh và tiêu diệt địch tại cứ điểm trên Đồi A1. Đây là một trong những cứ điểm được Pháp bố trí công sự, lô cốt kiên cố và tập trung hỏa lực rất mạnh. Trong quá trình vừa chiến đấu vừa đào hào, quân ta gặp phải rất nhiều khó khăn với thương vong lớn bởi hỏa lực bắn thẳng của địch. Mỗi mét hào đều được đánh đổi bằng xương máu của bộ đội. Trong những ngày đầu chiến đấu tại cứ điểm này, ta đã không thể khống chế được. Khi ấy ta cũng chỉ dám đào hào vào ban đêm với tiến độ rất chậm... Tuy nhiên, khi những "con cúi” được đưa ra mặt trận đã trở thành tấm khiên chắn đạn bắn thẳng cực kỳ hiệu quả của quân ta. Từ chỗ chỉ đào hào ban đêm, với "con cúi” ta đào hào cả ban ngày. Không chỉ ở Đồi A1, giữa cánh đồng Mường Thanh trống trải, theo những "con cúi” chống đạn, chiến hào của bộ đội ta từng ngày vươn đến xiết chặt vòng vây các cứ điểm Độc Lập, Hồng Cúm, Him Lam trong 56 ngày đêm chiến dịch. 

Đến nay chẳng ai còn nhớ người nghĩ ra sáng kiến này, nhưng "con cúi” chống đạn vẫn là một trong những sáng tạo tuyệt vời, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam trong chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu cách đây 70 năm.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Ngày 12/4/1954: Chiếc máy bay thứ 50 của địch bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ

Ngày 12/4/1954, hồi 11 giờ 40 phút, chiếc máy bay thứ 50 của địch bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đó là một "pháo đài bay” ném bom 4 động cơ B.24, với tổ bay 9 người, lần đầu bị hạ trên chiến trường Việt Nam.

Thành công xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng

Thắng lợi của chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Ðiện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Ðảng giữ vai trò quyết định.

56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ:Ngày 11/4/1954: Bắt đầu đợt 2 trận đánh tiêu diệt đồi C1

Đồi C1 là cao điểm phía Đông, một trong những hướng phòng ngự chủ yếu của thực dân Pháp để bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử

Với công trình văn hóa có kiến trúc độc đáo, hệ thống trưng bày được nâng cấp, hiện đại hóa, cùng bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” - bức tranh tròn quy mô lớn nhất Đông Nam Á, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trở thành điểm đến hấp dẫn khó bỏ qua trong hành trình trở lại chiến trường xưa, khám phá xứ sở hoa ban. Càng gần đến Ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các đoàn tham quan, lượng khách ghé thăm bảo tàng ngày càng tăng

Trưng bày chuyên đề “Quân dân tỉnh Hòa Bình với chiến thắng Điện Biên Phủ”

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Bảo tàng tỉnh Hoà Bình tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề "Quân dân tỉnh Hòa Bình với chiến thắng Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”

Ngày 8/4, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Phú Thọ tổ chức khánh thành Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong” tại khu vực ngã 5 đền Giếng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục