Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã tiêu diệt gọn cứ điểm 311B ở phía tây Mường Thanh, tiến vào uy hiếp Sở Chỉ huy của địch vào ngày 3/5/1954. Đến đêm 4/5, quân địch phản kích, định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại. Cũng trong ngày 4/5/1954, De castries (Đờ Cát) triệu tập tất cả các sĩ quan để thảo luận cách thực hiện kế hoạch rút lui mang tên “Chim biển”.


Bị tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào dùng súng trường bắn tỉa địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Địch phản kích định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại

Đêm 4/5/1954, trên cánh đồng phía Tây, sau khi tiêu diệt 311A, Đại đoàn 308 tiếp tục đánh 311B (Huguette 4) ở phía trong. Trung đoàn 36 tiêu diệt một đại đội gồm lính lê dương và lính Maroc, đưa trận địa tới gần trung tâm đề kháng Lilie (từ Cloudine mới tách ra), tấm bình phong cuối cùng che chở cho Sở Chỉ huy De Castries ở hướng này. (1)

Về phía quân địch, trong cuốn "Điện Biên Phủ - Cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi”, tác giả Howard.R.Simpson kể lại: Một trung đoàn và 4 tiểu đoàn đã tấn công  cứ điểm 311 B (Huguette 4) ngay đêm 4/5. Đại uý Jean Lucciani của Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 chỉ huy và cùng với lực lượng hỗn hợp lính dù và lính Maroc quyết tâm kháng cự. Lúc giờ 3 giờ 35 phút, De Castries và tham mưu của ông ta là những nhân chứng hiếm hoi cho sự thất bại của Huguette 4. Một bức điện trên đài phát thanh của một sĩ quan còn sống sót thông báo với Trung tâm chỉ huy rằng chỉ còn mấy người là đang chiến đấu. Sau đó người nghe đài biết anh ta chết và anh ta còn bắn vào đài phát khi quân đội Việt Minh đánh vào tới đường hào.

Lúc 9 giờ sáng ngày 4/5/1954, Tướng De Castries gửi một bức điện mật cho tướng Cogny (Cônhi) thông báo về sự thất bại của Huguette 4. Ông ta còn cho biết những tổn thất của ông ta là nghiêm trọng và chỉ ra rằng mặc dù ông ta đã lại yêu cầu nhưng người còn lại của Tiểu đoàn dù Thuộc địa số 1 vẫn không được thả xuống. Bức điện đã phân tích rất cụ thể tình hình khi đó:

"Đồ dự trữ của chúng tôi còn rất ít. Trong 15 ngày chúng bị giảm dần từng ít một. Chúng tôi không có đủ đạn để ngăn chặn các đợt tấn công hoặc hỏa lực của quân đội Việt Minh. Rõ ràng rằng không một nỗ lực nào được thực hiện để cứu văn tình hình. Các chuyến thả dù ban đêm phải bắt đầu lúc 20 giờ thay vì 23 giờ. Buổi sáng do sương mù nên phải có kế hoạch thả dù vào ban đêm. Tôi cần dựa hoàn toàn vào các nguồn dự trữ với số lượng lớn. Thực tế, các đơn vị của chúng tôi không thể rời căn cứ của mình mà không chịu ảnh hưởng hỏa lực của lính bắn tỉa và của súng không giật. Thiếu xe chở, thiếu phu khuân vác buộc tôi phải sử dụng các đơn vị còn đang rất mệt mỏi cho các mục đích hồi phục. Kết quả thật tồi tệ. Nó còn gây ra nhiều tổn thất. Tôi không thể hy vọng khôi phục lại một nửa những gì đã được thả xuống. Nhưng số lượng gửi tới cho tôi hiện tại chỉ là một phần rất nhỏ so với yêu cầu. Tình hình này không thể tiếp tục như thế. Tôi cho rằng, một lần nữa về vấn đề tuyên dương, tôi lại không có gì để động viên tinh thần binh lính của mình, những người đang phải hoàn thành công việc siêu nhân, tôi không dám nhìn họ mà trong tay chẳng có gì”. (2)

De Castries triệu tập các sĩ quan chỉ huy phổ biến mệnh lệnh tháo chạy

Sau khi không thực hiện được kế hoạch "Chim ưng” ngày 4/5/1954, Conny lại thông báo cho De Castries chuẩn bị thực hiện một kế hoạch tháo chạy mới, mang tên "Chim biển”. Theo kế hoạch này, địch dự định ném xuống Điện Biên Phủ một tiểu đoàn để hợp lực với bọn còn sống sót trong tập đoàn cứ điểm phá vây chạy sang Thượng Lào bằng ba hướng Nam, Đông - Nam và Tây, trong khi đó hai tiểu đoàn khác nhảy dù xuống tạo thành một hành lang từ thung lũng Nậm Nưa qua Mường Nhạ, Nậm Hợp để đón quân phá vây rút chạy. (3)

18 giờ ngày 4/5/1954, theo lệnh của Langglais (Lănggle), các sĩ quan tề tựu tại hầm của De Castries. Sau khi được phổ biến mệnh lệnh rút lui, những tên được coi là hùng hổ nhất như Langglais, Bigeard (Bigia) cũng sầm mặt lại. Bọn chúng đều cảm thấy tháo chạy bây giờ là lao đầu vào cái chết. Nhưng rồi bọn chúng cũng bàn xong một kế hoạch thực hiện.

Quân đồn trú ở Điện Biên Phủ sẽ chia làm ba toán. Ba toán quân ấy sẽ chạy sang Lào bằng ba hướng khác nhau: Hướng thứ nhất là hướng Đông Nam, qua Bản Kéo và thung lũng sông Mã; hướng thứ hai, là hướng Nam qua thung lũng Nậm Nưa; hướng thứ ba, là hướng Tây qua thung lũng Nậm Hợp và Nậm Hu. Những viên sĩ quan có mặt trong cuộc họp đều coi hướng Nam là hướng ít nguy hiểm hơn cả. Tên nào cũng muốn chạy về hướng đó. De Castries không còn đủ uy tín và khả năng để quyết định. Thế rồi, trước mặt thiếu tướng De Castries, người chỉ huy cao nhất của quân đội viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ, đã xảy ra một sự kiện khá độc đáo. Các sĩ quan rút thăm để nhờ thần may rủi định đoạt xem ai phải chạy về hướng nào. De Castries không tham gia vào cuộc rút thăm vì y đã tự chọn con đường sống bằng cách ở lại đầu hàng Quân đội nhân dân Việt Nam ngay tại Điện Biên Phủ dưới danh nghĩa: Ở lại với thương binh. (4)

Các sĩ quan Pháp lúc này chủ quan nhất trí với nhau: "Chim biển” sẽ cất cảnh vào 20 giờ ngày 7/5/1954. Họ không ngờ rằng tốc độ tiến công của quân ta đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng về tinh thần và tan rã về tổ chức của binh lính Pháp, khiến cho mọi ý đồ tháo chạy của các cấp chỉ huy chỉ còn là ảo tưởng. (3)

Về phía quân ta, nhận thấy những dấu hiệu địch muốn mở đường máu để thoát khỏi vòng vây, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định hoàn thành nhiệm vụ của đợt tiến công thứ ba, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để chuyển sang tổng công kích. Khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định, sau cuộc tiến công của ta thắng lợi, địch sẽ càng khốn quẫn và có thể đi đến rối loạn, nên tất cả các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng có thời cơ là chuyển ngay sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch. Mặt khác, các đơn vị phải tiến hành bao vây chặt chẽ không cho địch tháo chạy. (5)

[Nguồn: TTXVN; sách:
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, 2018, tr. 1084;
(2) Điện Biên Phủ - Cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi”, Nxb Công an Nhân dân, 2004, tr.316;
(3) Đại tướng Hoàng Văn Thái với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, 2024, tr. 314;
(4) Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2014, tr. 344;
(5) Chuyện kể chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, 2024, tr. 149]


Theo TTXVN

Các tin khác


Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức người lính pháo cao xạ

Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã lùi xa 7 thập kỷ, song với cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch (sinh năm 1928, trú tại tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), những năm tháng hào hùng lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

Khai trương Trung tâm báo chí Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức khai trương Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Rộn ràng thành phố Điện Biên Phủ gần ngày đại lễ

Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cận kề. Cũng như bao người con đất Việt cùng hướng về Điện Biên để hòa mình vào không khí hào hùng, náo nức của ngày đại lễ, từ Hòa Bình, tôi ngược đường lên mảnh đất anh hùng. Vượt qua những cung đường đèo, dốc đến TP Điện Biên Phủ, khí thế những ngày chuẩn bị cho đại lễ khiến tôi choáng ngợp. Mảnh đất đã từng hứng nhiều bom đạn, nếm trải bao đau thương, mất mát, nơi quân và dân một lòng vì độc lập dân tộc nay đã thay da đổi thịt.

Đoàn Kết - nơi những khẩu sơn pháo Điện Biên “thử lửa”

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3/1953, tại xã Đoàn Kết (Yên Thủy), Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lựa chọn làm nơi "thử lửa” các khẩu sơn pháo từ 75 - 105 mm. Các khẩu sơn pháo này sau đó đều được đưa tới Điện Biên Phủ công phá quân đội Pháp ở cánh đồng Mường Thanh.

Những mốc lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là đỉnh cao của trí tuệ quân sự Việt Nam, chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Báo Hòa Bình xin trân trọng điểm lại những mốc thời gian của chiến dịch này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục